Nga là một trong những quốc gia sản xuất phân bón hàng đầu thế giới. Trong ngắn hạn, mọi lệnh cấm vận của các nước phương Tây đối với phân bón từ Nga đều có thể dẫn đến phản ứng dây chuyền trong sản xuất lương thực thực phẩm toàn cầu. Về dài hạn, những tác động đó cũng có thể sẽ dẫn đến những xáo trộn kéo dài của chuỗi cung ứng nông nghiệp.
Các loại hàng hóa nguyên liệu và năng lượng đang được sử dụng làm vũ khí trong cuộc chiến tranh của Nga chống Ucraina. Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây đã yêu cầu châu âu - hiện nhập khẩu 40% khí thiên nhiên từ Nga - phải thanh toán các hợp đồng mua khí thiên nhiên từ Nga bằng đồng rúp.
Ngày 8/3/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố lệnh cấm vận đối với dầu mỏ nhập khẩu từ Nga vào Mỹ, trước đó chính phủ Mỹ đã công bố sẽ xuất khoảng 1 triệu thùng dầu/ngày từ kho dự trữ chiến lược trong thời gian 6 tháng tới để bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn cung.
Các ngành chế biến kim loại và uran cũng bị ảnh hưởng trước những phản ứng trên thế giới đối với cuộc chiến tranh của Nga ở Ucraina. Theo các nguồn tin, chính phủ Nga đang xem xét việc cấm xuất khẩu uran, điều này có thể gây khó khăn cho ngành năng lượng hạt nhân của Mỹ hiện đang nhập khẩu uran nhiều nhất từ Nga.
Ngành nông nghiệp có thể là nạn nhân tiếp theo trong cuộc chiến tranh thương mại này. Theo Viện Nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế, Nga hiện chiếm 17% thương mại phân kali toàn cầu. Nga cũng chiếm 15% thương mại phân đạm toàn cầu.
Châu âu và Trung Á nằm trong số những khách hàng chính của Nga. Một số quốc gia châu âu và Trung Á phải dựa vào Nga để đảm bảo 50% nguồn cung phân bón của mình. Các phương án thay thế cho những thị phần nhập khẩu lớn như vậy khó có thể được tìm kiếm một cách dễ dàng.
Vấn đề càng trở nên trầm trọng hơn bởi vị thế chi phối của Nga trên thị trường khí thiên nhiên. Khí thiên nhiên là thành phần quan trọng trong sản xuất phân bón và Nga chiếm 20% thương mại khí thiên nhiên toàn cầu, vì vậy các cố gắng chuyển đổi sang sản xuất phân bón nội địa ở các quốc gia khác thường gặp phải nhiều bất lợi.
Giá phân bón đã tăng mạnh trong năm 2021, một phần do việc Nga tập trung lực lượng quân đội cạnh biên giới Ucraina.
Theo Công ty tư vấn thị trường CRU, giá các nguyên liệu sản xuất phân bón đã tăng 30% từ đầu năm 2022.
Giá phân đạm đã tiếp tục tăng trong năm nay sau khi tăng 253% tại châu âu năm 2021 và hiện đã vượt mức kỷ lục được thiết lập trong thời kỳ bong bóng giá hàng hóa trên thế giới năm 2008.
Tháng 12/2021 chính phủ Nga đã tuyên bố sẽ hạn chế chặt chẽ xuất khẩu phân đạm trong thời gian 6 tháng. Trong bối cảnh ngành nông nghiệp châu âu phụ thuộc vào nguồn cung phân bón từ Nga, lệnh cấm xuất khẩu phân bón của Nga có thể dẫn đến các vấn đề về cung ứng thực phẩm trên toàn cầu.