Những năm gần đây, cùng với sự tăng trưởng liên tục của nền kinh tế, nhu cầu đối với các loại hóa chất hàng hóa khối lượng lớn, các hợp chất trung gian và hóa chất chuyên dụng trên thị trường Ấn Độ cũng không ngừng tăng.
Tuy ngành sản xuất hóa chất Ấn Độ không phải lo ngại về triển vọng nhu cầu, nhưng vấn đề ở đây lại là nguồn cung sản phẩm đã không được xây dựng để theo kịp tốc độ tăng trưởng nhu cầu. Nguồn cung trong nước không đủ đã khiến cho một số công ty hóa chất công nghiệp cũng như các cơ sở sử dụng hóa chất phải phụ thuộc nặng nề vào nhập khẩu hóa chất cơ bản, các hợp chất trung gian, các sản phẩm hóa chất hoàn thiện và các sản phẩm liên quan.
Tình hình xuất nhập khẩu hóa chất
Trung Quốc đã nổi lên như nguồn nhập khẩu hàng đầu của Ấn Độ đối với nhiều loại sản phẩm, trong đó có nhiều sản phẩm hóa chất. Thị phần của Trung Quốc trên thị trường nhập khẩu của Ấn Độ đã liên tục tăng. Trong thập niên qua, tuy Ấn Độ đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các quốc gia khác nhau trên thế giới, nhưng thị phần của Trung Quốc trong tổng khối lượng nhập khẩu của Ấn Độ vẫn không giảm đáng kể. Hiện nay, có 3 nhóm sản phẩm lớn nhất chiếm đến 60% tổng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc vào Ấn Độ, trong đó bao gồm nhóm các sản phẩm hợp chất hữu cơ và hóa chất vô cơ cơ bản, các hợp chất trung gian, dược phẩm, bên cạnh nhóm các sản phẩm điện tử, điện thoại di động, chất bán dẫn, dụng cụ điện,....
Mặt khác, kim ngạch xuất khẩu từ Ấn Độ vào Trung Quốc trong năm tài chính 2022-2023 đã giảm. Vì vậy, thị phần của Trung Quốc trên thị trường xuất khẩu của Ấn Độ đã giảm từ 5,04% trong năm tài chính 2021-2022 xuống chỉ 3,4% trong năm tài chính 2022-2023.
Nhóm sản phẩm dầu mỏ tinh chế là mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của Ấn Độ sang Trung Quốc. Ngoài ra, xuất khẩu của Ấn Độ sang Trung Quốc chủ yếu bao gồm nông sản, quặng sắt, sản phẩm sắt thép bán hoàn thiện, đồng và các sản phẩm đồng, cá và hải sản, rau xanh, dầu thực vật, gạo. Nhưng trên thị trường nhập khẩu hóa chất của Trung Quốc, Ấn Độ chỉ chiếm thị phần không đáng kể, chủ yếu do ngành công nghiệp hóa chất Ấn Độ thiếu công suất sản xuất cần thiết.
Sự phụ thuộc vào hóa chất nhập khẩu
Trong bối cảnh tăng trưởng nhu cầu đối với các sản phẩm hóa chất trong nước ngày càng tăng, khối lượng nhập khẩu hóa chất vào Ấn Độ đã tăng liên tục. Mặc dù vậy, hiện nay ngành công nghiệp hóa chất nội địa tại đây vẫn chưa có kế hoạch xây dựng mới và mở rộng công suất sản xuất các loại hóa chất.
Ví dụ, khối lượng nhập khẩu metanol hàng năm hiện nay lên đến 2,8 triệu tấn, trong khi đó sản lượng trong nước chỉ đạt 167.000 tấn, nhập khẩu PVC khoảng 2,4 triệu tấn/năm, nhưng sản lượng trong nước chỉ đạt 1,4 triệu tấn/năm, nhập khẩu quặng TiO¬2¬ (rutil) khoảng 220.000 tấn, trong khi đó sản lượng trong nước chỉ đạt 30.000 tấn.
Do không có nhà máy sản xuất nên Ấn Độ phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu nhiều hợp chất hữu cơ với khối lượng nhập khẩu từ vài triệu đến vài trăm nghìn tấn mỗi năm, ví dụ styren monome, axit xitric, MDI, vinyl axetat monome,...
Nhiều ngành sản xuất ở Ấn Độ đang được hưởng lợi nhờ nguồn hàng nhập khẩu từ nước ngoài. Nhập khẩu các hợp chất trung gian giá rẻ từ Trung Quốc đã giúp các công ty Ấn Độ duy trì năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và thị trường quốc tế. Nhưng mặt khác, hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc đang mang lại nhiều tác động bất lợi đối với một số ngành sản xuất khác trong nước, đặc biệt là ngành sản xuất hóa chất và các sản phẩm liên quan.
Những thách thức hiện nay
Nhiều nguyên nhân đã được nêu ra để giải thích cho tình trạng cầu vượt cung và vì sao những nỗ lực mở rộng sản xuất đã không theo kịp tốc độ tăng nhu cầu tại Ấn Độ, trong đó có những nguyên nhân về nguyên liệu, đầu tư, công nghệ, hợp tác,...
Về mặt nguyên liệu, do phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu dầu thô và khí thiên nhiên, ngành công nghiệp hóa dầu Ấn Độ không thể sản xuất các sản phẩm với giá cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Ấn Độ là quốc gia nhập khẩu một số hóa chất với quy mô lớn như metanol và PVC, giá nhập khẩu của những sản phẩm này thường thấp hơn giá thành sản xuất trong nước.
Để góp phần giải quyết vấn đề trên, Công ty Reliance Industries của Ấn Độ đã quyết định xây dựng nhà máy ethylen diclorua tại Trung Đông và nhập nguyên liệu này vào Ấn Độ để sản xuất PVC. Tương tự, Công ty cũng có ý định xây dựng nhà máy sản xuất metanol tại những nước có nguồn khí thiên nhiên dồi dào như Trinidad và Tobago, từ đó sẽ nhập khẩu metanol về Ấn Độ để sản xuất những sản phẩm dẫn xuất cho thị trường trong nước.
Về mặt công nghệ, do nhiều năm qua trong nước thiếu những nỗ lực nghiên cứu và triển khai nên hiện nay Ấn Độ phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu công nghệ, không chỉ ở những dự án quy mô lớn mà cả ở những dự án quy mô trung bình hoặc thậm chí quy mô nhỏ. Trên thực tế, Ấn Độ phải nhập khẩu công nghệ từ những quốc gia nhỏ bé hơn nhiều như Đài Loan, Ixraen hoặc Hàn Quốc.
Một thách thức lớn là các công ty Ấn Độ đang phải nhập khẩu nhiều lần các công nghệ tương tự cho các dự án tương tự. Mặc dù có nhiều nhà máy sản xuất phân urê và nhiều nhà máy lọc dầu hiện đang hoạt động, các công ty Ấn Độ vẫn phải tìm kiếm sự hỗ trợ công nghệ và kỹ thuật từ nước ngoài khi cần triển khai các dự án trong cùng lĩnh vực. Trong các cuộc thảo luận cá nhân, nhiều giám đốc dự án cho biết họ thiếu nềm tin để mua công nghệ từ các viện nghiên cứu trong nước, đặc biệt là vì phần lớn các công nghệ do các viện nghiên cứu của Ấn Độ phát triển đều chỉ ở quy mô phòng thí nghiệm hoặc xưởng sản xuất, chưa được kiểm nghiệm vận hành ở quy mô thương mại.
Một thách thức không nhỏ khác là sự thiếu hợp tác, liên kết giữa các công ty trong các ngành sản xuất của Ấn Độ. Nhiều công ty trong cùng lĩnh vực hoạt động đã không thể liên kết với nhau để tạo ra những dự án công suất lớn, có khả năng cạnh tranh trên toàn cầu.
Nhìn chung, do tình trạng cầu vượt cung nên sự phụ thuộc của Ấn Độ vào nguồn nhập khẩu hóa chất và các sản phẩm liên quan đang tăng với tốc độ đáng báo động. Về lâu dài, tình trạng này có thể gây hại cho sự phát triển của nền kinh tế nói chung và ngành công nghiệp hóa chất nói riêng.