Ảnh hưởng của Trung Quốc đối với cuộc khủng hoảng cung cầu trong công nghiệp hóa chất hiện nay

02:00 CH @ Thứ Sáu - 30 Tháng Mười Hai, 2022

Công nghiệp hóa chất thế giới đang đứng trước một cuộc khủng hoảng cung cầu trên quy mô và ở mức độ chưa từng có tiền lệ từ trước đến nay.

Chỉ có cuộc khủng hoảng lạm phát kèm suy thoái kinh tế toàn cầu vào thập niên 1970 mới có quy mô và mức độ gần tương đương cuộc khủng hoảng hiện nay. Nhưng ngay cả những cơn sốc dầu mỏ do nguồn cung đình trệ trong thời kỳ đó, dẫn đến sự sụp đổ của nhu cầu, cũng khác xa với những gì chúng ta đang phải trải qua những ngày này.  

Đặc biệt, tác động của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng hiện nay trên thế giới lớn hơn rất nhiều so với những cuộc khủng hoảng trước đây. 

Trung Quốc đang phải vật lộn để kiềm chế tình hình dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều địa phương. Thời gian gần đây số ca nhiễm Covid-19 tại Trung Quốc đã tăng cao kỷ lục, buộc các nhà chức trách nước này một lần nữa phải đưa nhiều khu vực rộng lớn vào diện phong tỏa.

Một loạt các thành phố lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh, Quảng Châu, Trùng Khánh.... đã buộc phải đóng cửa để chống lại làn sóng mới của đại dịch. Lệnh phong tỏa kéo dài buộc hàng trăm triệu dân ở các thành phố phải ở yên trong nhà.

Tầm quan trọng của Trung Quốc đối với chuỗi cung ứng hóa chất toàn cầu

Những vấn đề ở Trung Quốc đang mang lại những hậu quả to lớn đối với công nghiệp hóa chất trên thế giới do tầm quan trọng của nước này đối với chuỗi cung ứng hóa chất toàn cầu. Theo CEFIC (Hội đồng công nghiệp hóa chất châu âu), hiện nay Trung Quốc chiếm khoảng 45% thị phần trên thị trường hóa chất thế giới, tăng mạnh từ mức 26%  của năm 2010. Tỷ lệ này cao hơn tỷ lệ khoảng 18% của GDP Trung Quốc trong GDP toàn cầu.

Không những có quy mô lớn, công nghiệp hóa chất Trung Quốc còn tăng trưởng nhanh với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm 8,1% trong thời hạn 2010-2020 so với mức trung bình toàn cầu là 3,4% và mức tăng trưởng còn thấp hơn ở các nước phương Tây. Hơn nữa, thị phần của Trung Quốc trong chi tiêu vốn đầu tư cho công nghiệp hóa chất đã tăng từ 41,6% năm 2010 lên 47,8% năm 2020, do đó tầm quan trọng của Trung Quốc sẽ còn tiếp tục tăng, có khả năng sẽ chiếm 49% thị phần trong công nghiệp hóa chất toàn cầu năm 2030.

Kế hoạch 5 năm lần thứ 16 đến năm 2035 của Trung Quốc dự báo công nghiệp hóa chất của nước này sẽ tiếp tục tăng trưởng và đóng vai trò chi phối trên thế giới, chiếm 62% thị phần trên thị trường hóa chất toàn cầu năm 2035.

Nhìn chung, Trung Quốc không phải là quốc gia xuất khẩu hóa chất lớn nhất thế giới, hiện chỉ chiếm 8% thị phần xuất khẩu hóa chất toàn cầu, thấp hơn Mỹ và Đức.

Nhưng đối với một số hóa chất, Trung Quốc là quốc gia sản xuất lớn nhất thế giới, vượt xa các quốc gia khác, và chỉ sản xuất cho mục đích xuất khẩu. Ví dụ, Trung Quốc là quốc gia sản xuất vitamin C lớn nhất thế giới, chiếm hơn 80% sản lượng toàn cầu, trong khi đó giá trị xuất khẩu thuốc kháng sinh năm 2020 đạt 3,98 tỉ USD, lớn hơn tổng giá trị xuất khẩu của 4 quốc gia sản xuất lớn tiếp theo (Thụy Sĩ, Italia, Ấn Độ, Bỉ - tổng cộng 3,68 tỉ USD). Ngoài ra, ước tính các nhà sản xuất Trung Quốc chiếm khoảng 40% tất cả các thành phần hoạt tính dược phẩm (API) được sử dụng trên toàn thế giới, vượt xa tỷ lệ tiêu thụ trong nước, cho thấy tỷ lệ xuất khẩu rất cao. Tương tự như vậy đối với một số sản phẩm cuối dòng sử dụng nguyên liệu đầu vào là hóa chất, như găng tay PVC - 90% găng tay PVC sản xuất ở Trung Quốc được xuất khẩu ra nước ngoài.

Trung Quốc cũng là quốc gia sản xuất thuốc trừ sâu lớn nhất trên thế giới, chiếm khoảng một nửa sản lượng toàn cầu, và đồng thời là quốc gia xuất khẩu thuốc trừ sâu lớn nhất toàn cầu.

