Theo nguồn tin Bloomberg, giá cao su thiên nhiên – đã tăng nổi trội so với các hàng hoá khác từ đầu năm tới nay – có thể sẽ tiếp tục tăng bởi mưa làm giảm cung ở những nước sản xuất hàng đầu thế giới, cộng với sản lượng bước vào mùa giảm sút, trong khi tiêu thụ ô tô tăng đẩy nhu cầu cao su sản xuất lốp xe tăng mạnh.
Tetsu Emori, nhà quản lý quỹ hàng hoá thuộc công ty Astmax Co. ở Tokyo dự báo cao su sẽ “tăng tới khi giá quá cao khiến nhu cầu tiêu thụ giảm xuống”. Hồi tháng 9, Emori đã từng dự báo chính xác việc giá tăng lên mức cao kỷ lục.
Lần này, ông cho rằng “Rất khó để dự báo về mức giá cụ thể, nhưng có thể sẽ là 600 Yên”.
Ngày 13/12/2010, giá cao su kỳ hạn tại Tokyo đã tăng lên mức kỷ lục cao chưa từng có, 454,4 yen/kg (5.480 USD/tấn) trên Sở giao dịch hàng hoá Tokyo, sau khi đã tăng 50% trong năm vừa qua.
Giá cao su tăng làm tăng chi phí sản xuất của các hãng sản xuất lốp xe như Brigestone Corp, và góp phần cùng với các hàng hoá khác bao gồm ngũ cốc, kim loại và dầu thô tăng mạnh.
Giá có thể tăng lên mức 500 Yên trong nửa đầu năm nay, theo theo dự báo trung bình của 4 nhà phân tích và quỹ quản lý hàng hóa được Bloomberg phỏng vấn.
Hisaaki Tasaka, nhà phân tích của công ty môi giới ACE Koeki Co. dự báo “đà tăng giá sẽ chưa kết thúc cho đến khi xuất khẩu từ Thái Lan tăng lên”. Hồi tháng 9, ông này cũng dự báo giá sẽ tăng lên. Lần này, ông dự báo cụ thể rằng: “Giá có thể lên tới 500 Yên/kg vào tháng 6 bởi nguồn cung giảm xuống thấp hơn nhiều so với nhu cầu”.
Sáng 14/1, giá cao su kỳ hạn tại Tokyo ở mức 447,4 yen/kg. Tính từ đầu năm tới nay, giá đã tăng 9,6%, là mặt hàng có giá tăng mạnh nhất trong chỉ số S&P GSCI Commodity Index. Giá giao ngay ở Thái Lan, nước cung cấp lớn nhất thế giới, đã lên tới mức cao kỷ lục, 164,8 baht (5,41 USD)/kg.
Thiếu cung trên toàn cầu
Thị trường cao su thiên nhiên năm 2011 sẽ thiếu cung năm thứ 2 lien tiếp, đó là dự báo của Niels Fehre, nhà phân tích của hãng HSBC Trinkaus & Burkhardt AG – người không tham gia vào cuộc điều tra của Bloomberg.
HSBC dự báo nhu cầu cao su toàn cầu năm 2011 sẽ đạt 10,7 triệu tấn, có thể vượt 513.000 tấn so với nguồn cung trong năm nay, sau khi thiếu 417.000 tấn trong năm 2010.
Sureerat Kunthongjun, nhà phân tích của hãng AGROW Enterprise Ltd. cho biết: “Mặc dù giá tăng, nhu cầu vẫn mạnh bởi khách hàng tăng cường mua trước giai đoạn sản lượng thấp và kỳ nghỉ Tết ở Châu Á”. Trung Quốc sẽ nghỉ tết 2 tuần, bắt đầu từ ngày 2/2/2011.
Mưa lớn do ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết La Nina đã xảy ra ở nhiều nước khắp Châu Á, từ Australia tới các quốc gia Đông Nam Á, ảnh hưởng tới các khu vực sản xuất cao su chính ở khu vực này. Trong mùa đông (sẽ bắt đầu từ tháng 2 và kéo dài tới tháng 5), sản lượng cao su Thái Lan thường giảm 60% so với giai độan cao điểm, theo Hiệp hội Các nước Sản xuất Cao su Thiên nhiên.
Wanwilai Choilek, nhà quản lý công ty Hadyai, chi nhánh của hãng môi giới hàng hoá Thái Lan DS Futures Ltd. “tiêu thụ ô tô tăng khiến các nhà kinh doanh lạc quan rằng nhu cầu lốp xe sẽ còn tiếp tục cao, vượt nguồn cung.
Bán ô tô khách ở Trung Quốc đã tăng 33% trong năm 2010, theo Hiệp hội Sản xuất Ô tô Trung Quốc. Nguồn tin Financial Times dẫn báo cáo của Chủ tịch công ty Beijing Automotive Industry Holding Co., Wang Dazong, thị trường ô tô nước này sẽ tăng gần gấp 3 lên 40 triệu chiếc. Và đến năm 2010, một nửa dân số thế giới sẽ sinh sống ở Châu Á.
Bridgestone Europe, một chi nhánh của hãng sản xuất lốp xe lớn nhất thế giới, đã tăng giá thêm trung bình 6%, do chi phí nguyên liệu tăng cao, chủ tịch của Bridgestone Europe, Makio Ohashicho biết.