Giá phân bón trên thế giới giảm nhưng các trở ngại về nguồn cung vẫn kéo dài

09:16 SA @ Thứ Hai - 26 Tháng Sáu, 2023

Trước khi xảy ra chiến tranh Nga-Ucraina, giá lương thực và phân bón trên thế giới đã tăng mạnh do ảnh hưởng kết hợp của đại dịch COVID-19, tác động của biến đổi khí hậu, xung đột vũ trang và các vấn đề của chuỗi cung ứng. Chiến tranh Nga-Ucraina đã tạo ra cú sốc lớn đối với hệ thống cung ứng phân bón toàn cầu, cho thấy hệ thống này dễ bị tổn thương như thế nào. Theo dữ liệu của Tổ chức Lương thực thế giới, trong thời gian từ tháng 5/2020 đến cuối năm 2022, giá phân bón trên thế giới đã tăng 199%. Hậu quả là giá lúa mì đã tăng hơn 40% ở một số khu vực trên thế giới, làm trầm trọng thêm các lo ngại về an ninh lương thực toàn cầu.

Sang năm 2023, mặc dù giá phân bón đã giảm từ những mức đỉnh đầu năm 2022 nhưng vẫn đứng ở mức nền cao của quá trình nhiều năm. Xu hướng giảm giá phân bón thời gian gần đây phản ánh nhu cầu yếu khi người nông dân buộc phải giảm lượng sử dụng vì giá cao và do các vấn đề về nguồn cung.

Trong khi đó, thị trường phân bón đang tiếp tục chịu tác động của các vấn đề như cuộc khủng hoảng sản xuất ở châu âu, các rối loạn về cung ứng do ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt đối với Nga và Belarut, các hạn chế về xuất khẩu phân bón ở Trung Quốc.

Cuộc khủng hoảng trong sản xuất phân bón ở châu Âu

Trong năm 2022, giá khí thiên nhiên tăng mạnh đã dẫn đến tình trạng cắt giảm sản xuất amoniăc trên quy mô rộng tại châu âu. Từ tháng 10/2022, khoảng 70% sản lượng amoniăc của các nhà máy châu âu đã bị cắt giảm, nhiều nhà máy phải ngừng vận hành.

Nhờ sự gia tăng mạnh của lượng nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng và thời tiết mùa đông ấm áp khác thường làm giảm nhu cầu nhiên liệu dùng cho mục đích sưởi, chi phí nguyên liệu đầu vào trong sản xuất phân bón đã giảm trong những tháng gần đây. Tình hình này đã cho phép vận hành trở lại một số nhà máy sản xuất phân đạm bị đóng cửa trước đó ở châu Âu.

Những rối loạn về cung ứng do chiến tranh Nga-Ucraina

Sau khi chiến tranh Nga-Ucraina bùng phát trong tháng 2/2022, một số quốc gia trên thế giới (chủ yếu là Mỹ và châu âu) đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt lên Nga và Belarut - hai quốc gia cung ứng phân bón hàng đầu trên thế giới, chiếm 30% nguồn cung phân lân và phân kali toàn cầu.

Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt thương mại đã được miễn áp dụng đối với ngành sản xuất phân bón để tránh tác động bất lợi đối với an ninh lương thực trên thế giới. Theo Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen tháng 7/2022 do Liên hợp quốc làm trung gian, Nga được phép xuất khẩu phân bón để đổi lấy việc Ucraina có thể nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc ra thế giới. Tuy thỏa thuận này tạo điều kiện cho Nga tiếp tục xuất khẩu phân bón, nhưng việc loại trừ Nga ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT cùng với sự khước từ của các hãng bảo hiểm đối với việc bảo hiểm tàu thuyền trong vùng chiến sự đã cản trở hoạt động xuất khẩu của Nga.  

Hơn nữa, hầu hết các tuyến đường vận chuyển từ Nga và Belarut đi qua EU đều đã bị đóng cửa. Xuất khẩu phân kali từ Belarut giảm hơn 50% do các quy định mới hạn chế việc sử dụng lãnh thổ của EU cho hoạt động vận chuyển trong bối cảnh chiến tranh. Đặc biệt, Litva đã ngừng sử dụng mạng lưới đường sắt của mình để vận chuyển phân kali của Belarut đến cảng Klaipeda, địa điểm trung chuyển cho 90% hàng xuất khẩu của Belarut.

Các hạn chế về xuất khẩu phân bón của Trung Quốc

Tình hình cung ứng phân bón càng trở nên đáng lo ngại hơn khi Trung Quốc gia hạn các hạn chế xuất khẩu nhằm bảo đảm nguồn cung cho ngành nông nghiệp trong nước. Xuất khẩu DAP của Trung Quốc trước đây chiếm 30% thương mại DAP toàn cầu nhưng trong năm 2022 đã giảm gần 50%. Tháng 1/2023, xuất khẩu urê của Trung Quốc cũng giảm 60% so với cùng kỳ năm trước.

Trong bối cảnh những thách thức về nguồn cung phân bón đe dọa an ninh lương thực toàn cầu, vừa qua một số bước đi đã được thực hiện với mục đích giảm sự phụ thuộc của thế giới vào nguồn phân bón từ một số quốc gia cung ứng hiện tại. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố chương trình trị giá 500 triệu USD nhằm gia tăng sản xuất phân bón nội địa, các nước EU cũng dự định sẽ thực hiện những hành động tương tự.  

Tháng 11/2022, Canađa - nước sản xuất phân kali hàng đầu thế giới - đã quyết định tăng 20% lượng xuất khẩu phân bón để giúp lấp lỗ hổng về cung ứng do nguồn cung bị hạn chế từ một số quốc gia.

Nguồn: