Bộ Tài chính đề xuất chưa điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu mặt hàng phân bón mà thực hiện theo quy định hiện hành.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2023/NĐ-CP của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.
Về kiến nghị điều chỉnh mức thuế suất thuế xuất khẩu đối với một số loại phân bón, Bộ Tài chính cho biết, Hiệp hội Phân bón Việt Nam (sau đây gọi là Hiệp hội) tổng hợp kiến nghị của một số doanh nghiệp thành viên về thuế suất thuế xuất khẩu một số loại phân bón như sau:
(i) Kiến nghị điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu phân bón supe lân (SSP) (thuộc nhóm 31.03) là 0% do: năng lực sản xuất dư thừa, cần phải có đầu ra xuất khẩu để các doanh nghiệp sản xuất SSP tồn tại để phục vụ sản xuất trong nước; Supe lân là mặt hàng được khuyến khích xuất khẩu; và việc bị áp thuế xuất khẩu 5% theo quy định tại Nghị định số 26/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023 thì có thể dẫn đến việc cạnh tranh gay gắt từ sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc khiến sản phẩm supe lân của Việt Nam kém lợi thế khi xuất khẩu.
(ii) Kiến nghị điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu phân bón urê (thuộc nhóm 31.02) là 5% do: năng lực sản xuất dư thừa; áp lực cạnh tranh do Brunei gia nhập thị trường phân bón.
(iii) Kiến nghị điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu phân bón kali sulphate (K2SO4, tên thương mại SOP) (thuộc nhóm 31,04) là 0%: Lý do là hiện tại, ở Việt Nam, Công ty SOP Phú Mỹ là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam và thứ hai tại Đông Nam Á sản xuất kali sulphate, cung ứng khoảng 60% cho thị trường trong nước. Nguyên liệu để sản xuất SOP là kali clorua và axit sunphuric hoàn toàn nhập khẩu.
Về kiến nghị của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, tại Tờ trình Chính phủ, Bộ Tài chính báo cáo như sau: Trước bối cảnh diễn biến tình hình thị trường phân bón có nhiều biến động, giá các loại phân bón trên thị trường liên tục tăng cao, trên cơ sở đề xuất của một số cơ quan, đơn vị và để góp phần hạ giá phân bón trong nước, ổn định nguồn cung, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo quản lý chặt chẽ, tránh gian lận trong quá trình thực hiện, tại Nghị định số 26/2023/NĐ-CP quy định mức thuế suất thuế xuất khẩu mặt hàng phân Urê, DAP, MAP là 5%.
Việc giữ mức thuế xuất khẩu cao hơn 0% đối với mặt hàng phân bón sẽ góp phần giữ lại nguồn phân bón sử dụng trong nước, ổn định thị trường phân bón trong bối cảnh giá phân bón đang có xu hướng tăng cao.
Về cơ bản, trước khi Nghị định số 26/2023/NĐ-CP có hiệu lực, các mặt hàng phân bón được điều chỉnh phần lớn chịu mức thuế suất thuế xuất khẩu là 5% khi tính toán và áp thuế dựa theo tỷ lệ 51% (ví dụ như phân urea, phân lân); riêng đối với phân DAP trước đây chịu thuế xuất khẩu là 0% (do tỷ lệ tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng nhỏ hơn 51%), sản xuất trong nước chỉ đáp ứng 60%, phần còn lại phải nhập khẩu từ bên ngoài nên việc áp dụng thuế xuất khẩu 5% tại Nghị định 26/2023/NĐ-CP cũng là phù hợp để góp phần giữ lại nguồn phân bón sử dụng trong nước, ổn định thị trường phân bón.
Ngoài ra, việc quy định mức thuế suất cụ thể theo từng mã hàng thay cho quy định thuế suất dựa theo tỷ lệ tài nguyên, khoáng sản cộng chi phí năng lượng như hiện nay cũng góp phần làm giảm thủ tục hành chính cho cả cơ quan hải quan và doanh nghiệp, giảm chi phí tài chính do việc phải thực hiện xác định tỷ lệ này trong giá thành sản phẩm, đảm bảo nguyên tắc ban hành biểu thuế được nêu tại khoản 4 Điều 10 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Theo quy định trước đây, việc tính toán tỷ lệ này đã làm phát sinh chi phí cho việc phải theo dõi kê khai các chi phí liên quan, kiểm tra chứng từ sổ sách, nhất là khi các chi phí thường xuyên thay đổi theo thị trường. Cùng một loại phân bón xuất khẩu nhưng việc áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu lại phụ thuộc theo thời điểm xuất khẩu, giá xuất khẩu.
Quy định về chính sách thuế được ban hành cần có tính ổn định lâu dài. Việc sửa đổi quy định mức thuế suất thuế xuất khẩu đối với mặt hàng phân bón tại Nghị định số 26/2023/NĐ-CP nhằm góp phần giữ lại nguồn phân bón cho ngành công nghiệp trong nước, bảo vệ nguồn tài nguyên.
Theo đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ chưa điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu mặt hàng phân bón mà thực hiện theo quy định hiện hành.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây
Tình hình xuất khẩu, nhập khẩu mặt hàng phân bón - Nhập khẩu: Trong 7 tháng đầu năm 2023, lượng phân bón nhập khẩu đạt 1,1 triệu tấn tương đương với 477 triệu USD. Trung Quốc là thị trường chủ đạo cung cấp phân bón các loại cho Việt Nam, chiếm 39% trong tổng lượng và chiếm 45% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước, đạt gần 450 triệu tấn. - Xuất khẩu: Trong 7 tháng đầu năm 2023, lượng phân bón xuất khẩu đạt khoảng 943 nghìn tấn tương đương với 391 triệu USD. Campuchia là thị trường tiêu thụ phân bón của Việt Nam nhiều nhất, chiếm tới 36% trong tổng lượng và chiếm 36% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước. |