Các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây nhắm vào Nga, Belarus đang đẩy giá nhiều mặt hàng trong chuỗi cung ứng vật tư nông nghiệp tăng phi mã, đặc biệt là phân bón.
Từ đầu năm 2020 đến nay, giá phân bón tăng phi mã, lần tăng mạnh thứ 3 trong khoảng 50 năm trở lại đây.
Đợt tăng phi mã thứ nhất xẩy ra vào cuối nhưng năm 60 đầu những năm 70 khi có Cách mạng Xanh trong nông nghiệp, đợt tăng giá thứ hai xẩy ra vào năm 2007-2008.
Nguyên nhân tăng giá phân bón như đã biết bao gồm, giá dầu, giá khí tự nhiên tăng mạnh, trong khi chi phí này nhiều khi chiếm 70% đến 90% chi phí sản xuất.
Giá khí tự nhiên đã tăng đột ngột, đặc biệt là ở châu Âu, có lúc đã tăng hơn 300%. Giá dầu đã tăng lên mức cao nhất trong gần 3 năm trở lại đây, giá dầu thô ngày 28/12/2022 đã đạt mức kỷ lục với 3 con số, giá dầu thô Brent ở mức 104,05 USD/thùng.
Để so sánh, giá dầu Brent ngày 28 tháng 2 năm 2021 là 73,64 USD/thùng, ngày 28 tháng 2 năm 2020 là 56,75 USD/thùng và ngày 28 tháng 2 năm 2019 là 57,3 USD/thùng.
Giá khí tự nhiên tăng quá mạnh đã buộc nhiều nhà máy sản xuất phân bón phải đóng cửa. Việc mở rộng diện tích trồng trọt cũng là nguyên nhân khiến giá phân bón tăng.
Các biện pháp trừng phạt từ Liên minh châu Âu áp dụng đối với Belarus, quốc gia chiếm tới 20% sản lượng cung MOP toàn cầu, đã ảnh hưởng đến tổng lượng kali xuất khẩu.
Chí phí vận chuyển nhất là vận chuyển bằng container tăng chóng mặt. Đại dịch Covid-19 đã làm đứt đoạn sản xuất, cung ứng tại nhiều quốc gia, tăng nhiều loại chi phí do phải áp dụng các biện pháp phòng dịch.
Giá dầu tăng dẫn đến giá nguyên liệu sản xuất phân bón tăng, giá phân bón tăng sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung và giá lương thực, Nga và Trung Quốc, hai quốc gia chiếm lượng lớn phân bón xuất khẩu trên toàn cầu đã quyết định hạn chế xuất khẩu phân bón hóa học để ngăn chặn sự thiếu hụt trên thị trường nội địa và dẫn đến tăng giá.
Cụ thể: Trung Quốc đã kiểm soát xuất khẩu 29 loại phân bón xuất khẩu từ ngày 15 tháng 10 năm 2021, bao gồm Urea, DAP, MAP, NPK, NP/NPS, MOP, SOP, ammonium chloride và ammonium nitrate. Lệnh này không biết có hiệu lực đến bao giờ.
Ngày 17/11/2021, Nga hạn chế xuất khẩu phân bón nitơ và phân bón tổng hợp chứa nitơ trong sáu tháng để cố gắng kiềm chế sự tăng giá trong bối cảnh giá khí đốt tăng cao.
Hạn ngạch xuất khẩu phân đạm dự kiến là 5,9 triệu tấn; Hạn ngạch đối với phân bón chứa Nitơ ở mức 5,35 triệu tấn. Hạn ngạch dự kiến sẽ được áp dụng từ ngày 1/12/2021 đến ngày 31/5/2022.
Nói thêm cho rõ, năm 2020, Nga đứng đầu thế giới về xuất khẩu phân bón, đạt 7 tỷ USD, theo sau là Trung Quốc với 6,6 tỷ USD và Canada với 5,2 tỷ USD, Mỹ đứng thứ tư với 3,56 tỷ USD. Năm 2019, Nga xuất khẩu tới 8,58 tỷ USD phân bón, mặt hàng xuất khẩu lớn thứ bây của Nga.
Khi xung đột Nga – Ukraine xảy ra, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các đối tác phương Tây hôm 26/2/2022 đã nhất trí loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán liên ngân hàng SWIFT (Society for Worldwide Interbank and Financial Telecommunication). M
Việc Nga bị loại khỏi hệ thống SWIFT sẽ khiến các ngân hàng của nước này không thể chuyển tiền ra hoặc nhận tiền từ nước ngoài. Điều này sẽ ảnh hưởng nặng nề đến xuất khẩu tất cả các mặt hàng trong đó có phân bón của Nga.
