Có thể thu 1 tỉ USD từ nhựa tái chế

11:32 SA @ Thứ Tư - 28 Tháng Tư, 2010

Với gần 250.000 tấn nhựa/năm phát sinh trên địa bàn, ước tính tại TP.HCM có khoảng 48.000 tấn chất thải nhựa bị chôn lấp cùng các loại chất thải khác mỗi năm.

Ông Lê Văn Khoa, giám đốc quỹ Tái chế chất thải TP.HCM, nói: “Chất thải nhựa phát tán ngoài môi trường và đi vào bãi chôn lấp gây ra nhiều vấn đề về môi trường do khả năng tồn lưu lâu, khó phân huỷ”. Theo ông Khoa, tái chế nhựa phế thải là một trong những phương pháp triển vọng nhất, giảm tác động tới môi trường. Tuy nhiên, tái chế nhựa hiện nay vẫn còn vừa yếu lại thiếu.

Khảo sát vào năm 2009 của Quỹ tái chế chất thải TP.HCM cho thấy, hiện thành phố có 648 cơ sở tái chế nhựa quy mô vừa và nhỏ. Nhiều cơ sở hoạt động cách đây đã trên 30 năm, đa số đều có vốn đầu tư thấp, chỉ từ 5 – 10 triệu đồng. Thạc sĩ Ngô Nguyễn Ngọc Thanh, thành viên quỹ cho biết, 100% cơ sở không có bất kỳ biện pháp nào bảo vệ môi trường, mùi hôi, khí thải, nước thải, rác thải, tiếng ồn… phát sinh không được xử lý sơ bộ trước khi thải bỏ. Ngoài ra, chỉ có 10% cơ sở có thực hiện công đoạn rửa phế liệu, và 5% cơ sở thực hiện đầy đủ các công đoạn tái chế. “Nguy cơ cháy nổ cũng luôn rình rập ở những cơ sở này do phế liệu lưu giữ không đúng cách và tận dụng tối đa mặt bằng”. Với số lượng và chất lượng không ổn định, hầu hết phế liệu nhựa do hệ thống hiện nay thu gom được cung cấp cho các đơn vị tái chế, đã cho ra đời các sản phẩm tái chế chất lượng thấp.

Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho rằng, nếu sử dụng được nguồn nguyên liệu nhựa tái chế ở mức 35 – 50%/ năm, các doanh nghiệp có thể tiết kiệm gần 1 tỉ USD/năm trong tổng hơn 2,5 tỉ USD/năm từ việc nhập khẩu nguyên liệu nhựa, giá thành sản xuất giảm hơn 15%. Trong khi đó, theo quỹ Tái chế chất thải TP.HCM, rác thải nhựa chiếm tỷ trọng cao chỉ sau rác thực phẩm trong chất thải rắn đô thị. Nhưng tổng lượng phế liệu nhựa thu mua chỉ khoảng 20.000 tấn/năm, bằng 10% của 200.000 tấn chất thải nhựa tồn lưu mỗi năm, bị phát tán vào môi trường. Túi nilông là loại phế liệu nhựa có thể tái chế thì bị đánh giá ít giá trị và bị từ chối thu mua.

Theo ông Khoa, tái chế chất thải nhựa có tiềm năng rất lớn. Thế nhưng, trong hệ thống quản lý chất thải rắn của thành phố hiện nay vẫn chưa đề cập rõ ràng đến lĩnh vực này.

Nguồn: