Thực tế khảo sát tại các tỉnh phía Nam và phía Bắc cho thấy giá urê trong nước đã tăng nhanh hơn trong 2 tuần đầu tháng Tám (dao động từ 2-20%/tuần) và giá urê Cà Mau ghi nhận mức tăng mạnh nhất.
Với dự báo giá các loại phân bón chủ chốt trên thị trường thế giới vẫn duy trì đà tăng nhưng với mức độ chậm lại nhiều so với tuần cuối tháng Bảy, thậm chí giảm tại một số thị trường, giá phân bón tại Việt Nam, đặc biệt là giá chủng loại dẫn dắt thị trường là đạm urê tiếp tục bám sát xu hướng thế giới.
Giá ure thế giới tăng chậm lại
Theo dự báo của Công ty nghiên cứu thị trường CRU có trụ sở tại London, Vương quốc Anh, giá ure thế giới tháng Tám vẫn giữ đà tăng nhưng mức độ đã chậm lại so với thời điểm cuối tháng Bảy.
Tại một số thị trường, mức giá bắt đầu có xu hướng đảo chiều giảm khi Ấn Độ tiến hành trả giá lại với các nhà cung cấp theo giá thầu thấp nhất trong đấu thầu đóng ngày 9/8 của Công ty sản xuất và kinh doanh phân bón IPL tại Ấn Độ.
Tính đến ngày 10/8, giá urê tại Ai Cập dao động ở mức 450-475 USD/tấn Fob (giá tại cửa khẩu bên nước của người bán); tại Hoa Kỳ ở mức 353-357 USD/st Fob giao tại cảng Nola.
Thực tế hoạt động của các nhà máy sản xuất phân bón trên thế giới tại thời điệm hiện nay cho thấy, nguồn cung urê thế giới tiếp tục suy yếu tại nhiều thị trường do một số nhà máy bảo dưỡng hoặc gặp sự cố.
Sản lượng urê của Ấn Độ có thể giảm khoảng 30% (tương đương 35.000-40.000 tấn) sau khi Chính phủ Ai Cập gửi thư tới các nhà sản xuất nitơ yêu cầu giảm sản lượng do việc cắt giảm nguồn cung khí đốt trong nước.
Tại Nga, một số nhà máy ure đã dừng hoạt động trong tháng Bảy và sẽ ngừng máy trong tháng Tám.
Trong số đó, nhà máy ure hạt đục Mendeleyevsk đã ngừng hoạt động trong tháng Bảy. Nhà máy urê tại Kemerovo sẽ ngừng hoạt động để bảo trì theo kế hoạch khoảng 3 tuần vào tháng Tám.
Tại Nigeria, sản lượng urê ở mức thấp khi Indorama (công suất 1,38 triệu tấn) và Dangote (công suất 1,3 triệu tấn) chỉ vận hành 1 phân xưởng sản xuất trong nhà máy. Dự kiến sản lượng urê của Nigeria từ 2 nhà máy giảm khoảng 250.000 tấn/tháng.
Tại Trung Quốc, giá urê tăng do Trung Quốc xuất khẩu một lượng lớn cho đợt thầu của IPL, Ấn Độ. Gần như tất cả các nhà cung cấp đều nhận được chỉ thị tại các cảng về việc thắt chặt nguồn cung tại thị trường nội địa.
Theo dự báo, nhu cầu phân urê tại Trung Quốc dự kiến sẽ cạnh tranh với nhu cầu xuất khẩu ure khi mùa lúa mì bắt đầu vào tháng Chín hoặc đầu tháng 10.
Trong khi đó, hiện nguồn cung urê tại Trung Quốc giảm trong bối cảnh các đợt bảo dưỡng ngoài dự kiến tăng lên. Giá urê hạt trong tại Trung Quốc hai tuần đầu tháng Tám đã tăng 6% (tăng 20 USD/tấn) so với cuối tháng Bảy và tăng 18% (58 USD/tấn) so với trung bình tháng Bảy.
Tại khu vực ASEAN, nhà máy Bintulu (Malaysia) có công suất 700.000 tấn/năm của Petronas đã ngừng hoạt động vào ngày 12/7 để bảo dưỡng theo kế hoạch và dự kiến kéo dài 35-40 ngày.