Do chiến tranh, việc vận chuyển ammoniac từ Nga qua cảng Yuzhny, Ukraine (nay gọi là cảng Pivdenny) cũng bị ảnh hưởng mạnh mặc dù Nga chỉ sản xuất dưới 10% ammonia toàn cầu (đứng đầu là Trung Quốc chiếm 32%, tiếp sau là Nga, Ấn Độ, Mỹ).
Giá phân bón cao, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, thu nhập của bà con nông dân. Chi phí từ phân bón, tùy thuộc loại cây trồng, tùy thuộc thời tiết, tùy thuộc thổ nhưỡng, dao động từ 30-60% giá trị vật tư đầu vào của sản xuất nông nghiệp.
Để tìm cách giảm chi phí, trồng trọt có lãi, bà con nông dân đã và đangtìm cách thay thế, sử dụng các loại phân bón khác rẻ hơn, hợp lý hơn, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, thực hiện khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 5 đúng khi bón phân: Bón đúng chủng loại phân; Bón đúng nhu cầu sinh lý của cây; Bón đúng nhu cầu sinh thái; Bón đúng vụ và thời tiết; Bón đúng phương pháp.
Trước những biến động về giá phân bón như trên, việc đảm bảo nguồn cung, không để thiếu phân bón sẽ đóng vai trò quan trọng. Đây thực sự vừa là cơ hội vừa là nhiệm vụ của các nhà sản xuất phân bón trong nước.
Các nhà máy sản xuất phân bón trong nước đã sản xuất được hầu hết các loại phân bón chủ lực như: urea, DAP, Supe lân, lân nung chảy, nitrat amon, NPK, trong khi đó, phân SA và kali phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu.
Năm 2021, sản xuất trong nước bao gồm các loại urea của 4 nhà máy, DAP của 2 nhà máy, phân bón chứa lân (bao gồm lân nung chảy, supe lân), các loại phân bón NPK,…của hàng trăm nhà máy khác đạt khoảng 7 triệu tấn, tăng 6 % so với cùng kỳ.
Trong đó, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã sản xuất và cung ứng cho thị trường hơn 3,5 triệu tấn phân bón các loại từ urea, đến DAP, supe lân, lân nung chảy, NPK,..,
Hai đơn vị thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí sản xuất 1,035 triệu tấn, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau sản xuất 898.000 tấn (bao gồm urea, NPK, phân bón hữu cơ,..).
Các công ty sản xuất phân bón khác như Công ty Apromaco, Công ty Tiến Nông, Công ty Phân bón Hà Lan, Công ty Phân bón Việt Nhật, Công ty Phân bón Ba Con Cò, Tập đoàn Quế Lâm, Tổng công ty Phân bón Sông Gianh, Nhà máy Amon Nitrat của Tổng công ty Hóa chất mỏ thuộc TKV)… đều đạt kết quả sản xuất khả quan.
Khi giá phân bón tăng, một số quốc gia có những chính sách điều tiết, hỗ trợ để người nông dân không phải chịu giá phân bón quá cao.
Lấy thí dụ từ Ấn Độ, quốc gia có 60% dân số của 1,4 tỷ người sống trực tiếp hoặc gián tiếp phụ thuộc vào nông nghiệp, Chính phủ đã có các chính sách hỗ trợ cho các công ty sản xuất phân bón để họ bán sản phẩm cho người nông dân thấp hơn giá thị trường.
Theo Bloomberg, năm 2021 Ấn Độ trợ cấp mức kỷ lục gần 21 tỷ USD cho ngành phân bón, kế hoạch ngân sách được thông qua đầu năm là gần 17 tỷ USD, sau do biến động tăng giá của phân bón đã bổ sung thêm 3,8 tỷ USD (286,55 tỷ rupee).
Theo The Indian Express ngày 1 tháng 3 năm 2022, Ấn Độ có kế hoạch, năm 2022, dành ngân sách liên bang 18,8 tỷ USD hỗ trợ cho ngành phân bón (hiện đang chờ được thông qua).
Vào thời điểm hiện nay, một bao DAP 50 kg được hỗ trợ 438 rupee (tương đương 131.000 đồng), các loại phân bón khác như kali, phân bón chứa lân mức hỗ trợ là 100 rupee (tương đương 30.000 đồng).
Trước tình trạng vật tư nông nghiệp tăng mạnh, lợi nhuận từ trồng trọt sẽ giảm nhiều, bà con nông dân rất mong giá phân bón sớm giảm mạnh tạo điều kiện cho nông dân giảm chi phí sản xuất và đảm bảo thu nhập trong vụ hè thu 2022 và các vụ sản xuất tiếp theo.
Ngoài các biện pháp đang thực hiện, nước ta cũng nên nghĩ tới những chính sách cụ thể hỗ trợ để bà con nông dân mua được phân bón ở mức giá canh tác, trồng trọt có lợi nhuận phù hợp.