Cuộc xung đột Nga-Ucraina hiện nay đang dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng đối với các dòng thương mại trên thế giới, kéo theo những lo ngại về sự đứt gãy của chuỗi cung ứng phân bón trên toàn cầu. Có nhiều dấu hiệu cho thấy, các vấn đề về nguồn cung phân bón có thể sẽ tiếp tục kéo dài cho đến cuối năm 2022.
Nga là quốc gia có nguồn tài nguyên khổng lồ về các chất dinh dưỡng cây trồng và khí thiên nhiên. Vì vậy, Nga cũng là một trong những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới đối với các sản phẩm phân bón và khí thiên nhiên.
Theo báo cáo mới đây của Viện Nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế (IFRPI), hiện nay Nga chiếm 15% thương mại toàn cầu về phân đạm và 17% xuất khẩu phân kali toàn cầu, hơn nữa cũng chiếm 20% thương mại toàn cầu về khí thiên nhiên.
Sau khi chiến tranh Nga-Ucraina diễn ra, Mỹ và các quốc gia phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng thấy đối với Nga. Trong bối cảnh đó, tuy hoạt động thương mại của các nước khác với Nga không ngừng lại nhưng đã chậm đi đáng kể do các nhà nhập khẩu và các công ty thuê tàu vận chuyển tìm cách tránh xa địa phận nước Nga.
Trong khi đó, giá khí thiên nhiên - thành phần đầu vào quan trọng cho sản xuất phân bón - tại châu âu đã tăng mạnh, cao hơn nhiều giá khí thiên nhiên tại Bắc Mỹ.
Giá khí thiên nhiên tăng cao đã dẫn đến việc cắt giảm sản xuất phân bón ở châu âu, vì vậy càng làm cho nguồn cung trên thị trường trở nên khan hiếm hơn.
Nguồn cung eo hẹp
Sự đứt gãy mới đây của nguồn cung từ Nga càng làm tăng thêm những thách thức đã nổi lên trên thị trường phân bón toàn cầu trong thời gian qua.
Theo Công ty sản xuất phân đạm CF Industries, lượng tồn kho phân đạm toàn cầu đầu năm 2022 khá thấp sau một năm nhu cầu cao và sản lượng thấp. Giá năng lượng cao tại châu âu và châu Á, cùng với những hạn chế kéo dài về xuất khẩu một số sản phẩm phân đạm từ Nga, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc cho thấy nguồn cung phân đạm toàn cầu sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong thời gian tới.
đối với cả phân kali và phân lân, các hạn chế của chuỗi cung ứng và các tác động liên quan đến dịch COVID-19 trong 2 năm qua đã ảnh hưởng lớn đến thị trường toàn cầu. Cùng với tình hình cung cầu hiện tại trên thế giới, các vấn đề đó cho thấy thị trường đối với cả hai loại phân bón này sẽ trở nên sít sao trong năm 2022.
Trước cuộc xung đột Nga-Ucraina, giá phần lớn các loại phân bón thông thường đã tăng đến những mức cao kỷ lục do chi phí đầu vào cao và các vấn đề về nguồn cung cũng như hậu cần. Từ đầu năm 2020 đến nay, giá phân đạm đã tăng gấp 4 lần, giá phân lân và phân kali tăng hơn gấp ba. Tuy người nông dân ở các thị trường phát triển đang được hưởng lợi nhờ giá hàng hóa nông nghiệp tăng cao giúp bù đắp phần nào chi phí đầu vào, nhưng nhu cầu các sản phẩm nông nghiệp trong thời gian tới có khả năng sẽ bị ảnh hưởng vì giá cao và nguồn cung thiếu hụt.
Bên cạnh Nga, các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Belarut đã có những ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu phân kali từ quốc gia này. Belarut là đồng minh của Nga và cũng là quốc gia sản xuất phân kali quan trọng hàng đầu trên thế giới. Hiện Belarut chiếm khoảng 16% xuất khẩu phân kali toàn cầu. Nga và Belarut chiếm tổng cộng hơn 30% khối lượng thương mại phân kali hàng năm trên thế giới.
