Cao su "bội thu"

01:56 CH @ Thứ Ba - 26 Tháng Mười, 2010
“Năm 2010, chắc chắn sẽ là năm ngành cao su được giá nhất từ trước đến nay. Nhờ vậy chúng tôi cũng sẽ đạt các mức kỷ lục về doanh thu, lợi nhuận”- ông Lê Quang Thung- Quyền Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN (VRG) khẳng định như vậy.

Giá bán cao

Ông Thung dẫn chứng, khi xây dựng kế hoạch cho năm 2010, chúng tôi dự kiến giá bán bình quân ở mức 2.000 USD/tấn mủ. Trong thời điểm nền kinh tế thế giới vừa gượng dậy sau khủng hoảng, thì đạt được mức giá đó cũng đã là quá tốt. Thế nhưng, giá cao su đã liên tục tăng từ đầu năm đến nay, hiện đạt mức gần 4.000 USD/tấn cao hơn dự kiến rất nhiều lần.

Theo số liệu của VRG, đến hết tháng 9/2010, toàn Tập đoàn đã tiêu thụ 192.108 tấn cao su các loại, đạt 65,1% kế hoạch năm với giá bán bình quân 57,5 triệu đồng/tấn, cao hơn 30 triệu đồng/tấn so cùng kỳ năm 2009. Với giá thành 35,2 triệu đồng/tấn, lợi nhuận bình quân trên mỗi tấn sản phẩm là 22 triệu đồng, đạt mức kỷ lục!

Theo dự báo của các chuyên gia, trong 2 tháng cuối năm nay, giá cao su thiên nhiên vẫn giữ ở mức cao, thậm chí còn khả năng tăng thêm. Nguyên nhân do nền kinh tế thế giới phục hồi, nhu cầu tiêu thụ cao su thiên nhiên trong ngành công nghiệp chế biến vỏ xe ô-tô đang tăng mạnh; trong khi nguồn cung tại các nước SX cao su lớn trên thế giới như Thái Lan, Indonesia, Malaysia lại chưa có gì đột biến.

Ông Lê Quang Thung cung cấp thêm thông tin: “Tôi vừa đi dự Hội nghị các quốc gia SX cao su thiên nhiên (ANRPC) năm 2010 ở Ấn Độ về. Các báo cáo và dự báo của các chuyên gia hàng đầu thế giới và Hiệp hội Cao su các nước đều cho thấy, tình hình tiêu thụ cao su thiên nhiên vẫn rất khả quan trong năm 2011 và các năm tới. Nhiều dự báo cho rằng, giá cao su năm 2011 sẽ là +-5% so với mức giá bình quân năm 2010. Nếu đạt được mức giá này thì rất tốt cho các nhà SX cao su thiên nhiên, bởi nếu tăng cao hơn nữa thì các nhà tiêu thụ sẽ “chết”, và như vậy cũng ảnh hưởng đến nhà cung cấp”.

Tuy nhiên, làm thế nào để tận dụng triệt để yếu tố “thiên thời” khi giá cao su đang tăng cao, ông Trần Ngọc Thuận–TGĐ VRG cho biết thêm: “Được giá rồi thì phải được mùa nữa mới thắng lợi toàn diện. Đến 20/10, VRG đã khai thác đạt trên 180.000 tấn, tức khoảng 66% kế hoạch năm. Việc khai thác hoàn thành mục tiêu 275.000 tấn mủ năm nay là trong tầm tay, nhưng VRG quyết tâm vượt khoảng 6.000 tấn mủ. Về tiêu thụ, tuy tình hình đang rất thuận lợi nhưng chúng tôi quyết định cho phép các đơn vị gối đầu 10-15% (trước đây chỉ có 5%) để dành bán trong quý I/2011, bởi theo các dự báo thì giá cao su vẫn còn tăng trong thời điểm đầu năm 2011 tới!”.

Mùa “bội thu”!

Dù chưa hết 10 tháng, nhưng nhờ giá bán cao su cao ngất ngưởng nên VRG sắp sửa hoàn thành nhiều mục tiêu, kế hoạch năm nay và đã vượt xa nhiều chỉ tiêu kinh doanh quan trọng so cùng kỳ năm 2009.

Chỉ tính riêng về doanh thu, 9 tháng đầu năm, VRG đã đạt 11.050 tỷ đồng, đạt 74% kế hoạch năm, tăng 5.193 tỷ đồng (vượt 88,7%) so cùng kỳ năm 2009. Lợi nhuận cao su đạt 4.276 tỷ đồng, bằng 95% kế hoạch năm, tăng tới 2.790 tỷ (vượt 88%) so cùng kỳ năm 2009.

Theo nhận định của lãnh đạo VRG, nếu “khiêm tốn” chỉ lấy giá bán bình quân 9 tháng là 57,5 triệu đồng/tấn, thì khả năng doanh thu cao su năm nay của VRG sẽ đạt 17.259 tỷ đồng. Với mức lợi nhuận bình quân 20 triệu đồng/tấn sản phẩm, thì năm nay lợi nhuận của VRG sẽ đạt 6.000 tỷ đồng. “Nếu tính lợi nhuận từ các đơn vị khối công nghiệp, dịch vụ thì tổng doanh thu toàn VRG sẽ đạt trên 22.450 tỷ, lợi nhuận khoảng 7.400 tỷ, thậm chí hoàn toàn có khả năng đạt 8.000 tỷ đồng”, ông Lê Quang Thung tái khẳng định.

Nguồn: