Công nghiệp hóa chất Đức đang đứng trước nguy cơ thiếu nguồn cung khí đốt vào mùa đông năm nay, mặc dù Nga đã mở lại đường ống dẫn khí Nord Stream dài 1.220 km sau một thời gian đóng cửa bảo dưỡng.
Vấn đề là Nga hiện đang áp dụng chính sách hạn chế dòng khí đốt qua đường ống Nord Stream xuống khoảng 40% công suất. Nếu chính sách này được duy trì, sẽ không có đủ khí đốt để đáp ứng nhu cầu của châu âu trong thời gian nhu cầu cao điểm vào mùa đông, vì vậy chế độ phân phối theo định mức có thể sẽ được áp dụng.
Đó là mối lo ngại lớn đối với công nghiệp hóa chất (CNHC) Đức, lĩnh vực chiếm 14% tiêu thụ khí đốt toàn quốc. Chính phủ Đức đã tuyên bố, trong trường hợp phải thực hiện chế độ phân phối khí đốt thì nhu cầu của các nơi như bệnh viện và các hộ gia đình sẽ được ưu tiên so với các ngành sản xuất công nghiệp.
Những công ty sẽ phải chịu thiệt hại nhiều nhất do nguồn cung khí đốt bị cắt giảm là BASF, Covestro và Evonik Industries. Tháng 3 năm nay, Tập đoàn BASF cho biết sẽ bắt buộc phải đóng cửa các nhà máy ở Đức nếu nguồn cung khí đốt giảm xuống dưới 50% nhu cầu của Tập đoàn.
Bên cạnh đó, các nhà sản xuất hóa chất tại Đức như BASF, Evonik và Lanxess còn đang phải đối mặt với một vấn đề lớn khác: Mực nước sông Ranh tại đây đã xuống rất thấp và đang tiếp tục giảm, có thể sẽ sớm cản trở hoạt động vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa đến và đi từ các nhà máy lớn.
Tâm trạng bi quan trong ngành
Trước nguy cơ thiếu khí đốt, kỳ vọng tương lai của các công ty hóa chất đã xấu đi rõ rệt. Theo một cuộc khảo sát của Viện Nghiên cứu kinh tế Ifo tại Muy-ních, chỉ số đánh giá kỳ vọng của các công ty hóa chất Đức trong tháng 6/2022 đã giảm xuống mức -40,3 điểm, thấp hơn nhiều mức -27,2 điểm trong tháng trước. Lo ngại về khả năng Nga cắt nguồn cung khí đốt và các hậu quả đối với CNHC hiện đang rất lớn.
Kết quả khảo sát cho thấy, các doanh nghiệp hóa chất Đức dự kiến sản lượng của họ trong những tháng tới sẽ giảm. Hơn nữa, các công ty cung ứng nguyên liệu đang muốn tăng giá sản phẩm. Hiện nay tình hình cung ứng nguyên liệu và sản phẩm trung gian cho các công ty hóa chất vẫn đang rất căng thẳng. 57,5% các công ty thông báo đang bị thiếu nguyên liệu, tuy đã giảm so với mức 73% vào tháng 12/2021 nhưng vẫn còn rất cao.
Hiệp hội CNHC Đức (VCI) dự báo sản lượng nói chung của các công ty trong Hiệp hội sẽ giảm 1,5% trong năm nay, trong đó sản lượng hóa chất sẽ giảm 4%. Chi phí năng lượng và nguyên liệu cao đang ảnh hưởng nặng nề đến ngành hóa chất, hơn nữa nhu cầu hóa chất đang giảm do kinh tế thế giới suy yếu.
VCI nhấn mạnh, các công ty hóa chất Đức đang cố gắng tiết kiệm khí đốt ở mức tối đa. Nhưng trên thực tế không còn nhiều khả năng để tiết kiệm, vì việc thường xuyên tăng hiệu quả đã trở thành động lực quan trọng trong ngành những năm qua.
Trong thời gian tới, các công ty hóa chất cần những giải pháp thực tế và phù hợp yêu cầu pháp luật khi chuyển đổi từ khí đốt sang dầu mỏ hoặc than đá. Vì vậy, VCI kêu gọi chính phủ Đức áp dụng các quy trình cấp phép nhanh chóng để cho phép chuyển đổi các thiết bị hóa chất trong ngành.