Giá urê hạt đục tại Đông Nam Á cũng tăng kể từ 6/7 và đến ngày 3/8 giá ở mức trung bình 417,5 USD/tấn Fob.
Tuy nhiên, Fertecon cho rằng triển vọng thị trường phân urê sẽ giảm trong những tuần còn lại của tháng Tám do Ấn Độ không có đợt thầu nào trong 30 ngày tới.
Nhu cầu từ châu Âu, Mỹ Latinh vẫn thấp mặc dù nhu cầu có thể tăng lên vào tháng 9/2023.
Tương tự như vậy, dự báo của Công ty nghiên cứu thị trường Argus cũng cho thấy, thị trường ure đang có xu hướng dư thừa do nguồn cung từ Đông Nam Á phục hồi trở lại mức bình thường và xuất khẩu từ Trung Quốc gia tăng.
Nhu cầu phân urê tại thời điểm này không có gì đặc biệt nên cả thương nhân và nhà nhập khẩu đều có quan điểm giảm giá bán phân bón.
Giá phân bón trong nước tăng nhẹ
Thực tế khảo sát tại các các tỉnh phía Nam và phía Bắc cho thấy giá urê trong nước đã tăng nhanh hơn trong 2 tuần đầu tháng Tám (dao động từ 2-20%/tuần) và giá urê Cà Mau ghi nhận mức tăng mạnh nhất.
Sự gia tăng nhanh hơn trong các tuần cuối tháng Bảy, đầu tháng Tám là do giá thế giới tăng nhanh, Ấn Độ mở thầu mua urê và nhà sản xuất urê hạt đục tập trung trả hàng xuất khẩu lô trên 43.000 tấn.
Tuy nhiên, trong tháng Tám này, tổng cung và tổng cầu đều giảm so với tháng Bảy, trong đó tổng cung sụt giảm do sản xuất và nhập khẩu giảm; trong khi tổng cầu giảm do tiêu thụ cho cây trồng và nhu cầu mua hàng của nhà máy NPK/công nghiệp sụt giảm.
Cụ thể, nhập khẩu urê trong tháng Tám dự kiến hạn chế do giá ure Đông Nam Á và Trung Quốc ở mức cao.
Với hàng nhập từ Đông Nam Á đầu tháng Tám, Petronas (Malaysia) vẫn đứng ngoài thị trường giao ngay nên không có chào giá về Việt Nam.
Đối với urê Brunei, đầu tháng Tám đã có các chào giá về Việt Nam với mức giá cao từ 420-440 USD/tấn CFR (Giá CFR bằng giá Fob + cước phí vận chuyển) cao. Vì vậy, nếu giao về Việt Nam, giá vốn khoảng 10.600-10.700 đ/kg (hàng bao), do đó nhập khẩu urê từ Đông Nam Á về Việt Nam trong tháng 8 dự kiến hạn chế.
Đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, khả năng cung cấp hàng hóa xuất khẩu của nước này không chắc chắn, trong khi các thương nhân cũng đang tập trung vào phiên đấu thầu đóng ngày 9/8 của Ấn Độ nên đầu tháng Tám gần như không ghi nhận chào giá hàng tàu về Việt Nam.
Tại cửa khẩu Lào Cai, đầu tháng Tám mặc dù có thương nhân chào giá về biên mậu ở mức 2.800 NDT/tấn (khoảng 9.800 đ/kg) nhưng mức giá này cao hơn giá urê Hà Bắc và urê Ninh Bình khoảng 1.000 đồng/kg nên không có giao dịch xác nhận.
Theo dự kiến, giao dịch biên mậu sẽ trầm lắng, lượng nhập khẩu ure Trung Quốc trong tháng Tám hạn chế. Theo tính toán, lượng phân urê nhập khẩu trong tháng Tám dự kiến ở mức 10.000 tấn, giảm nhẹ so với mức 15.000 tấn trong tháng Bảy.
Về sản xuất phân bón trong nước, trong tháng Tám này, nhà máy đạm Cà Mau tiến hành bảo dưỡng từ ngày 15/8. Vì vậy, sản xuất phân urê nội địa trong tháng Tám dự báo ở mức 165.000 tấn so với mức 205.000 tấn trong tháng Bảy.
Ngoài ra đầu tháng Tám, nhà máy Đạm Hà Bắc gặp sự cố 1 dây chuyền sản xuất, tuy nhiên không ảnh hưởng nhiều đến sản lượng sản xuất của nhà máy.
