Ấn Độ có kế hoạch đảm bảo nguồn cung phân bón và bảo hiểm chống tăng giá bằng cách mở rộng hoạt động ở các quốc gia giàu nguyên liệu thông qua các chương trình đầu tư và các hợp đồng nhập khẩu phân bón dài hạn.
Bộ trưởng Hóa chất và phân bón Ấn Độ cho biết, quốc gia này đang tìm kiếm sự đảm bảo nguồn cung phân bón trong bối cảnh giá các loại phân bón quan trọng như urê, kali và DAP tăng mạnh sau khi các nước phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt lên những quốc gia sản xuất phân bón hàng đầu thế giới như Belarut và Nga, đồng thời nguồn cung từ Marốc và Trung Quốc giảm.
Các công ty Ấn Độ đang tìm cách mua cổ phần ở các nhà sản xuất axit phốtphoric tại Senegal, các nhà sản xuất DAP tại Arập Xê-út và các công ty tương tự ở châu Phi cũng như Canađa.
Là quốc gia sản xuất gạo và lúa mì lớn thứ hai trên thế giới, hiện Ấn Độ phải dựa chủ yếu vào các hợp đồng nhập khẩu phân bón dài hạn và mua phân bón giao ngay trên thị trường để đáp ứng nhu cầu của ngành nông nghiệp trong nước, đây là ngành chiếm 15% trong tổng giá trị 3 nghìn tỉ USD của toàn bộ nền kinh tế Ấn Độ.
Hiện nay, Ấn Độ nhập khẩu khoảng 1/3 trong tổng lượng phân bón tiêu thụ hàng năm (60 triệu tấn).
Giá phân bón tăng cao sau khi các nước phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt do cuộc chiến tranh Nga-Ucraina khiến cho số tiền chính phủ Ấn Độ phải chi trả để trợ cấp cho người nông dân mua phân bón tăng lên những mức cao kỷ lục.
Theo Bộ Hóa chất và phân bón Ấn Độ, số tiền trợ cấp mua phân bón có thể tăng đến 2,5 nghìn tỉ rupie trong năm tài chính 2022-2023. Vì vậy, ưu tiên của chính phủ là tìm mua phân bón và nguyên liệu sản xuất phân bón ở mức giá thấp hơn nhằm cung ứng phân bón kịp thời cho nông dân và đảm bảo an ninh lương thực.
Với hơn một nửa lực lượng lao động đang làm việc trong nông nghiệp, Ấn Độ là một trong những quốc gia nhập khẩu phân bón hàng đầu thế giới. Mọi thay đổi trong phương thức mua phân bón của quốc gia này đều sẽ ảnh hưởng đến giá phân bón toàn cầu.
Bộ Hóa chất và phân bón Ấn Độ cho rằng, các hợp đồng dài hạn là cách tốt nhất để đảm bảo nguồn cung phân bón và giảm gánh nặng cho ngân sách quốc gia trong bối cảnh các khủng hoảng địa chính trị toàn cầu. Khi ký các hợp đồng dài hạn, các nhà cung ứng thường chào mời mức chiết khấu 10-25% so với giá quốc tế hiện tại. Vì vậy, Ấn Độ sẽ cố gắng ký các hợp đồng dài hạn với số lượng nhiều nhất có thể, bằng cách đó sẽ giảm vai trò của các nhà môi giới và kinh doanh trung gian, giảm khối lượng mua phân bón trên thị trường giao ngay.
Trong thời gian Bộ trưởng Bộ Hóa chất và phân bón Ấn Độ đến thăm Arập Xê-út vào tháng 8-2022, các công ty Ấn Độ đã ký các hợp đồng dài hạn 3-5 năm, qua đó sẽ nhập khẩu mỗi năm khoảng 2 triệu tấn phân lân. Trước đó, một số công ty Ấn Độ đã ký với các công ty ở Gioóc-đa-ni và Ixraen hợp đồng 5 năm để mua những lượng lớn phân bón và nguyên liệu sản xuất phân bón.
Ấn Độ cũng đã ký với Công ty Phosagro của Nga hợp đồng 3 năm mua 500.000 tấn DAP và gia hạn hợp đồng với thời hạn tương tự để nhập khẩu 1 triệu tấn urê mỗi năm từ Oman thông qua Công ty Omifco.