"/>
Trong hai năm 2010 - 2011 mặc dù ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu và những khó khăn của nền kinh tế đất nước, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) vẫn đạt mức tăng trưởng trên 10%, lợi nhuận hàng năm đạt trên 2.800 tỷ đồng…
Theo Ban Kỹ thuật Vinachem, để có sự tăng trưởng bền vững, vấn đề có tầm quan trọng hàng đầu là năng suất và chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của hàng hóa của Tập đoàn phải được nâng cao. Nghĩa là phải cải tiến để có sản phẩm chất lượng tốt hơn; loại bỏ mọi lãng phí, kiểm soát chi phí để có sản phẩm rẻ hơn và rút ngắn thời gian sản xuất để cung cấp sản phẩm nhanh hơn. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số nguyên nhân làm tăng chi phí đầu vào sản xuất của các doanh nghiệp hóa chất.
Những tồn tại về công nghệ sản xuất
Một số doanh nghiệp vẫn còn sử dụng các dây chuyền sản xuất có công nghệ và thiết bị cũ, lạc hậu, khiến tỷ lệ sử dụng nhân công cao, hiệu suất sử dụng năng lượng thấp. Một số dây chuyền sản xuất được đầu tư thêm thiết bị nhưng vẫn trong tình trạng chắp vá hoặc không đồng bộ. Trình độ công nghệ và thiết bị hạn chế thường kéo theo chất lượng sản phẩm thấp, kém sức cạnh tranh, làm cho giá bán thấp và kéo theo hiệu quả sản xuất thấp. Ngoài ra, do nhiều dây chuyền sản xuất không tận dụng triệt để được sản phẩm phụ, chất thải và năng lượng thải nên rất lãng phí, giá thành sản xuất càng cao, đồng thời còn có thể gây ra ô nhiễm môi trường.
Một số dự án mặc dù đã được đầu tư mới hoàn toàn với công nghệ và thiết bị tiên tiến nhưng nhiều khi lại bị hạn chế về công suất, không tận dụng được ưu thế về quy mô sản xuất để giảm giá thành. Các dây chuyền sản xuất có quy mô sản xuất nhỏ, không phát huy được hiệu quả về “quy mô sản xuất”, khiến sản phẩm phải “gánh” chịu chi phí cao về quản lý, hạ tầng cơ sở...
Vốn lưu động thấp so với doanh thu, vì vậy ngoài khó khăn về nguồn vay vốn, thì lãi suất vốn vay cũng là một yếu tố góp phần tăng chi phí đầu vào sản xuất. Ngoài ra, nhiều sản phẩn của công nghiệp hóa chất được tiêu thụ theo phương thức đại lý và trả chậm vì thế ảnh hưởng của việc thiếu vốn càng trầm trọng.
Bên cạnh đó, tỷ lệ khấu hao tài sản cố định trong giá thành sản phẩm đối với các dây chuyền mới đầu tư thường khá cao. Gia tăng các chi phí liên quan đến chuyển đổi công nghệ sản xuất, di dời cơ sở sản xuất hoặc xử lý chất thải, xử lý môi trường…
Cải tiến năng suất để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm
Để khắc phục những khó khăn nói trên, các doanh nghiệp hóa chất trong Vinachem đã và đang thực hiện các dự án cải tiến năng suất và chất lượng sản phẩm.
Tập đoàn đã tăng cường áp dụng các công nghệ mới, nhập khẩu thiết bị hiện đại. Nhiều công nghệ tiên tiến đã được tiếp nhận và khai thác có hiệu quả. Trình độ đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và tay nghề của công nhân được nâng cao. Các doanh nghiệp trong Vinachem cũng đã chú trọng áp dụng các nhóm giải pháp để giảm chi phí trên cơ sở cải tiến quản lý và sử dụng vốn hiệu quả. Kết quả đạt được bước đầu khi áp dụng các nhóm giải pháp là rất rõ ràng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm và hiệu quả SX-KD nói chung.
