Giá phân bón đang giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua. Kéo theo khó khăn ập tới cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón.
Những ngày qua giá phân bón trên thị trường tiếp tục giảm mạnh. Theo đó, giá phân NPK Phú Mỹ được giao dịch ở mức 15.100-15.700 đồng (giảm 1.800 đồng/kg so với hồi đầu năm), NPK Cà Mau là 15.100-15.700 đồng/kg (giảm 1.600 đồng/kg). Mức giảm tương ứng khoảng 10%.
Tương tự, phân Kali Cà Mau cũng giảm 2.600 đồng/kg xuống còn 14.900-15.100 đồng/kg (giảm khoảng 15% so với đầu năm), DAP Đình Vũ giảm còn 16.700-17.500 đồng/kg (giảm 63%).
Hiện giá nhiều loại phân bón, đặc biệt là phân đạm (Urê) đã giảm thêm từ 10.000-30.000 đồng/bao (50kg). Giá Ðạm Cà Mau, Ðạm Phú Mỹ và nhiều loại Urê nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia và Malaysia đang được bán tại cửa hàng vật tư nông nghiệp ở vùng ÐBSCL chỉ còn 500.000-550.000 đồng/bao, trong khi trước đây có giá 530.000-580.000 đồng/bao.
Được biết, giá phân Urê đang ở mức thấp nhất trong hơn 2 năm qua. Urê hiện là loại phân bón mà các doanh nghiệp ở nước ta đã tự chủ sản xuất trong nước và có dư để xuất khẩu. Còn giá các loại DAP, NPK và Kali có giảm nhưng vẫn còn đang ở mức cao, với giá nhiều loại DAP từ 850.000-1.400.000 đồng/bao, NPK 20-20-15 từ 900.000-1.100.000 đồng/bao, Kali giá 730.000-800.000 đồng/bao... Giá nhiều loại phân bón có khả năng còn giảm do nguồn cung dồi dào và giá phân bón trên thế giới giảm mạnh.
Theo Hiệp hội phân bón Việt Nam, giá phân bón đang giảm nhanh khi chi phí khí đốt tự nhiên, nguyên liệu quan trọng để sản xuất phân bón và nhu cầu của nông dân cùng giảm. Đặc biệt, sau khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa trở lại và không còn hạn chế xuất khẩu 29 loại phân bón, nguồn cung phân bón trên thị trường thế giới không còn tình trạng khan hiếm cục bộ.
Giá phân bón giảm một mặt giúp nông dân giảm bớt khó khăn nhưng mặt khác gây áp lực lớn lên các doanh nghiệp phân bón. Giá giảm theo từng tuần, từng ngày khiến các đại lý vẫn nhập hàng cầm chừng với số lượng ít và tâm lý vẫn đợi giá giảm thêm khi nhu cầu chăm bón của người nông dân chưa nhiều. Điều này khiến các doanh nghiệp phân bón trong nước gặp rất nhiều khó khăn khi hàng sản xuất ra không tiêu thụ được, hàng tồn kho tăng cao.
Đặc biết, nếu như đầu năm 2022 giá phân bón tăng theo tỷ lệ thuận của giá dầu khí thế giới thì từ quý IV/2022 giá dầu khí tuy không tăng nhưng giá các loại phân bón lại liên tục giảm mạnh (đặc biệt là mặt hàng Urê), trong khi giá bán đầu ra thấp và chậm nên áp lực tồn kho và chi phí tài chính đang vô cùng lớn, biên lợi nhuận giảm nhanh chóng.
Thậm chí, có những lô hàng sản xuất ra của 1 số doanh nghiệp đã phải chấp nhận bán dưới giá thành. Có thể nói đây cũng chính là mối nguy rõ ràng nhất trong năm 2023 và thời gian tới mà các đơn vị chắc chắn sẽ phải đối mặt.
Như vậy, có thể thấy tình hình thị trường thế giới và nội địa đảo chiều từ “hồng” sang “xám” đối với ngành phân bón diễn ra nhanh chóng chỉ trong vài tháng dù vẫn có những điểm sáng nhất định.
Điều này khiến cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này có thể nói thể nói đang đối mặt với nhiều thách thức và đòi hỏi nhiều nỗ lực, giải pháp trước nghịch cảnh để trước hết có thể giải bài toán về tiêu thụ hàng sản xuất ra, giải toán hàng tồn kho! Đây chình là thời điểm có thể nhìn rõ, chứng tỏ sức mạnh nội tại của mỗi doanh nghiệp trước bức tranh khó khăn chung của toàn ngành.