Sau khi giá phân bón neo ở mức cao giúp các doanh nghiệp trong ngành lãi kỷ lục, giá mặt hàng này đang giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua.
Hiện nay, giá phân bón trên thị trường tiếp tục giảm mạnh. Theo đó, giá phân NPK Phú Mỹ được giao dịch ở mức 15.100-15.700 đồng (giảm 1.800 đồng/kg so với hồi đầu năm), NPK Cà Mau là 15.100-15.700 đồng/kg (giảm 1.600 đồng/kg). Mức giảm tương ứng khoảng 10%.
Phân Kali Cà Mau cũng giảm 2.600 đồng/kg xuống còn 14.900-15.100 đồng/kg (giảm khoảng 15% so với đầu năm), DAP Đình Vũ giảm còn 16.700-17.500 đồng/kg (giảm 63%).
Trong khi đó, phân Urê giảm khá mạnh với mức giảm từ 25-30%. Cụ thể, giá Urê Cà Mau được giao dịch ở mức 10.500-10.700 đồng/kg (giảm 3.600 đồng/kg so với hồi đầu năm), Urê Phú Mỹ giao dịch từ 10.500-10.700 đồng/kg (giảm 3.500 đồng/kg).
Đây cũng là mức giá thấp nhất của Urê trong vòng 2 năm qua. Tuy vậy, so với mức đỉnh trong năm 2022 giá các loại phân bón vẫn ở cao so với các mức trong lịch sử.
Theo Hiệp hội phân bón Việt Nam, giá phân bón đang giảm nhanh khi chi phí khí đốt tự nhiên, nguyên liệu quan trọng để sản xuất phân bón và nhu cầu của nông dân cùng giảm. Đặc biệt, sau khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa trở lại và không còn hạn chế xuất khẩu 29 loại phân bón, nguồn cung phân bón trên thị trường thế giới không còn tình trạng khan hiếm cục bộ.
Hai năm qua, giá phân bón tăng kỷ lục gấp 2,5-3 lần, có thời điểm cao nhất trong vòng 50 năm đã khiến nông dân không chịu được nhiệt, phải bỏ ruộng hoặc cắt giảm sản xuất. Thống kê cho thấy vụ Hè Thu 2022, diện tích lúa xuống giống vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khoảng 1,5 triệu ha, giảm 16.000 ha. Đến vụ Thu Đông 2022, diện tích lúa vùng này tiếp tục giảm hơn 3.500 ha.
Trong khi đó, tranh thủ giá ở mức cao, các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu và phủ khắp hệ thống phân phối giúp các doanh nghiệp trong ngành lãi đậm chưa từng có. Điển hình, năm 2022, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) ước tính lợi nhuận năm ngoái vượt 6.000 tỷ đồng, tăng hơn 70% so với năm 2021. Bình quân mỗi ngày, Vinachem lãi hơn 16 tỷ đồng, mức kỷ lục từ năm 2014 đến nay.
Tương tự, Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC) lãi sau thuế khoảng 6.040 tỷ đồng năm 2022, gấp hơn 2,4 lần so với năm trước đó. Đây là mức lợi nhuận cao nhất từ khi doanh nghiệp này công bố thông tin năm 2007.
Đặc biệt, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ - DPM) và Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau - DCM) cũng có kết quả kinh doanh kỷ lục. Năm 2022, Đạm Phú Mỹ lãi ròng gần 5.600 tỷ đồng, tăng 45% so với năm 2021. Đây cũng là mức lãi cao nhất trong lịch sử niêm yết của DPM, trong khi Đạm Cà Mau lãi khoảng 4.280 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ 2021.