Trên thực tế, sự phụ thuộc của kinh tế toàn cầu vào một số hóa chất tinh khiết và hóa chất chuyên dụng từ Trung Quốc còn lớn hơn trong lĩnh vực hóa chất sản lượng lớn, do một phần lớn công suất sản xuất toàn cầu đã được dịch chuyển vào đây. Ví dụ, châu âu và một số khu vực khác trên thế giới có nhiều nguồn cung nhựa polyme, nhưng thiếu các thành phần chất dẻo nhỏ hơn như phụ gia chất dẻo và tấm sợi thủy tinh nên phụ thuộc nguồn cung các sản phẩm này từ Trung Quốc.  

Xuất khẩu hóa chất bị ảnh hưởng

Những biện pháp hạn chế theo chính sách phong tỏa chống dịch COVID-19 đang ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu hóa chất của Trung Quốc theo những cách khác nhau, chúng góp phần gây ra các rối loạn nghiêm trọng trong chuỗi cung ứng hóa chất hiện nay trên thế giới:

- Lực lượng lao động: Phần lớn người lao động ở các vùng bị ảnh hưởng vì phong tỏa do dịch COVID-19 (chiếm khoảng 25% dân số Trung Quốc) bị bắt buộc phải ở nhà và không thể làm việc ở các nhà máy hóa chất. Tuy một số nhà máy được cấp phép đặc biệt để hoạt động với điều kiện công nhân bị cách ly trong nhà máy, nhưng hệ thống này cũng không đảm bảo hoạt động sản xuất liên tục do một số nhà cung ứng bị phỏng tỏa và các vấn đề về hậu cần.

- Công suất cảng: Tháng 5/2022, chính phủ Trung Quốc cho biết số lượng côngtenơ thông quan qua cảng Thượng Hải “đã hồi phục” và đạt 82,4% số lượng của tháng 4/2021. Nhưng việc đánh giá mức giảm hơn 17% này là dấu hiệu của sự hồi phục cho thấy tình hình đang trở nên nghiêm trọng như thế nào. Trên khắp Trung Quốc, đầu tháng 5/2022 thời gian chờ của các côngtenơ xuất khẩu đã tăng 22% so với giữa tháng 3.

- Công suất xe tải: Từ cuối tháng 3.2022, thành phố Thượng Hải đã mất khoảng 45% công suất xe tải, một phần do những người lái xe tải từ các vùng có nguy cơ nhiễm virut corona cao đã không được phép vào thành phố. Vì vậy, việc vận chuyển hóa chất từ các nhà sản xuất đến cảng thường là nút thắt cổ chai lớn nhất.

- Sự tập trung của sản xuất hóa chất:  Khu vực Đại Thượng Hải (bao gồm một số tỉnh xung quanh như Giang Tô và Chiết Giang) là một trong ba khu vực sản xuất hóa chất xuất khẩu quan trọng của Trung Quốc. Sản xuất hóa chất ở Trung Quốc thường tập trung cao ở một số khu vực, khiến cho sản lượng của các khu vực này dễ bị tổn thương trước các biện pháp phong tỏa của địa phương. Ngoài những công ty hóa chất quốc gia, trong những khu vực bị phong tỏa còn có nhiều doanh nghiệp hóa chất tư nhân và doanh nghiệp hóa chất của địa phương 

Hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy chính phủ Trung Quốc sẽ sớm nới lỏng các quy định phong tỏa, trong khi nước này đang phải hứng chịu nhiều thiệt hại kinh tế đáng lo ngại. Cú sốc về kinh tế tại đây có nguy cơ sẽ lan rộng ra toàn thế giới. 

Xu hướng dịch chuyển sản xuất

Trước những rối loạn của chuỗi cung ứng hiện tại, các công ty trước đây dựa vào nhập khẩu từ Trung Quốc thì nay đang cố gắng hạn chế những rối loạn này và tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. 

Một số biện pháp ngắn hạn đã được thực hiện, như chuyển hàng từ Thượng Hải sang các cảng khác của Trung Quốc, ví dụ cảng Ninh Ba, sử dụng vận chuyển bằng tàu hỏa thay cho xe tải và đặt hàng sớm hơn. 

Về dài hạn, một số công ty nước ngoài hóa chất đang xem xét dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Sau khi Công ty Apple có kế hoạch tăng cường sản xuất ở Ấn Độ và Việt Nam nhằm mục đích giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, các công ty hóa chất cũng đang noi theo. Một số công ty sản xuất hóa chất chuyên dụng đang xem xét chuyển dịch sản xuất sang Ấn Độ như cơ hội để thay thế cho các nhà cung ứng Trung Quốc. 

Các công ty hóa chất Ấn Độ đang đầu tư mạnh để nắm bắt cơ hội xuất hiện từ những thay đổi trên thị trường toàn cầu. Hội đồng hóa chất Ấn Độ (ICC) dự kiến, khoảng 150-200 tỉ USD sẽ được đầu tư vào công nghiệp hóa chất Ấn Độ trong 4-5 năm tới. Nếu 10% thương mại hóa chất của Trung Quốc được chuyển dịch sang Ấn Độ, quy mô công nghiệp hóa chất Ấn Độ có thể tăng gấp đôi hiện nay, đạt 300 tỉ USD trong 5 năm tới. Hiện nay, công nghiệp hóa chất của Trung Quốc có quy mô khoảng 1.550 tỉ USD, trong khi đó công nghiệp hóa chất Ấn Độ mới có quy mô 150 tỉ USD.

Nguồn: