Các chuyên gia trong ngành sản xuất phân bón tại EU đã lên tiếng cảnh báo tình trạng phân bón giá rẻ từ Nga đang tràn ngập thị trường các nước Liên minh châu Âu, có thể buộc các nhà sản xuất trong khu vực phải ngừng sản xuất hoặc di chuyển đi nơi khác.
Dòng khí thiên nhiên từ Nga nhập khẩu vào EU đã giảm đáng kể từ khi bắt đầu chiến tranh Nga-Ucraina, các nước châu Âu buộc phải chuyển hướng sang các nguồn cung ứng khác. Trong khi đó, Nga tiếp tục sử dụng nguồn khí thiên nhiên sẵn có của mình để sản xuất và sau đó xuất khẩu sang châu Âu các loại phân đạm giá rẻ.
Khối lượng nhập khẩu một số loại phân bón từ Nga vào EU, ví dụ urê, đã tang mạnh sau khi xảy ra chiến tranh NgaUcraina đầu năm 2022. Tuy những lượng phân bón giá rẻ này giúp ích cho nông dân châu Âu, nhưng các nhà sản xuất phân bón trong khu vực lại phải vất vả vật lộn để cạnh tranh trong điều kiện bất lợi.
Giám đốc điều hành Công ty phân đạm SKW Piesteritz, nhà sản xuất amoniăc lớn nhất tại Đức, cho biết: “Thị trường hiện đang tràn ngập phân bón nhập từ Nga với giá rẻ hơn đáng kể phân bón của chúng tôi, chỉ vì lý do đơn giản là họ có nguồn cung khí thiên nhiên với giá thấp hơn nhiều so với các nhà sản xuất châu Âu chúng tôi”. Ông cảnh báo, các nhà máy sản xuất phân bón châu Âu sẽ “biến mất” nếu chính phủ các nước EU không có những hành động thích hợp.
Tương tự, giám đốc điều hành Công ty Yara international, một trong những nhà sản xuất phân đạm lớn nhất thế giới, đã phát biểu tháng 4/2024 rằng châu Âu đang chuyển dần sang tình trạng phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu từ Nga.
Nhằm tránh những ảnh hưởng đến tình hình an ninh lương thực, các nước phương Tây đã loại bỏ xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga ra khỏi các biện pháp trừng phạt đang áp đặt lên quốc gia này. Tuy nhiên, các công ty sản xuất phân bón tại châu Âu cho rằng Mátxcơva đã lạm dụng kẽ hở đó để khai thác thêm nguồn tài chính cho bộ máy chiến tranh của mình. Từ nhiều năm nay, các nhà sản xuất phân bón châu Âu đã khiếu nại lên Ủy ban châu Âu về những lợi thế mà các công ty phân bón Nga có được nhờ nguồn khí thiên nhiên giá rẻ. Những lập luận đó của họ càng có them sức mạnh từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ucraina.
Các nhà sản xuất phân bón châu Âu cho rằng, khi các tranh chấp và mâu thuẫn trên thế giới ngày càng tăng cao, trong lĩnh vực phân bón châu Âu cần phải chuyển trọng tâm từ “hiệu quả thị trường” sang “đảm bảo an ninh nguồn cung”.
Câu hỏi được đặt ra là: ”Những rủi ro đối với an ninh lương thực là gì? EU có nên trợ cấp để các công ty phân bón trong khu vực có thể sống sót qua thời kỳ khi họ không thể cạnh tranh được trên toàn cầu?”. Đó không phải là đề xuất bất hợp lý trong bối cảnh ngành nông nghiệp Anh và các nước EU có thể sẽ phải chịu thiệt hại nặng nếu trở nên phụ thuộc vào nhập khẩu phân bón từ Nga hoặc các “quốc gia thù địch” khác.
Hiện tại, 1/3 khối lượng nhập khẩu urê (loại phân đạm rẻ nhất) vào EU là đến từ Nga. Dữ liệu của Cơ quan thống kê Eurostat cho thấy, lượng nhập khẩu urê năm 2023 đã đạt gần mức cao kỷ lục. Ví dụ, theo số liệu hải quan nhập khẩu urê từ Nga vào Ba Lan năm 2023 đã tăng lên gần 120 triệu tấn so với chỉ 84 triệu tấn trong năm 2021.
Giám đốc điều hành Tập đoàn năng lượng MET của Thụy Sĩ nhận định: “Những năm khủng hoảng đang diễn ra đối với ngành sản xuất phân bón châu Âu”. Tập đoàn này dự định sẽ mua lại nhà sản xuất phân bón Achema ở vùng Baltic.
Với khí thiên nhiên chiếm đến 70-80% chi phí vận hành của các công ty sản xuất phân bón, nếu giá khí thiên nhiên tang ngành sản xuất phân bón sẽ bị ảnh hưởng nhanh hơn nhiều các ngành khác.
Các công ty lớn khác đang rời bỏ thị trường. Tập đoàn BASF - tập đoàn hóa chất lớn nhất thế giới - đã giảm hoạt động ở châu Âu từ vài năm nay, kể cả hoạt động sản xuất phân bón, thay vào đó đang tập trung vào các chương trình đầu tư mới ở Mỹ và Trung Quốc, nơi có chi phí thấp hơn.
Giám đốc Công ty SKW Piesteritz cho biết, sớm hay muộn các công ty khác cũng sẽ noi theo BASF. Công ty SKW đang đàm phán về khả năng xây dựng dây chuyền sản xuất amoniăc tại Mỹ, nơi có nguồn cung khí thiên nhiên rẻ hơn nhiều, giá điện thấp hơn nhiều và các công ty sản xuất phân bón có thể được hưởng trợ cấp nhờ Đạo luật Giảm phát thải của Mỹ.
Nếu không có các nhà máy sản xuất phân bón, EU sẽ phụ thuộc vào nhập khẩu từ các nước khác như Nga và Belarut. Khi đó, Tổng thống Nga Putin sẽ nắm trong tay đòn bẩy với tác động rất lớn lên sản xuất lương thực của châu Âu.
Tuy nhiên, Công ty tư vấn CRU cho rằng các chính trị gia tại Brussel sẽ ít có khả năng đáp ứng lời kêu gọi áp đặt các biện pháp trừng phạt lên phân bón của Nga. Hồi ức về thời kỳ giá phân bón tăng cao kỷ lục năm 2022 và cùng với đó là mối đe dọa đối với an ninh lương thực vẫn còn đang còn đọng lại trong tâm trí nhiều nhà hoạch định chính sách của EU.