Giá cao su trên thị trường thế giới tăng mạnh trong những ngày gần đây nhờ sự hỗ trợ của các thông tin kinh tế tích cực phát đi từ Trung Quốc, Mỹ và châu Âu. Nhu cầu tuy nhiên chưa thực sự khởi sắc.
Cao su STR 20 của Thái Lan, giao trong tháng 3 và tháng 4, hiện ở quanh mức 3,8 USD/kg, CIF. Cao su loại RSS3 được chào giá phổ biến ở 4,05 USD/kg. Các mức này cao hơn 0,6 - 0,8 USD/kg so với thời điểm đầu năm.
Trên thị trường Tokyo, giá cao su giao sau 6 tháng – kỳ hạn được giao dịch nhiều nhất – đã tăng liên tục những ngày qua, hiện lên tới 338 Yên/kg – cao nhất kể từ tháng 9 năm ngoái. Tâm lý nhà đầu tư lạc quan hơn sau khi Hy Lạp đạt được thỏa thuận về gói cứu trợ thứ 2 và Trung Quốc nới lỏng tiền tệ bằng cách giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc với các ngân hàng, làm tăng kỳ vọng về nhu cầu cao su. Giá dầu Brent vượt 120 USD/thùng và dầu WTI vượt 106 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 5 năm ngoái cũng có lợi cho cao su thiên nhiên vì sẽ làm giảm nhu cầu cao su tổng hợp.
Theo nguồn tin Reuters, các khách hàng Trung Quốc đang tính chuyện mua vào bởi lo ngại giá trên thị trường kỳ hạn Tokyo (nơi được lấy làm giá chuẩn cho thị trường thế giới) sẽ tăng hơn nữa, kéo theo giá giao tiền mặt ở thị trường Đông Nam Á trở nên đắt đỏ hơn. Tuy nhiên, các hợp đồng trao tay mấy ngày qua không lớn, vì người bán muốn giá cao hơn nữa.
Ở trong nước, giá cao su cũng tăng liên tục theo thế giới. Hiện cao su SVR CV xuất khẩu ở mức 3.995 USD/tấn trong khi loại SVR L là 3.820 USD/tấn, tăng mạnh so với mức 3.400 – 3.500 USD/tấn thời điểm cuối tháng 1. Cao su SVR 3L giao dịch trên sàn Sacom-Ste ở quanh mức 76,5 – 77 triệu đồng/tấn, tăng xấp xỉ 10 triệu đồng/tấn so với cách đây 1 tháng.
Ở khu vực cửa khẩu Móng Cái, theo tin từ Bộ Công Thương, giao dịch cao su của nước ta tiếp tục tiến triển chậm và thất thường, có ngày chỉ đạt vài chục tấn nhưng có ngày lên tới 500 tấn. Giá cao su tại đây cũng chưa ổn định, với mức giá cao nhất và thấp nhất trong tuần lên tới 2.000 NDT/tấn. Hôm nay, giá SVR 3L đạt 23.800 NDT/tấn (đã có thuế), tăng 1.500 NDT so với cuối tuần trước và là mức cao nhất kể từ tháng 12 năm ngoái.
Có thực tế là, một số đơn vị xuất khẩu, vì thiếu các thông tin cập nhật hàng ngày, mà vội đưa hàng ra tiêu thụ, khiến cho nguồn cung có lúc không điều tiết được nên bị thiệt hại nhiều tỷ đồng do bị ép giá.
Nhưng cũng có không ít doanh nghiệp nắm rõ được quy luật cung cầu, đã nhanh chóng thay đổi hình thức giao dịch, chẳng hạn như chuyển luồng sang cửa khẩu Lao Cai để xuất hàng vào khu vực miền Tây và Tây Nam Trung Quốc. Sản lượng giao dịch hàng ngày cũng đạt 500 – 700 tấn, với giá trên dưới 23.000 NDT/tấn.
Những khó khăn của hoạt động xuất khẩu cao su qua đường tiểu ngạch nói trên không chỉ bây giờ mới xuất hiện, mà đã tồn tại từ những tháng cuối năm ngoái, vì phía Trung Quốc muốn chuyển hoạt động kinh doanh sang chính ngạch, giữa lúc nhu cầu yếu vì tác động của kinh tế toàn cầu.
Trên cơ sở phân tích các yếu tố kinh tế vĩ mô và cung cầu, Hiệp hội Cao su Việt Nam hồi đầu năm dự báo kim ngạch xuất khẩu cao su năm nay chỉ đạt 2,2 tỷ USD, với lượng 880 nghìn tấn, tăng 8% về lượng nhưng giảm 35% về giá trị so với năm 2011.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cao su của nước ta trong tháng 1/2012 đạt 69.822 tấn, trị giá 191,7 triệu USD, giảm 6,1% về lượng và 41,2% về giá so với cùng kỳ năm trước. Đơn giá bình quân tháng 1 chỉ khoảng 2.746 USD/tấn, giảm 37,6%. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, với sản lượng khoảng 43.400 tấn, trị giá 109,3 triệu USD, chiếm thị phần 62%.