"/>"/>

Công bố "kỳ lạ": Đại lý thích... bán chịu phân bón

12:35 CH @ Thứ Tư - 02 Tháng Sáu, 2010

Các đại lý thích bán chịu phân bón, thuốc BVTV hơn là thu tiền tươi thóc thật. Vì bán chịu tuy rủi ro nhưng lãi lớn do giá bán cao. Không chỉ thu lợi nhuận từ chênh lệch giá, các đại lý còn thu lợi từ chênh lệch lãi suất. Đó là kết quả nghiên cứu thị trường phân bón, thuốc BVTV do Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, ĐH An Giang vừa công bố.

Theo kết quả khảo sát, kênh phân phối phân bón thuốc BVTV hiện đi qua rất nhiều tầng nấc trung gian mới tới được người nông dân. 90% phân bón, thuốc BVTV được tiêu thụ bởi đại lý cấp II và III, đại lý cấp I chỉ chiếm 10%. Trong đó, đại lý cấp I là mắt xích quan trọng. Các Cty SX, nhà NK không bán hàng trực tiếp cho đại lý cấp II, III và nông dân mà phải thông qua đại lý cấp I.

Các HTXNN cũng chưa mua được hàng trực tiếp tại các Cty mà phải mua qua đại lý cấp I. Đại lý cấp I bán đến 90% sản phẩm kinh doanh cho đại lý cấp dưới, chỉ 10% bán trực tiếp cho nông dân. Nông dân đến mua hàng tại đại lý cấp I thường là những người có diện tích SX lớn (2ha trở lên), mua hàng 1 lần sử dụng cho cả vụ và có tiền mặt trả ngay. Mua tại đại lý cấp II là những người có diên tích SX trên 1ha, có uy tín mua bán với đại lý từ 3 năm trở lên và có tiền mặt để trả một phần tiền hàng.

Còn lại là những người ít đất, thiếu vốn SX, mua hàng theo nhiều đợt và thường mua ở nhiều đại lý cấp III khác nhau. Khoảng 70% trong số này là mua chịu đến cuối vụ, không quan tâm đến giá bán, nguồn gốc hàng hóa, trọng lượng…mà chỉ quan tâm đại lý có chấp nhận bán chịu hay không.

Mức chênh lệch giá mua và bán của đại lý cấp I (trung bình là 2.000- 7.000 đồng/bao phân) thường thấp hơn nhiều so với đại lý cấp II và III. Tuy nhiên, đại lý cấp I sẽ nhận được khoản lợi nhuận (hoa hồng) rất cao từ các chính sách kinh doanh của Cty cung cấp hàng. Giá bán giữa mua và bán của các đại lý thường chênh lệch không nhiều, lợi nhuận ròng trên sản phẩm là không cao.

Tuy nhiên, chênh lệch giá bán chịu tới mùa (3- 4 tháng) có sự khác biệt rõ rệt giữa các đại lý và biên độ chênh lệch giá mua- bán qua các đại lý là khá lớn, từ 20.000- 40.000 đồng/bao sản phẩm. Trong đó, giá bán thiếu của đại lý cấp III có mức chênh lệch cao nhất. Mức chênh lệch giữa giá mua và bán tại đại lý cấp II lại có xu hướng rút ngắn lại, do có nhiều đại lý cạnh tranh nhau, một số nông dân có vốn cũng mua hàng tại các đại lý này.

Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra, kinh doanh thuốc BVTV có những đặc điểm khác so với phân bón. Trước tiên là mức chi hoa hồng mà các Cty kinh doanh thuốc BVTV chi cho đại lý cấp I cao hơn phân bón. Thông thường, dao động từ 20- 40% so với giá Cty niêm yết, cá biệt một số sản phẩm có nguồn gốc NK mức chi này lên đến 55%. Vì vậy, hiện các đại lý cấp I khi bán cho đại lý cấp II, III thường xu hướng giảm giá so với giá niêm yết hoặc chia sẻ một phần lợi nhuận để tăng doanh số bán ra.

Thứ hai là các đại lý cấp II, III có khả năng mua hàng trực tiếp từ nhà SX hay NK (phân bón chỉ có đại lý cấp I). Có khoảng 17- 25% sản lượng thuốc BVTV mà đại lý cấp II, III mua trực tiếp từ Cty SX, NK hay từ các nhân viên tiếp thị “không biết của Cty nào”. Ngoài ra, đại lý cấp III còn mua hàng trôi nổi do nông dân sử dụng thừa bán lại, hàng dư thừa của nhân viên tiếp thị, hàng xách tay không rõ nguồn gốc hay từ những người đi xịt thuốc mướn (lấy cắp của chủ ruộng). Những mặt hàng này giá rất rẻ và dễ bán lại cho nông dân do giá thấp.

Nhóm tác giả đề xuất:

1- Nhà nước cần ưu đãi đầu tư cho các Cty, XN, đặc biệt là các NMSX phân Urê, NPK và lân nung chảy…vì hiện chúng ta đang phải lệ thuộc rất lớn vào hàng NK.

2- Các giải pháp thị trường nên chú ý đến sự tồn tại của đại lý cấp I (vì đây là mắt xích quan trọng trong hệ thống phân phối, việc loại bỏ đại lý cấp I để thay vào đó bằng mô hình kinh tế nào đó là rất khó) và cố gắng liên kết với các đại lý cấp I. Các nhà SX, NK phải thông qua đại lý cấp I để tận dụng kho chứa, phương tiện, nhân sự, khách hàng và chia sẻ rủi ro cho đại lý này.

3- Nâng cao công tác quản lý kinh doanh VTNN, nhất là thuốc BVTV. Vì kết quả khảo sát (tại một số huyện của An Giang) có khoảng từ 17- 25% lượng thuốc BVTV mà các đại lý cấp II, III mua là hàng trôi nổi trên thị trường (nếu tỷ lệ này chiếm 3% sản lượng bán của các đại lý thì hậu quả nông dân phải gánh rất lớn).

4- Các địa phương nên tạo quỹ hỗ trợ phát triển để các HTXNN vay vốn kinh doanh VTNN. Việc các HTX tham gia kinh doanh vừa mang lại lợi ích kinh tế vừa mang lại lợi ích xã hội.