Trong tuyên bố chung mới đưa ra đầu tháng 5/2022, 20 nhà sản xuất thiết bị điện phân đã cam kết đến năm 2025 sẽ tăng gấp 10 lần công suất sản xuất hydro của các thiết bị điện phân tại EU.
Với số thiết bị điện phân tăng như vậy, đến năm 2030 EU sẽ có khả năng sản xuất mỗi năm 10 triệu tấn hydro xanh từ các nguồn năng lượng tái tạo.
Theo Ủy ban châu âu, hydro xanh là nguồn năng lượng không thể thiếu để đạt mục tiêu giảm phát thải cacbon công nghiệp và đóng góp cho sự độc lập về năng lượng của EU đối với Nga. Trong bối cảnh những mâu thuẫn với Nga hiện nay, các nước EU càng cần phải hành động khẩn trương, không được để mất thời gian.
Hiện nay, tổng công suất sản xuất hằng năm của các thiết bị điện phân đã lắp đặt ở EU chỉ đạt gần 1,75 GW. Nếu muốn đạt được sản lượng hydro như trên, trong vòng 7 năm rưỡi tới tổng công suất các thiết bị điện phân cần lắp đặt ở các nước EU sẽ phải đạt 90-100 GW.
Mục tiêu của các nhà sản xuất thiết bị điện phân ở châu âu là đến năm 2025 sẽ đạt tổng công suất thiết bị 17,5 GW/năm. Nếu công suất của các thiết bị điện phân được tăng tiếp, đến năm 2030 châu âu mới có thể đáp ứng nhu cầu dự báo về hydro sạch, sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo.
Để hỗ trợ kế hoạch đầu tư hàng trăm triệu Euro cho chương trình trên, Ủy ban châu âu sẽ giúp giải quyết ba điểm thắt nút cổ chai đang cản trở sự tăng trưởng nhanh của các thiết bị điện phân, đó là:
- thiếu khung pháp lý thích hợp và nguồn vốn tài trợ cho sản xuất hydro xanh quy mô lớn
- sự không chắc chắn về nhu cầu hydro xanh trên thị trường trong tương lai
- những thách thức trong việc đảm bảo nguồn cung các nguyên vật liệu cần thiết
Ủy ban châu Âu sẽ khảo sát khả năng áp dụng sơ đồ hỗ trợ giảm phát thải cacbon dựa trên hydro xanh, theo đó người sử dụng năng lượng hydro xanh sẽ được chính phủ trả một khoản tiền vì giảm phát thải cacbon. Số tiền được trả thực tế sẽ phụ thuộc vào giá phát thải cacbon theo EUA - chương trình trợ cấp giảm phát thải cacbon.
Về cơ bản, chương trình này sẽ tạo điều kiện cung cấp hydro xanh ra thị trường với cùng mức giá như hydro “xám” sản xuất từ khí thiên nhiên.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích tin rằng, trên thực tế ngày nay giá hydro xanh sản xuất ở châu âu đã rẻ hơn so với hydro “xám” do giá khí thiên nhiên hiện đang leo thang chóng mặt trong bối cảnh lạm phát và chiến tranh Nga-Ucraina.
Tuyên bố chung nói trên cũng cho biết, Ngân hàng Đầu tư châu âu sẵn sàng hỗ trợ các dự án sản xuất hydro và cam kết trước mắt sẽ dành ra số tiền 550 triệu Euro cho mục đích này.
Ủy ban châu Âu đảm bảo rằng các quy định về sản xuất hydro xanh, kể cả việc cung cấp điện năng từ các nguồn năng lượng tái tạo, sẽ hỗ trợ phát triển thị trường và sản xuất hydro xanh với mức giá bán phải chăng tại châu âu. Các quy định sẽ tạo điều kiện nâng cấp các dự án hydro xanh lên quy mô GW, trong khi đó đảm bảo rằng chỉ hydro sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo mới được xếp loại là hydro xanh.
Mục tiêu sản xuất hàng chục triệu tấn hydro xanh vào năm 2030 sẽ đòi hỏi phải có khoảng 500 TWh năng lượng tái tạo, trong khi đó nhu cầu năng lượng tái tạo cho quá trình điện khí hóa các nguồn cung năng lượng cũng như giảm phát thải cacbon của các nhà máy nhiệt điện cũng đang rất lớn. Vì vậy, việc đơn giản hóa và cắt ngắn thủ tục cấp phép cho các dự án năng lượng tái tạo sẽ có ý đặc biệt quan trọng. Ủy ban châu âu sẽ áp dụng các khuyến cáo và đề xuất về tăng tốc quá trình cấp phép cho các dự án năng lượng tái tạo nói chung, trong đó có các dự án sản xuất hydro xanh.
Mặt khác, để giúp hỗ trợ chuỗi cung ứng nguyên liệu cần thiết, EU sẽ thành lập Hiệp hội các nhà sản xuất thiết bị điện phân để liên kết các nhà sản xuất với nhau cũng như liên kết với các nhà cung ứng nguyên vật liệu. Ủy ban châu âu sẽ xây dựng quan hệ đối tác về cung ứng nguyên vật liệu với các nước thứ ba và hợp tác với các nhà sản xuất về các vấn đề như khai thác, chế biến, tái chế nguyên liệu cũng như các phương án thay thế nếu có.
Đồng thời, các nhà sản xuất cam kết sẽ đầu tư nghiên cứu giảm lượng nguyên liệu cần thiết trong các thiết bị điện phân và thực hiện các phương án tái chế.