Về xuất khẩu urê của Việt Nam trong tháng Tám dự kiến tăng nhẹ lên mức 70.000 tấn. Đầu tháng Tám, Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc đã ký lô hàng xuất khẩu 25-26.000 tấn, với giá khoảng 385-390 USD/tấn Fob, cao hơn 67-72 USD/tấn so với lô hàng 43.550 tấn urê Cà Mau xuất khẩu trong tháng Bảy. Ngoài ra, các nhà máy ure cũng ký các đơn hàng container với giá trên 400 USD/tấn Fob.
Theo nhận định của nhiều doanh nghiệp phân bón, phiên đấu thầu của Ấn Độ dự kiến tìm mua khoảng 1,5 triệu tấn urê, giao hàng trước 26/9. Do đó, kỳ vọng các thương nhân quốc tế sẽ tìm nguồn cung hàng từ Việt Nam để dự thầu, trong bối cảnh giá thế giới vẫn duy trì ở mức cao trong khi nhu cầu tiêu thụ nội địa thấp điểm trong giai đoạn tháng 8-9.
Với công suất của 4 nhà máy sản xuất urê chủ chốt là đạm Ninh Bình, đạm Hà Bắc, đạm Phú Mỹ và đạm Cà Mau, tồn kho phân urê tháng Tám tiếp tục giảm xuống mức 371.000 tấn, giảm 10.000 tấn so với tồn kho cuối tháng Bảy.
Từ đầu tháng Tám đến nay, các nhà máy sản xuất urê đã lần lượt điều chỉnh giá lệnh tăng 650-800 đồng/kg so với cuối tháng Bảy nên giá giao dịch trên thị trường cũng tăng theo.
Tại Sài Gòn và Long An, giá urê vẫn duy trì ở mức 11.800-11.900 đồng/kg. Tại kho trung chuyển Tây Nam Bộ, giá lệnh ở mức 12.000-12.100 đồng/kg. Tại các đại lý cấp 1 ở Tây Nam Bộ, giá bán ở mức 12.500-12.800 đồng/kg. Giá ure Phú Mỹ dao động từ 10.300-11.300 đồng/kg tùy từng khu vưc. Giá urê Cà Mau dao động từ mức 10.000-12.800 đồng/kg tuỳ từng khu vực. Giá ure Ninh Bình dao động từ mức 9.500-10.500 đồng/kg tùy từng khu vực. Giá urê Hà Bắc dao động từ mức 9.650-11.200 đồng/kg tùy từng khu vực.
Như vậy, so với giá ure hai tuần trước đây, giá ure trong nước tại thời điểm hiện nay đã nhích nhẹ dù nhu cầu mùa vụ chưa cao.
Trong tháng Tám, nhu cầu tiêu thụ tại Đồng bằng Sông Cửu Long dự kiến ở mức thấp, do diện tích xuống giống lúa vụ 3 không nhiều và thời gian xuống giống không tập trung.
Ngoài ra, thời tiết tại Đồng bằng Sông Cửu Long mưa liên tục nên nhiều diện tích mới sạ lúa đã bị thiệt hại, một số diện tích lúa Hè Thu thu hoạch trễ do ảnh hưởng của thời tiết xấu nên cũng có khả năng bỏ vụ.
Tại miền Bắc, nhu cầu tiêu thụ cho lúa Hè Thu trong tháng Tám cũng giảm dần về cuối tháng do nhiều diện tích đã chăm bón xong 2 đợt chính trong tháng Bảy, chỉ còn chăm bón đợt 3 trong tháng Tám, trong khi nhu cầu đợt 3 không nhiều.
Tại Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, nhu cầu không cao trong mùa mưa, trong khi nhu cầu tại miền Trung hạn chế. Theo đó, dự kiến lượng ure tiêu thụ giảm xuống mức 90.000 tấn.
Về nhu cầu urê làm nguyên liệu sản xuất (sản xuất NPK, công nghiệp gỗ/ván ép...) trong tháng Tám dự kiến giảm xuống mức 25.000 tấn.
Trong tháng Tám, dự kiến các nhà máy NPK duy trì công suất sản xuất thấp hoặc bảo dưỡng trong 1 tháng (nhà máy NPK Cà Mau, NPK Việt Nhật)./.