Nga có thể tạm ngừng xuất khẩu phân bón, một động thái gây nguy cơ chấn động thị trường toàn cầu bởi sẽ khiến nguồn cung phân bón thế giới bị mất đi một phần đáng kể, đẩy giá các chất dinh dưỡng cây trồng lên mức kỷ lục mới, làm trầm trọng thêm lạm phát lương thực trên toàn thế giới.
Ngày 04/03, Bộ Công Thương nước này khuyến nghị tạm ngừng xuất khẩu phân bón cho đến khi các dịch vụ vận chuyển trong và ngoài nước Nga được nối lại bình thường.
Nga là một nhà xuất khẩu chính của mọi loại chất dinh dưỡng cây trồng với giá rẻ. Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, Nga chiếm 18% thị trường kali trong năm 2017. Trong số các loại phân bón khác, Nga cũng chiếm 20% lượng amoniac xuất khẩu và 15% lượng phân urê xuất khẩu của toàn thế giới.
“Mất đi Nga và phần xuất khẩu lớn từ họ sẽ là một cú sốc nghiêm trọng về nguồn cung cho thị trường”, Alexis Maxwell, Chuyên viên phân tích tại Green Markets thuộc Bloomberg, cho biết qua thư điện tử.
Động thái của Nga càng làm gia tăng sự bất ổn trên thị trường toàn cầu, ngay khi các nông dân tại Brazil – đất nước nhập khẩu phân bón nhiều nhất thế giới – đang rơi vào tình trạng thiếu cung phân bón. Đất nước Nam Phi này đang dẫn đầu toàn cầu về xuất khẩu đậu nành, cà phê và đường. Vì vậy việc thiếu hụt nguồn cung phân bón cùng với đà tăng của giá phân có thể càng làm trầm trọng hơn lạm phát thực phẩm.
Chỉ số Giá Phân bón Bắc Mỹ của Green Markets (Green Markets North American Fertilizer Price Index) đã tăng 10% vào thứ Sáu (04/03) lên mức cao nhất kể từ tháng 12/2021. Giá phân urê – loại phân nitơ phổ biến nhất - tại New Orleans đã tăng thêm 5% trong tuần này, sau khi đã tăng kỷ lục 29% trong tuần kết thúc vào ngày 25 tháng 2.
Giá phân bón vốn đã tăng vọt trong năm qua khi giá khí đốt tự nhiên của châu Âu tăng quá mạnh, khiến một số nhà sản xuất phải giảm sản lượng, thậm chí một số trường hợp phải đóng cửa sản xuất. Khí thiên nhiên là thành phần chính trong sản xuất nhóm phân bón có chứa nitơ. Giá cước vận chuyển, thuế quan, thời tiết khắc nghiệt và các lệnh trừng phạt đối với Belarus – nơi chiếm khoảng 1/5 nguồn cung kali toàn cầu – cũng là những yếu tố làm tăng giá cả.
"Việc thay thế khối lượng phân bón của họ sẽ mất gần nửa thập kỷ, và trong một số trường hợp, gần như là không thể, vì Nga sở hữu các mỏ khoáng sản lớn và quan trọng hiếm có ở những nơi khác trên toàn cầu, không một quốc gia nào khác sẵn có phân bón xuất khẩu như nước này. Phân bón của họ được chuyển đến tất cả các lục địa", Maxwell cho hay.
Việc ngừng xuất khẩu từ Nga đẩy giá phân bón tăng hơn nữa sẽ tạo thêm áp lực lạm phát đối với nông dân trên toàn cầu, những người vốn đã phải trả giá cao hơn đáng kể cho tất cả mọi nguyên liệu đầu vào, từ nhiên liệu, hóa chất diệt cỏ đến hạt giống cây trồng và lao động thời vụ, đồng nghĩa với việc làm tăng chi phí lương thực khi giá cả trên toàn cầu đã đạt mức cao kỷ lục.