Công nghiệp hóa chất châu Âu đứng trước nhiều thách thức

04:22 CH @ Thứ Ba - 06 Tháng Tám, 2024

Sản xuất suy giảm 

Những dự báo gần đây của Hội đồng Công nghiệp hóa chất châu âu (Cefic) và Hiệp hội Công nghiệp hóa chất Đức (VCI) cho thấy công nghiệp hóa chất trong khu vực đang trải qua một giai đoạn căng thẳng với tăng trưởng thấp, sản xuất suy giảm và tình hình thị trường khó khăn.

Từ khi cuộc chiến tranh Nga - Ucraina bắt đầu vào tháng 2/2022, CNHC châu âu đã phải chịu nhiều thiệt hại và suy giảm nặng, đặc biệt trong những lĩnh vực quan trọng như sản xuất hóa dầu, polyme và vật liệu vô cơ cơ bản. Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng này là sự gia tăng giá năng lượng sau khi châu âu mất đi nguồn cung khí thiên nhiên từ Nga. Thêm vào đó là sự suy giảm nhu cầu hàng hóa do hậu quả của đại dịch COVID-19, lạm phát, sức mua giảm và những quy định chặt chẽ của các chính phủ.

Trên thực tế, chi phí năng lượng đã trở thành gót chân Asin của CNHC châu Âu. Không khu vực nào trên thế giới bị ảnh hưởng nhiều vì chi phí năng lượng như châu âu. Đây cũng là lý do khiến cho đầu tư vào CNHC châu âu đang phải chịu áp lực lớn. Trong khi đó, đầu tư vào CNHC lại đang gia tăng ở các khu vực khác trên thế giới, nhất là Mỹ và Vùng Vịnh Ba Tư.

Trung Quốc - quốc gia sản xuất hóa chất lớn nhất toàn cầu - đang giữ vai trò quyết định như đối tác thương mại lớn nhất của 27 nước EU, sự phụ thuộc của châu âu vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc tiếp tục tăng.

Mặc dù dự báo cấu trúc nhu cầu sẽ dần bình thường hóa trở lại, sức mua tăng trong năm 2024 sẽ giúp tăng chi tiêu của người tiêu dùng, nhưng CEFIC cho rằng sản xuất hóa chất tại châu âu sẽ chỉ tăng 1% trong năm nay.

Tình hình đặc biệt nghiêm trọng tại Đức, địa điểm sản xuất hóa chất lớn nhất của châu âu. Theo báo cáo của VCI, sản lượng hóa chất tại đây (không kể dược phẩm) đã giảm 11% trong năm 2023, tỷ lệ sử dụng công suất giảm xuống 77%, thấp hơn mức hợp lý về kinh tế là 82%. 15% trong số 1.900 các công ty thành viên của VCI đã phải chịu thua lỗ.
Triển vọng tương lai cũng không sáng sủa với những dự báo về sự suy giảm tiếp diễn trong doanh số và sản lượng. Các công ty hóa chất đang phải chịu áp lực của doanh số giảm, giá bán giảm và chi phí sản xuất cao. Tình hình này đã dẫn đến những biện pháp quyết liệt như đóng cửa nhà máy và dịch chuyển sản xuất ra nước ngoài.

BASF, công ty đứng đầu CNHC Đức, đã công bố đóng cửa các cơ sở sản xuất chủ chốt tại nhà máy ở Ludwigshafen để đối phó với chi phí gia tăng, đặc biệt là do giá khí thiên nhiên đã tăng mạnh. Tình hình của BASF phản ánh xu hướng chung ở Đức, nơi các công ty đang bắt buộc phải điều chỉnh cấu trúc chi phí và dịch chuyển sản xuất ra nước ngoài.

Áp lực cạnh tranh toàn cầu

Trái với CNHC châu Âu, CNHC Mỹ đang thể hiện xu hướng tích cực nhờ những quy định pháp lý mới ban hành như Đạo luật giảm lạm phát và Đạo luật Chip. Hiệp hội hóa chất Mỹ (ACC) dự báo CNHC Mỹ sẽ tăng trưởng nhẹ trở lại trong năm 2024 sau khi giảm 1,9% trong năm 2023. ACC cũng cho rằng sản xuất hóa chất toàn cầu có thể tăng trưởng 2,9% trong năm 2024.

Mặc dù ACC chỉ trích chính phủ đã đưa ra quá nhiều quy định đối với sản xuất hóa chất, nhưng các công ty hóa chất Mỹ tỏ ra lạc quan hơn các đối thủ cạnh tranh ở Đức về triển vọng trong tương lai gần. Đầu tư của các doanh nghiệp hóa chất Mỹ trong năm 2023 đã tăng 4,1%. Tuy nhiên, ACC dự báo đầu tư vào sản xuất hóa chất sẽ giảm trong năm 2024 do chi phí lãi vay cao.

Trên thực tế, sản lượng hóa chất toàn cầu năm 2023 đã tăng bất chấp những số liệu yếu kém của châu Âu và Mỹ. Động lực chủ yếu dẫn đến kết quả này là sự phát triển tương đối mạnh của các nhà sản xuất hóa chất trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là Trung Quốc với mức tăng trưởng 3,7%.

Triển vọng tương lai

Nhìn chung, CNHC toàn cầu đang phải đứng trước nhiều thách thức: Chi phí năng lượng và nguyên liệu dao động mạnh theo từng khu vực, nhu cầu thị trường yếu, các quy định chặt chẽ của các chính phủ và những bất ổn địa chính trị. Nhưng CNHC tại châu Âu và Đức đang phải trải qua thời gian đặc biệt khó khăn, trong khi đó Mỹ đang ở vị thế ổn định hơn nhờ chính sách hỗ trợ của chính phủ, chi phí năng lượng và nguyên liệu thấp, môi trường đầu tư tổng thể thuận lợi.

Trong những năm tới, tuy tình trạng dư thừa công suất trong một số lĩnh vực hóa chất vẫn tiếp tục kéo dài, nhưng đổi mới công nghệ và tiến bộ kỹ thuật có thể tạo ra những cơ hội tăng trưởng mới. CNHC châu Âu, đặc biệt là Đức, sẽ cần phải tiếp tục nâng cao hiệu suất, phát triển sản phẩm mới và công nghệ mới, ví dụ  hóa chất chuyên dụng, để đáp ứng những thách thức của quá trình chuyển đổi năng lượng và thực hiện những yêu cầu trong Thỏa thuận xanh châu Âu. Chuyển đổi sang các phương thức sản xuất bền vững hơn, chú trọng vào nền kinh tế tuần hoàn, cũng sẽ là những xu hướng quan trọng trong CNHC. Những phát triển như vậy có thể giúp giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, đồng thời mở ra những cơ hội thị trường mới.

Về dài hạn, CNHC toàn cầu sẽ hồi phục khi nhu cầu hóa chất trên toàn cầu gia tăng. Tuy nhiên, những bất lợi cạnh tranh do giá năng lượng và nguyên liệu cao sẽ không thay đổi trong tương lai gần. CNHC châu Âu sẽ cần phải thích ứng với những tình hình địa chính trị mới, tăng cường hoạt động sản xuất trong khu vực, đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Nguồn: