Sau khi trải qua năm 2020 đầy khó khăn do tác động kép của dịch COVID-19 và sự giảm mạnh của giá dầu mỏ, nền kinh tế các quốc gia Vùng Vịnh Ba Tư (gồm có Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Ả Rập Xê Út và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) đã vươn lên mạnh mẽ. Các quốc gia Vùng Vịnh đã đạt tăng trưởng kinh tế mạnh trong hai năm 2021 và 2022, chủ yếu là nhờ những căng thẳng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 giảm bớt, dẫn đến sự tăng trưởng của sản xuất dầu mỏ trong khu vực và sự phát triển tích cực của thị trường hydrocacbon trên thế giới.
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), GDP thực của các nước Vùng Vịnh Ba Tư đã tăng 2,5% và 5,4% trong các năm 2021 và 2022 tương ứng.
Giá dầu mỏ tăng đã hỗ trợ hoạt động kinh tế ở các nước Vùng Vịnh, thu hút thêm đầu tư và cải thiện niềm tin trong giới kinh doanh nhờ điều kiện thị trường thuận lợi. Tuy nhiên, các lĩnh vực phi dầu mỏ cũng hoạt động tốt, chủ yếu nhờ chi tiêu công, tăng trưởng tín dụng và sự hồi phục của du lịch, được hỗ trợ nhờ một số sự kiện lớn trong khu vực như Expo 2020 tại Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) và Giải vô địch bóng đá thế giới 2022 tổ chức ở Quata.
Hơn nữa, tác động của chiến tranh Nga-Ukraina đối với thị trường hàng hóa cùng các biện pháp trừng phạt kinh tế liên quan nhìn chung đã có lợi cho nền kinh tế các nước Vùng Vịnh, chúng mở thêm cơ hội cung cấp dầu mỏ và khí thiên nhiên cho thị trường châu Âu
Sản lượng và doanh thu hóa chất
Nhìn chung, sản lượng hóa chất tại các quốc gia Vùng Vịnh Ba Tư đã tiếp tục tăng 2,7% trong năm 2021 với công suất đạt mức cao kỷ lục 154,1 triệu tấn nhờ sự hồi phục của nhu cầu hàng hóa trên khắp thế giới. Động lực hàng đầu cho sự tăng trưởng khác thường này đến từ lĩnh vực hóa chất vô cơ, trong khi đó tốc độ tăng trưởng hàng năm của sản xuất polyme và cao su cũng đạt 5 % và 1,9 % tương ứng.
Thời kỳ hậu COVID-19, sản xuất hóa chất trên thế giới đã hồi phục không đồng đều giữa các khu vực địa lý, tốc độ tăng trưởng toàn cầu năm 2021 đạt 6,1%, dẫn đầu là châu Á với 7,6%, tiếp theo là châu âu và Nam Mỹ với 6% và 4,6% tương ứng. Sau đó, tốc độ tăng trưởng đã giảm xuống còn 2% trong năm 2022 do tình trạng phong tỏa vì dịch COVID-19 vẫn tiếp diễn ở Trung Quốc và những rối loạn của chuỗi cung ứng sau khi Nga tấn công Ukraina. Năm 2023, tốc độ tăng trưởng của sản lượng hóa chất toàn cầu được dự báo sẽ đạt 2,9%.
Công nghiệp hóa chất các nước Vùng Vịnh Ba Tư chiếm tỷ trọng lớn và đang liên tục tăng trong công nghiệp hóa chất toàn cầu, sau 2 thập niên qua đã tăng gấp đôi và hiện chiếm 6,7% tỷ trọng của toàn bộ ngành hóa dầu toàn cầu.
Năm 2021, doanh thu của công nghiệp hóa chất toàn cầu đã tăng mạnh 24%, đạt 4,73 nghìn tỉ USD - mức cao nhất trong 15 năm qua. Châu Á chiếm thị phần lớn nhất với hơn 50% doanh thu hóa chất toàn cầu năm 2021. Trong khi đó, công nghiệp hóa chất các nước Vùng Vịnh Ba Tư đã đạt doanh thu ở mức kỷ lục 95,9 tỉ USD, vượt mức trước đại dịch COVID-19 và tăng 77,2% so với năm 2020. Ả rập Xê-út chiếm tỷ lệ lớn nhất, đạt doanh thu 76,5 tỉ USD trong năm 2021, chiếm 78% tổng doanh thu hóa chất của toàn khu vực. Năm 2021, thị phần của các nước Vùng Vịnh Ba Tư trong doanh thu hóa chất toàn cầu đã tăng đến 2,4%, đạt mức cao kỷ lục trong lịch sử.
Công nghiệp hóa chất toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng 1,8%/năm trong thời gian từ 2021 đến 2024, trong đó lĩnh vực hóa chất cơ bản sẽ đóng vai trò chi phối.
Đầu tư và thương mại hóa chất
Tổng vốn đầu tư vào công nghiệp hóa chất các nước Vùng Vịnh đã giảm hơn một nửa, chỉ còn đạt 4 tỉ USD trong năm 2021. Nhiều dự án đầu tư đã phải tạm dừng do các công ty ưu tiên tập trung cho quá trình hồi phục, mặc dù một số dự án đang nằm trong giai đoạn hoàn thành. Nhưng trong bối cảnh tổng vốn đầu tư trên toàn cầu giảm đáng kể, đã có 61 tỷ USD vốn đầu tư được lập kế hoạch và cam kết thực hiện trong thời gian 2021-2025 tại khu vực Vùng Vịnh Ba Tư.
Công nghiệp hóa chất các quốc gia Vùng Vịnh Ba Tư là ngành công nghiệp định hướng xuất khẩu, năm 2021 đã xuất khẩu tổng cộng 68,8 triệu tấn sản phẩm hóa chất. Trong khi đó, khu vực này chỉ nhập khẩu 20 triệu tấn hóa chất, đạt thặng dư thương mại 48,6 triệu tấn, tăng 12% so với năm trước. Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục là những đích đến hàng đầu cho xuất khẩu hóa chất của các nước Vùng Vịnh, chiếm 26% và 14% tương ứng trong tổng khối lượng xuất khẩu hóa chất của khu vực. Các sản phẩm hóa dầu và polyme là những sản phẩm chính chi phối xuất khẩu hóa chất của các nước Vùng Vịnh, trong khi đó những hóa chất với giá trị thặng dư cao là những hóa chất được nhập khẩu nhiều nhất vào khu vực.
Trong thời gian tới, những thách thức vĩ mô lớn đối với triển vọng hồi phục của công nghiệp hóa chất toàn cầu là lạm phát kéo dài và áp lực tăng lãi suất cho vay làm tăng rủi ro suy thoái kinh tế. Những rủi ro tiếp theo là sự leo thang của chiến tranh Nga-Ukraina, khả năng xảy ra tranh chấp thương mại ở các nơi trên thế giới và sự trở lại của những rối loạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì vậy, cũng như công nghiệp hóa chất các khu vực khác trên thế giới, công nghiệp hóa chất Vùng Vịnh Ba Tư sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong quá trình hồi phục tiếp theo.