Giá phân bón thế giới cao không những tiếp tục ảnh hưởng đến tỷ lệ sử dụng của nông dân mà còn tác động đến các quyết định sản xuất trong năm tới.
Mạng lưới Doanh nghiệp Nông dân (FBN) và nền tảng Công nghệ Nông nghiệp toàn cầu (AgTech) vừa phát hành báo cáo minh bạch giá phân bón lần đầu tiên. Đây được coi là cuộc khảo sát chuyên sâu về việc giá phân bón vẫn neo ở mức cao sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tỷ lệ sử dụng của nông dân trong mùa thu này và quyết định trồng mới trong năm tới, đặc biệt là phân đạm.
Báo cáo dựa trên tỷ lệ bón phân đầu vào của thành viên FBN tổng hợp từ hóa đơn phân bón mùa thu, và ước tính tỷ lệ bón phân cho cây trồng cả năm 2022 của nông dân để đưa ra dự báo cho kế hoạch mùa vụ năm 2023.
Phân tích của FBN cho thấy, có sự chênh lệch giá phân bón khá lớn giữa các khu vực - đặc biệt là đối với phân bón nitơ (phân đạm). Nguyên nhân được cho là do sự thiếu minh bạch về thị trường, giá cả có thể sẽ gây ra những tác động đối với kế hoạch trồng trọt năm 2023.
Kết quả điều tra, khảo sát về thị trường phân bón năm 2022 và tác động của việc tăng giá quá mức đối với tỷ lệ cắt giảm phân bón của nông dân và quyết định trồng trọt năm 2023 là nghiên cứu toàn diện nhất cho đến nay về chủ đề này.
Chuyên gia kinh tế trưởng Kevin McNew của FBN cho biết: “Với giá khí đốt tự nhiên vẫn ở mức cao và sự gián đoạn thị trường lớn do cuộc xung đột Nga-Ukraine, chúng tôi không kỳ vọng giá phân bón thế giới sẽ bình thường trở lại để kịp cho kế hoạch sản xuất vụ mùa năm 2023 của nông dân. Sự khác biệt rất lớn trong khu vực về giá phân bón – như giá phân đạm cao gấp đôi so với phân kali – đây có thể là dấu hiệu của sự thiếu minh bạch mà chúng tôi từng cảnh báo ở các thị trường đầu vào khác, chẳng hạn như hạt giống”.
Theo ông Kevin McNew, việc thiếu minh bạch về giá phân bón có thể ảnh hưởng đáng kể đến tỷ suất hoàn vốn (ROI), thắt chặt ngân sách hoạt động và khiến cho việc lập kế hoạch mùa vụ cho năm tới thậm chí còn khó khăn hơn đối với nông dân trong một môi trường vốn đã quá nhiều thách thức.
Báo cáo của FBN và AgTech cũng đưa ra khuyến nghị mới đối với nông dân lên sẵn kế hoạch công thức bón phân đạm, cung cấp cho nông dân trồng ngô Mỹ để đánh giá thị trường phân bón, năng suất dự kiến và giá bán sản phẩm dự kiến.
Công cụ miễn phí này sử dụng dữ liệu từ 12 trường đại học thuộc Vành đai ngô Mỹ đã tiến hành tổng hợp các công thức bón phân đạm trên khắp các tiểu bang trong hơn 20 năm để tính toán tỷ lệ hoàn vốn tối đa.
Các chuyên gia nhìn nhận, giá phân bón cao có thể sẽ khiến nông dân phải điều chỉnh tỷ lệ bón và lựa chọn loại cây trồng ở các mùa vụ tiếp theo, đặc biệt là với các sản phẩm dựa trên nitơ. Báo cáo này dựa trên mức tăng giá hàng năm trên khắp nước Mỹ đối với các loại phân bón khan, kali, monoamoni photphat, urê amoni nitrat và diammonium photphat. Theo đó trong hai năm qua, giá phân bón UAN đã tăng gần 200% và giá phân DAP tăng 112%. Điều này dẫn đến tỷ lệ bón phân đạm cho ngô, lúa mì và bông đã có sự thay đổi đáng kể trên toàn quốc.
Theo FBN, không giống như thị trường ngũ cốc, giá phân bón ở Mỹ không được các nhà bán lẻ hay các đại lý kinh doanh nông sản và nhà cung cấp phân bón niêm yết giá công khai.
Kết quả khảo sát vừa công bố cho biết, 17% thành viên nông dân FBN nói sẽ cắt giảm tỷ lệ bón phân vào mùa thu này và có thể sẽ tiếp tục hạn chế trong năm sau. Ngoài ra các thành viên cũng cho biết kế hoạch xuống giống các loại cây trồng như ngô, đậu nành, lúa mì, bông và lúa miến vào năm 2023 so với năm 2022. Trong đó lúa mì nổi lên như một loại cây trồng có biên lợi nhuận cao trong năm 2023, khi có tới 43% nông dân cho biết họ sẽ tăng diện tích lúa mì trong mùa vụ tới, trong khi 24% chọn ngô và 22% chọn đậu tương.
Cụ thể hơn, kế hoạch xen canh hai vụ lúa mì kết hợp với đậu tương cũng có khả năng sẽ cao hơn do các bang đồng bằng và đông nam có thể sẽ tăng diện tích vào mùa thu này và tiếp nối vụ xuân năm sau để giúp bổ sung nitơ. Như vậy, có sự khác biệt về sản xuất giữa các vùng là khá rõ rệt do tỷ lệ xuống giống các loại cây trồng thâm dụng nitơ ở miền nam và miền đông có thể sẽ tiết giảm vào năm 2023.