Sau khi bị Nga tấn công, ngày 13/3/2022 Bộ Nông nghiệp Ucraina cho biết quốc gia này sẽ ngừng xuất khẩu phân bón. Chính phủ Ucraina đã đưa ra quota xuất khẩu ở mức bằng 0 đối với phân bón vô cơ, trên thực tế có nghĩa là phân bón bị cấm xuất khẩu. Theo các viên chức của Bộ Nông nghiệp, quota xuất khẩu mới được áp dụng đối với phân đạm, phân lân, phân kali và các loại phân bón phức hợp với mục đích bảo đảm cân bằng cung cầu trên thị trường nội địa.
Trước đó, Trung Quốc cũng đã hạn chế xuất khẩu phân lân nhằm mục đích đảm bảo nguồn cung cho ngành nông nghiệp trong nước. Các biện pháp hạn chế xuất khẩu này của Trung Quốc được đưa ra trong năm 2021 và có thể được duy trì cho đến tháng 6/2022.
Trung Quốc chiếm 25-33% xuất khẩu phân lân toàn cầu hàng năm, quyết định hạn chế xuất khẩu phân lân của Trung Quốc đã ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng phân bón trên toàn cầu.
Nhu cầu phân bón
Ngày nay, phân bón đã trở thành yếu tố đầu vào không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp, những thời kỳ giảm lượng bón phân sẽ ảnh hưởng đến năng suất thu hoạch về dài hạn.
Trong vài năm qua, lợi nhuận của người nông dân đã bị ảnh hưởng vì giá phân bón cao. Tuy nhiên, giá một số nông sản chính tăng cao có thể hỗ trợ người nông dân bù đắp phần nào chi phí đầu vào.
Theo Công ty Nutrien (Canađa), một trong những nhà sản xuất phân kali và phân đạm lớn nhất thế giới, giá ngô và đậu nành tại Mỹ và Braxin hiện đang duy trì ở mức rất tốt, triển vọng lợi nhuận của người nông dân đang cao hơn nhiều so với mức trung bình 10 năm. Điều đó sẽ khuyến khích người nông dân tiếp tục đầu tư mua phân bón để bảo đảm năng suất thu hoạch cao.
Tương tự như vậy, Công ty Mosaic, nhà sản xuất phân lân và phân kali lớn nhất Mỹ, cũng nhận thấy triển vọng lạc quan về tiêu thụ phân bón trong năm 2022. Theo Công ty Mosaic, tuy lợi nhuận của người nông dân hiện nay đã giảm so với những mức cao kỷ lục trong năm 2021, nhưng giá nông sản cao sẽ vẫn tiếp tục thúc đẩy nhu cầu sử dụng phân bón trong những vụ mùa tới.
Tìm kiếm nguồn cung thay thế
Cuộc tấn công của Nga vào Ucraina có thể dẫn đến thời kỳ đứt gãy lâu dài nguồn cung phân đạm và phân kali trên toàn cầu. Công ty Nutrien đã có kế hoạch tăng sản lượng phân bón nếu những vấn đề về nguồn cung ở Nga và Belarut tiếp tục kéo dài. Công ty dự kiến sẽ cung cấp ra thị trường đến 14,3 triệu tấn phân kali - lượng lớn nhất từ trước đến nay - và đang xem xét khả năng tiếp tục mở rộng sản xuất.
Hàng năm, Mỹ nhập khẩu khoảng 96% phân kali, trong đó có 1 triệu tấn từ Nga. Trong bối cảnh cuộc xung đột Nga-Ucraina hiện nay, Mỹ đã nhận thức sự phụ thuộc đáng lo ngại của mình vào nguồn cung phân kali từ Nga và Belarut.
Công ty Michigan Potash tại Mỹ cho biết, về dài hạn người nông dân Mỹ có thể thay thế phân bón nhập khẩu từ Nga bằng nguồn cung phân bón sản xuất tại bang Michigan (Mỹ). Công ty đang phát triển cơ sở khai thác quặng kali và muối kali bậc chất lượng thực phẩm gần Evart, Michigan. Hiện Công ty đang trong thời kỳ tăng vốn để phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết cho hoạt động chiết muối kali. Dự kiến, nhà máy của Công ty tại đây sẽ bắt đầu sản xuất phân kali với công suất tối đa từ năm 2025 .
Bản tin Công nghiệp Hóa chất số 9 (04/2022)