Giá phân bón sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian dài sắp tới

03:31 CH @ Thứ Hai - 18 Tháng Bảy, 2022

Giá phân bón đã tăng gần 30% kể từ đầu năm 2022, sau khi tăng 80% trong năm 2021. Động lực cho xu hướng tăng giá này là sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao, những đứt gãy của chuỗi cung ứng do các biện pháp trừng phạt đối với Nga và Belarut, các hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc. Trong khi đó, giá urê đã tăng vượt mức đỉnh của năm 2008, đồng thời giá phân lân và phân kali  cũng đang tiếp cận các mức đỉnh năm 2008. Những lo ngại về nguồn cung phân bón càng tăng lên sau khi chiến tranh Nga-Ucraina bùng nổ.

Theo dự báo của Ngân hàng thế giới (World Bank), giá phân bón trong thời gian tới tiếp tục sẽ duy trì ở mức cao. 

Giá nguyên liệu đầu vào tăng cao

Giá khí thiên nhiên tăng cao, đặc biệt tại châu âu, đã khiến cho nhiều nhà máy phải cắt giảm sản xuất amoniăc - nguyên liệu quan trọng hàng đầu cho sản xuất phân đạm. Tương tự, giá than tăng cao tại Trung Quốc đã buộc các nhà máy phân bón tại đây phải cắt giảm sản xuất, vì than là nguyên liệu chính cho sản xuất amoniăc tại Trung Quốc. 

Cùng với giá amoniăc tăng, giá lưu huỳnh tăng cao càng khiến cho giá phân lân tăng theo.

Các biện pháp trừng phạt và hạn chế xuất khẩu  

Giá phân bón đã tăng trong bối cảnh cuộc chiến tranh tại Ucraina, phản ánh tác động của các biện pháp trừng phạt kinh tế và những rối loạn trong các tuyến thương mại hàng hải ở Biển Đen. Nga chiếm khoảng 16% xuất khẩu urê toàn cầu và 12% xuất khẩu DAP, MAP toàn cầu, đồng thời Nga và Belarut chiếm tổng cộng 2/5 xuất khẩu MOP toàn cầu. 

Bên cạnh đó, việc Trung Quốc quyết định ngừng xuất khẩu phân bón cho đến tháng 6/2022 để bảo đảm nguồn cung trong nước đã làm tăng thêm các lo ngại về nguồn cung phân bón trên thế giới.

Những rối loạn về nguồn cung

Tuy giá urê và DAP những tuần gần đây đã chững lại nhờ các đợt chào hàng với mức giá thấp hơn ở Ấn Độ trong khi các bên mua chờ đợi những chi tiết cụ thể về chính sách trợ cấp phân bón của chính phủ nước này, nhưng giá phân kali đã không có dấu hiệu giảm. Tình trạng thiếu nguồn cung phân kali và những bất ổn thị trường đã gia tăng sau khi những biện pháp trừng phạt mới được đưa ra đối với Belarut và Nga (bên cạnh các biện pháp trừng phạt đã được áp đặt lên Belarut trong năm 2021). Hơn nữa, Litva đã ngừng sử dụng mạng lưới đường sắt để vận chuyển phân kali của Belarut đến cảng Klaipeda, trong khi mạng lưới giao thông này thường xử lý 90% lượng phân bón xuất khẩu của Belarut.

Nhu cầu cao

Bất chấp những ảnh hưởng của dịch COVID-19, tiêu thụ phân bón toàn cầu vẫn giữ ở mức cao. Tại Braxin và Mỹ, các trang trại nông nghiệp đã dành ra những diện tích cao kỷ lục để gieo trồng đậu nành - một loại cây trồng đòi hỏi sử dụng nhiều phân bón. Nhu cầu phân bón tại Trung Quốc cũng giữ ở mức cao do nhu cầu nông sản làm thức ăn gia súc tăng cao, đặc biệt là bột ngô và đậu nành, trong bối cảnh ngành nông nghiệp ở quốc gia này đang cố gắng tái lập đàn lợn sau đợt bùng phát dịch tả lợn châu Phi. 

Nhìn chung, mặc dù giá nông sản tăng cao nhưng nguồn cung phân bón đang ở mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu 2008. Tình trạng này có thể sẽ hạn chế lượng sử dụng phân bón trên toàn cầu.  

Triển vọng và rủi ro

Ngân hàng thế giới dự báo, giá urê sẽ duy trì ở những mức cao lịch sử trong thời gian dài cho đến khi giá khí thiên nhiên và giá than vẫn cao. Tương tự, giá DAP sẽ tiếp tục giữ ở mức cao cho đến khi giá amoniăc và lưu huỳnh chưa giảm. Ngoài những yếu tố về chi phí đầu vào, các rủi ro tăng giá phân bón còn phụ thuộc vào việc Trung Quốc có khôi phục hoạt động xuất khẩu urê và DAP sau tháng 6 tới hay không. 

đối với phân kali, giá của loại phân bón này trong năm 2023 được dự báo sẽ tiếp tục giữ ở mức cao lịch sử cho đến khi nguồn cung từ Nga và Belarut quay trở lại thị trường quốc tế.

Nguồn: