Các công ty phân bón Trung Đông mở rộng sản xuất khi lợi nhuận tăng mạnh nhờ chiến tranh Nga-Ucraina

02:48 CH @ Thứ Năm - 05 Tháng Giêng, 2023

Các công ty sản xuất phân bón cũng như khai thác quặng phốtphat tại Trung Đông đã đạt lợi nhuận cao kỷ lục và đang tăng sản lượng trong bối cảnh giá phân bón trên toàn cầu tăng mạnh.

Trung Đông không chỉ được biết đến như những sa mạc khô cằn với nhu cầu nhập khẩu lương thực thực phẩm cao hàng đầu trên thế giới, mà còn là khu vực giàu tài nguyên khoáng sản với những nguồn nguyên liệu quan trọng cho sản xuất phân bón. Sự phát triển mới đây của ngành sản xuất phân bón trong khu vực cho thấy một phần sự dịch chuyển lớn đang diễn ra trong nền kinh tế toàn cầu.

Năm 2021 Trung Đông đã chiếm 19% thị phần xuất khẩu phân lân, 35% thị phần xuất khẩu urê, 19% thị phần xuất khẩu amoni nitrat và 10% thị phần xuất khẩu phân kali trên thị trường xuất khẩu phân bón quốc tế. Bắc Phi cũng là khu vực cung ứng quan trọng đối với phân lân (chiếm 25% thị phần) và các hợp chất nitơ trên thế giới.

Xu hướng tăng giá phân bón 

Giá phân bón đã tăng hơn gấp đôi trong năm 2021 khi dịch COVID-19 lắng xuống và ngành sản xuất phân bón đứng trước những thách thức lớn do sự rối loạn của chuỗi cung ứng. Nhiều yếu tố đã hỗ trợ cho xu hướng tăng giá phân bón: các trận bão cản trở sản xuất ở Mỹ, Trung Quốc cấm xuất khẩu phân lân, giá khí thiên nhiên tăng cao buộc nhiều nhà máy sản xuất phân bón tại châu âu phải đóng cửa. 

Chiến tranh Nga-Ucraina đã mang lại động lực mới cho xu hướng tăng giá phân bón, khi nguồn cung từ Nga - nước xuất khẩu phân bón lớn nhất trên thế giới - bị tắc nghẽn vì các biện pháp trừng phạt của phương Tây và hoạt động chiến sự với Ucraina.

Mặc dù các biện pháp trừng phạt quốc tế đã được nới lỏng một phần để cho phép mua phân bón từ Nga, nhưng nhiều công ty kinh doanh phân bón vẫn tránh xa nguồn cung từ nước này do lo ngại vi phạm các quy định khác. Bản thân chính phủ Nga cũng đã đe dọa sẽ cắt đứt các tuyến đường vận chuyển.

Cơ hội cho các nhà sản xuất phân bón Trung Đông

Trong bối cảnh những rối loạn về nguồn cung như vậy, Trung Đông đã có cơ hội lớn để cải thiện hình ảnh nhà cung ứng phân bón đáng tin cậy cho các thị trường lớn.

Một số chính phủ và công ty ở các nước trên thế giới đã nắm bắt những dấu hiệu đó. Tháng 5/2022, Bộ trưởng Nông nghiệp Braxin bắt đầu một chuyến đi thăm gọi là “ngoại giao phân bón” đến các nước Gioocđani, Ai Cập và Marốc. Xu hướng tăng giá phân bón trong thời gian qua là điều đặc biệt đáng lo ngại đối với Braxin - quốc gia sản xuất nông nghiệp lớn và nước nhập khẩu phân bón hàng đầu trên thế giới. Braxin phụ thuộc nhiều vào nguồn cung phân bón từ Nga và đã phải chứng kiến nguồn cung này sụt giảm mạnh. Tháng 4-2022, Nga chỉ xuất khẩu 300.000 tấn phân bón sang Braxin, giảm gần một nửa so với lượng giao hàng thông thường cùng kỳ hàng năm. 

Giảm tiêu thụ phân bón có nghĩa là năng suất thu hoạch giảm, tình trạng thiếu nguồn cung phân bón đã dẫn đến những cảnh báo về khả năng xảy ra cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Các nước Trung Đông cũng không phải là ngoại lệ. Một số nước Trung Đông như Ai Cập và Tuynisi đang gặp khó khăn vì phải mua lúa mì với giá đã quá cao nay càng tăng cao hơn do chiến tranh Nga-Ucraina.

Tuy nhiên, những căng thẳng địa chính trị và tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng lại mang đến lợi ích lớn cho một số quốc gia khác ở Trung Đông.

Theo chủ tịch Công ty Abu Quir Fertilizers, công ty sản xuất phân đạm lớn nhất của Ai Cập, năm 2021 đã trở thành năm tuyệt vời cho các công ty phân bón trên thế giới, kể cả những công ty ở Trung Đông. Ai Cập có vị thế đặc biệt thuận lợi nhờ có chi phí năng lượng và hậu cần thấp hơn nhiều so với châu âu, vì vậy giá phân bón cũng cạnh tranh hơn rất nhiều.

Giá phân bón tăng đã làm tăng mạnh lợi nhuận của Công ty Abu Quir Fertilizers, quý I/2022 công ty đã đạt lợi nhuận 376 triệu USD, cao gần gấp 3 so với mức 131 triệu USD cùng kỳ năm trước.

Đây là xu hướng phổ biến trên khắp khu vực. Công ty khai thác khoáng sản Ma’aden của Arập Xê-út thông báo đạt lợi nhuận ròng 772 triệu USD trong quý I/2022, tăng 246% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, lợi nhuận của Công ty phân lân OCP của Marốc tăng 272%, lợi nhuận của Công ty khai thác quặng phốtphat của Gioocđani còn tăng mạnh hơn, cao hơn 1.000% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh sản xuất phân lân, Gioocđani vốn nghèo tài nguyên nay đã trở thành là nhà sản xuất phân kali duy nhất ở khu vực các nước Ả-rập. Năm 2021, Gioocđani chiếm khoảng 4% thị phần xuất khẩu phân kali trên thế giới và trở thành quốc gia cung ứng phân kali lớn thứ 6 trên toàn cầu.

Trên thị trường phân kali toàn cầu, Gioocđani chỉ chiếm thị phần nhỏ so với Nga và Belarut - hai quốc gia chiếm 40% xuất khẩu phân kali của thế giới. Nhưng ngành sản xuất phân kali của Belarut đã bị trừng phạt từ năm 2021, sau khi chính phủ nước này bị tố cáo đàn áp phe đối lập. Từ khi chiến tranh Nga-Ucraina bùng nổ, Belarut và Nga còn bị áp đặt thêm nhiều biện pháp trừng phạt.

Mở rộng sản xuất

Chủ tịch Công ty Arab Potash (APC) tại Gioocđani cho biết, hoạt động sản xuất của Công ty đã tăng mạnh từ khi Belarut phải chịu các biện pháp trừng phạt. Sau đó, mâu thuẫn giữa Nga và Ucraina càng làm tăng thêm động lực cho sản xuất phân kali tại Gioocđani.

Giá phân kali đã tăng lên mức cao chưa từng thấy trước khi xảy ra chiến tranh Nga-Ucraina và đã tăng thêm 50% sau khi Nga tiến quân vào Ucraina. Khách hàng châu âu muốn Công ty APC lấp lỗ hổng của chuỗi cung ứng. Vì vậy, chỉ trong quý đầu năm thu nhập của Công ty đã tăng 260%.

Công ty APC tin tưởng xu hướng trên sẽ tiếp tục và dự định sẽ mở rộng hoạt động sản xuất đến Mỹ, Ôxtrâylia, Braxin, bên ngoài những thị trường truyền thống của mình ở châu Á. Công ty có kế hoạch tăng sản lượng phân kali dạng hạt đỏ từ 0,5 triệu tấn/năm lên 1,2 triệu tấn/năm vào năm 2023.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng các quốc gia khác khó có thể bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung phân kali từ những quốc gia sản xuất quy mô lớn như Nga và Belarut. 

Theo Hiệp hội phân bón quốc tế IFA, Trung Đông có năng lực cạnh tranh tốt hơn trong sản xuất phân lân và phân đạm. Marốc hiện chiếm 72% trữ lượng quặng phốtphat toàn cầu và là quốc gia xuất khẩu phân bón lớn thứ tư trên thế giới. Đầu năm 2022, Công ty OCP của Marốc đã tuyên bố sẽ tăng thêm 10% sản lượng phân bón của mình. 

Tại các nước Vùng Vịnh Ba Tư, một số dự án mới cũng sẽ được đưa vào vận hành. Oman dự định sẽ khánh thành nhà máy amoniăc mới trong năm nay, trong khi đó Arập Xê-út hy vọng chương trình đầu tư vào ngành khai khoáng và sản xuất phân bón sẽ giúp chuyển đổi nền kinh tế đất nước để giảm bớt phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ. Công ty Ma’aden đã có kế hoạch đưa vào vận hành nhà máy amoniăc mới trong năm 2022.

Những chương trình mở rộng sản xuất amoniăc đã đến rất đúng lúc, khi thế giới đang rất cần những nguồn cung amoniăc như vậy.

Hơn nữa, tham vọng của các quốc gia Vùng Vịnh Ba Tư đối với việc mở rộng sản xuất phân đạm đang được hỗ trợ nhờ nguồn cung khí thiên nhiên rẻ tiền trong khu vực. 

Trong lĩnh vực sản xuất phân đạm urê, Quata, Ai Cập và Arập Xê-út hiện nằm trong số 5 quốc gia hàng đầu trên thế giới, chiếm tổng cộng 29% thị phần xuất khẩu toàn cầu năm 2021, trong khi đó Nga chiếm 14% thị phần. Các nhà phân tích thị trường tin rằng các quốc gia Trung Đông đang có vị thế rất tốt để lấp lỗ hổng nguồn cung do Nga để lại trong lĩnh vực này.

Nguồn: