Vinachem: Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh

01:19 CH @ Thứ Sáu - 16 Tháng Mười Một, 2012

Trong 10 tháng đầu năm 2012, kinh tế trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đã tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem). Trong đó, giá các loại nguyên liệu chủ yếu cho các ngành sản xuất của Tập đoàn biến động mạnh và khó lường, trong khi thị trường tiêu thụ giảm sút đã làm cho tồn kho sản phẩm của các đơn vị trực thuộc Tập đoàn tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2011.

Nguyên nhân và giải pháp

Tính đến ngày 31/10/2012, tồn kho một số sản phẩm chính của Tập đoàn là: Phân bón, trong đó phân lân chế biến là 342.589 tấn; phân hỗn hợp NPK là 283.031 tấn, tăng 34,2%; phân DAP là 56.477 tấn; phân đạm ure là 59.284 tấn.

Việc tồn kho sản phẩm cao sẽ có những tác động nhất định tới kết quả sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, với đặc tính thời vụ của nhóm sản phẩm chủ lực của Tập đoàn là phân bón, nên các đơn vị vẫn phải đẩy mạnh sản xuất, tăng lượng dự trữ để kịp thời cung ứng khi mùa vụ (phân bón dự kiến từ cuối tháng 11 dương lịch bắt đầu chuẩn bị cho vụ Đông Xuân). Theo ông Nguyễn Gia Tường - Phó Tổng giám đốc Vinachem cho biết, lượng tồn kho trên thực tế là nằm trong kế hoạch sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nhất là mặt hàng phân bón là mặt hàng chiến lược nhằm bình ổn giá thị trường theo chỉ đạo của Bộ Công Thương tại Chỉ thị số 16/CT-BCT ngày 05/10/2012 về việc thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường những tháng cuối năm 2012 và Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013. Với diễn biến thị trường giá cả các sản phẩm, dịch vụ của nền kinh tế có sự trầm lắng và việc vay vốn có những hạn chế nhất định, nên khác với những năm trước, năm nay, các đại lý phân bón không đưa hàng về kho của mình để phục vụ cho vụ Đông Xuân nên đã ảnh hưởng nhiều đến tiêu thụ của các đơn vị, đẩy hàng tại kho của các đơn vị sản xuất phân bón cao hơn năm trước.

Chính vì vậy, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, Vinachem còn tập trung triển khai đến các đơn vị các giải pháp để thúc đẩy tiêu thụ, giảm tồn kho. Cụ thể, tăng cường quản trị sản xuất, tồn kho, cải tiến chất lượng sản phẩm nhằm giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm để tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu, tăng sản lượng tiêu thụ. Đối với tiêu thụ, các đơn vị sản xuất phải phối hợp chặt chẽ với hệ thống phân phối để điều chỉnh chính sách bán hàng cho phù hợp nhằm bán hàng được nhiều nhất, đồng thời phải đảm bảo hàng khi mùa vụ, đến thực hiện tốt chủ trương bình ổn giá của Chính phủ và Bộ Công Thương.

Đặc biêt, các đơn vị đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm DAP, Ure trong nội bộ Tập đoàn để sản xuất phân hỗn hợp NPK và giữa các tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ. Các đơn vị sản xuất phân bón, đặc biệt là tại Công ty Đạm Ninh Bình và DAP Hải Phòng đã phối hợp triển khai bán sản phẩm trên kênh phân phối mà các đơn vị sản xuất phân bón của Tập đoàn đã xây dựng được; Thực hiện chính sách thời vụ, vùng miền để tăng lượng tiêu thụ đối với những sản phẩm có thể bán vào khu vực miền Trung, Tây Nguyên và vùng đồng bằng sông Cửu Long, như: phân lân, DAP, đạm Ure; tăng cường xúc tiến thương mại, quảng cáo giới thiệu sản phẩm, giao dịch, tiếp xúc trực tiếp với khách hàng nhằm tìm kiếm cơ hội đẩy mạnh tiêu thụ trong nước và xuất khẩu vào những thời điểm trái vụ ở trong nước đối với những đơn vị có sản phẩm DAP, Ure, lân nung chảy.

Ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau

Hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng Việt Nam”, Bộ Công Thương tổ chức lễ ký thỏa thuận ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau giữa các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Bộ đã thúc đẩy việc ưu tiên sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu, thiết bị máy móc và các loại hàng hóa sản xuất trong nước góp phần từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Hơn nữa, việc hợp tác được thực hiện theo lộ trình và từng giai đoạn cụ thể để phù hợp với tình hình thực tế, với sự phát triển chung của từng đơn vị, sẽ góp phần đóng góp vào sự phát triển của ngành Công Thương và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngay tại buổi lễ, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ Công Thương, Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam đã ký Thỏa thuận hợp tác ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau với 16 Tập đoàn, Tổng công ty thuộc Bộ và ký Biên bản ghi nhớ song phương với Tập đoàn Dệt may Việt Nam.

Để tiếp tục triển khai tốt chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo tới các đơn vị trong Tập đoàn đẩy mạnh triển khai thực hiện thỏa thuận hợp với Tập đoàn Dệt may Việt Nam và Tổng công ty Giấy Việt Nam. Cụ thể, yêu cầu các đơn vị trong Tập đoàn triển khai ký hợp đồng trang phục bảo hộ lao động và đồng phục hàng năm cho cán bộ công nhân viên với các đơn vị hành viên thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam; Sử dụng giấy cho hoạt động của đơn vị (giấy văn phòng, giấy sử dụng cho sản xuất) của các đơn vị thành viên thuộc Tổng công ty Giấy Việt Nam. Tuy nhiên, việc ký hợp đồng trang phục bảo hộ lao động, đồng phục cho cán bộ công nhân viên và mua giấy cho hoạt động giữa các đơn vị phải đảm bảo chất lượng sản phẩm và tính cạnh tranh…

Nghị quyết 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 của Chính phủ và Chỉ thị số 13/CT-BCT ngày 17/8/2012 của Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đặc biệt là chỉ đạo của Bộ Công Thương tại buổi Lễ ký thỏa thuận ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau giữa các tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ là một hoạt động kịp thời và có ý nghĩa quan trọng trong thời điểm các doanh nghiệp bước vào những tháng cuối cùng thực hiện kế hoạch năm 2012.

Với sự chỉ đạo sát sao của tập thể lãnh đạo cùng với các biện pháp tháo gỡ khó khăn, tin tưởng rằng, Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu đề ra./.

Nguồn: