Ngày 29/12/2015, tại Hà Nội, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã tổ chức Hội thảo "Thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng apatit nghèo ở Việt Nam". Dự Hội thảo có đại diện của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Cục Hóa chất, Viện Hóa học, Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên, các nhà khoa học, các doanh nghiệp sử dụng quặng apatit... Ông Ngô Đại Quang, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam chủ trì Hội thảo.
Trong Đề án tái cơ cấu của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyêt, lĩnh vực khai thác , chế biến quặng khoáng phục vụ sản xuất phân bón là một trong bốn lĩnh vực sản xuất chính của Tập đoàn.
Căn cứ vào trữ lượng quặng apatit được thăm dò, đánh giá năm 2014, tỷ lệ quặng apatit Lào Cai phân bổ như sau:Quặng loại I là 28,3 triệu tấn (5,6%), quặng loại II là 126 triệu tấn (25,3%), quặng loại III là 192,4 triệu tấn (38,5%), quặng loại IV là 152,9% (30,6%). Với tình hình khai thác và sử dụng như hiện nay (sắp tới có thể thêm nhà máy DAP số 3) thì quặng apatit loại I và III cạn kiệt nhanh chóng. Thực tế sản xuất nhiều năm khai thác, ngoài yếu tố trữ lượng quặng ngày càng cạn kiệt, thì chất lượng các loại quặng ngày càng kém đi và khó khai thác hơn. Vấn đề ảnh hưởng đến môi trường sinh thái trong quá trình khai thác, chế biến và sử dụng quặng ngày càng được quan tâm hơn.
Trước tình hình đó đòi hỏi Tập đoàn Hóa chất Việt Nam phải nhanh chóng triển khai nghiên cứu toàn diện về thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên quặng apatit nghèo Lào Cai. Cần có các giải pháp như có phương án triển khai nghiên cứu, ứng dụng để nâng cao chất lượng quặng tuyển, đáp ứng nhu cầu quặng cho các đơn vị; Chỉ đạo các đơn vị sản xuất phân bón chứa lân chủ động nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới để có thể sử dụng các loại quặng apatit hàm lượng P2O5 thấp hơn.
Mục tiêu của Hội thảo nhằm xây dựng chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ mang tính chiến lược, lâu dài (cấp nhà nước, cấp Bộ, Tập đoàn, cấp cơ sở) về thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng có hiệu quả quặng apatit nghèo ở Lào Cai. Xây dựng kế hoạch phối hợp giữa các đơn vị trong và ngoài Tập đoàn nhằm tăng cường nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật công nghệ, phát huy sáng kiến để sử dụng hiệu quả quặng apatit.
Tại Hội thảo các nhà khoa học, các chuyên gia, các cán bộ quản lý, kỹ thuật đã trình bày các tham luận về chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ về thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng có hiệu quả quặng apatit nghèo ở Lào Cai. Kế hoạch phối hợp giữa các đơn vị trong và ngoài Tập đoàn nhằm tăng cường nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật công nghệ, phát huy sáng kiến nhằm khai thác, chế biến và sử dụng quặng apatit một các hiệu quả: Quản lý khai thác, phối trộn quặng; Triển khai nghiên cứu, ứng dụng KHCN để nâng cao chất lượng quặng tuyển; Nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật, cải tiến và ứng dụng công nghệ mới nhằm sử dụng các loại quặng apatit chất lượng thấp hơn trong sản xuất phân bón chứa lân; Quặng apatit loại I bột và apatit loại II bột (kích thước < 25mm) có chất lượng nhưng ít được các đơn vị quan tâm sử dụng. Xây dựng chương trình nghiên cứu sử dụng loại sản phẩm này một cách hiệu quả;Các giải pháp về môi trường.
Phát biểu tại cuộc Hội thảo - đồng chí Ngô Đại Quang, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn yêu cầu Công ty Apatit Việt Nam khảo sát, đánh giá tình hình trữ lượng, chất lượng các loại quặng apatit trong toàn bộ khu vực quyền quản lý của Công ty. Tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm, đáp ứng đủ nhu cầu quặng cho các đơn vị trên tinh thần tiết kiệm tài nguyên. Chủ động và phối hợp triển khai nghiên cứu, ứng dụng các đề tài nâng cao chất lượng tuyển nhằm đáp ứng một cách tốt nhất yêu cầu chất lượng quặng cho các đơn vị sản xuất chứa lân, đặc biệt là các đơn vị sản xuất DAP thuộc Tập đoàn. Đảm bảo đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.
Với các đơn vị sử dụng quặng apatit để sản xuất phân bón cần chủ động nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật, cải tiến và ứng dụng công nghệ mới để có thể sử dụng các loại quặng apatit hàm lượng P2O5 thấp hơn, tạp chất cao hơn, đảm bảo bảo vệ môi trường.
Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam, đơn vị tư vấn, các nhà khoa học, chuyên gia tăng cường phối hợp với các đơn vị khai thác, chế biến, sử dụng quặng apatit tập trung nghiên cứu các vấn đề nâng cao chất lượng quặng tuyển và chất lượng sản phẩm phân bón chứa lân. Không ngừng cải tiến thuốc tuyển quặng III đảm bảo hàm lượng P2O5 theo yêu cầu, giảm thiểu tối đa các tạp chất. Hoàn thiện thuốc tuyển quặng loại II theo hướng nâng cao hiệu quả và chất lượng quặng tinh, đồng thời nghiên cứu thuốc tuyển quặng loại IV đáp ứng yêu cầu. Đồng chí cũng nhấn mạnh tất cả các nội dung trên sẽ được Tập đoàn ưu tiên hàng đầu để làm các đề tài khoa học công nghệ.