Cụ thể, Công ty CP Phân lân nung chảy Văn Điển đã cải tiến thay đổi trắc đồ lò cao sản xuất phân lân nung chảy, nâng công suất lên 100.000 tấn/năm (11-12 tấn/ giờ), so với thiết kế ban đầu (đầu những năm 1960) là 10.000 tấn/năm. Giảm định mức tiêu hao than tại cửa lò 67,7%, giảm định mức tiêu hao điện tại cửa lò 81,3%. Công trình này đem lại hiệu quả kinh tế cao do tiếp tục cải tiến trắc đồ lò, phối liệu, chế độ làm lạnh, vì vậy đã nâng công suất lò lên 13-14 tấn/giờ, chất lượng sản phẩm được nâng cao, đạt yêu cầu xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và một số nước khác.
Tại Công ty CP Supe phốt phát và Hoá chất Lâm Thao, công trình chuyển đổi công nghệ sản xuất axit sunphuric của các xưởng I và II từ tiếp xúc đơn, hấp thụ một lần sang công nghệ tiếp xúc kép, hấp thụ 2 lần không những làm tăng hiệu quả sản xuất, giảm định mức tiêu hao nguyên liệu mà đặc biệt còn làm giảm thiểu ô nhiễm khí thải công nghiệp xuống dưới mức cho phép của QCVN. Định mức tiêu hao lưu huỳnh (S) trước và sau khi chuyển đổi giảm 1,2% và đến nay đã giảm 2,4%. Hàng năm tiết kiệm hàng trăm tấn lưu huỳnh (S) nguyên liệu. Hàm lượng SO2 trong khí thải từ 2000 - 2500 mg/Nm3 giảm còn 500 - 1000 mg/Nm3, đạt cột A của QCVN 21:2009/B
Công ty CP Cao su Đà Nẵng cũng từng bước hiện đại hoá công nghệ, thiết bị đồng thời cải thiện căn bản điều kiện làm việc và môi trường sản xuất, nhờ vậy năng suất lao động tăng lên không ngừng. Năm 2007 tăng 15% so với năm 2006, Năm 2008 tăng 13 % so với năm 2007, năm 2009 tăng 10 % so với năm 2008, năm 2010 tăng 15 % so với năm 2009…
Đầu tư công nghệ điện phân xút-clo màng trao đổi ion (Membran) ở nhà máy hoá chất Biên Hoà (Cty TNHH một thành viên HCCB miền
Một số lĩnh vực công nghiệp hoá chất khác như sản xuất pin – ăcquy, sơn, các chất tẩy rửa, sản xuất khí công nghiệp, khai thác quặng apatit… cũng đã có sự phát triển nhanh chóng, với việc đầu tư chiều sâu, đầu tư mới công nghệ và thiết bị nên năng tốc độ phát triển, thị phần mở rộng vững chắc và ổn định.
Đáng chú ý là đến nay hầu hết các đơn vị Vinachem đều đã xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9001 – 2008. Nhiều công ty đang triển xây dựng hệ thống quản lý môi trường ISO 14000 và hệ thống quản lý an toàn sức khỏe nghề nghiệp OHSAS 18000, áp dụng các công cụ cải tiến năng suất và chất lượng (5S, Kaizen…). Tập đoàn cũng đã chỉ đạo xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho các nguyên vật liệu và các sản phẩm chưa có TCVN, TCN. Các đơn vị đã xây dựng xong bộ tiêu chuẩn cơ sở cho các sản phẩm và công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá theo quy định. Một số công ty đã công bố hàng hoá phù hợp TCVN đối với một số sản phẩm. Bên cạnh đó, các đơn vị đã chú trọng đầu tư thêm trang thiết bị hiện đại để kiểm tra giám sát chất lượng sản phẩm.
Mặc dù các doanh nghiệp Vinachem đã có nhiều cố gắng nhằm đạt mục tiêu nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp quản lý, ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ, đầu tư nhằm tạo sự chuyển dịch cơ bản từ năng suất, chất lượng thấp, giá trị gia tăng thấp, công nghệ thấp sang năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cao, công nghệ có hàm lượng khoa học cao, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa; nhưng cũng vẫn rất cần có sự định hướng, tạo điều kiện và hỗ trợ một cách đồng bộ để có thể làm tốt hơn nữa mục tiêu này. Do đó việc triển khai dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công nghiệp” sẽ tạo điều kiện và thúc đẩy các doanh nghiệp của Vinachem ứng dụng tiến bộ khoa học và đổi mới công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng, thực hiện các dự án nâng cao năng suất chất lượng trong hoạt động SX-KD.