Giá phân bón sẽ còn tiếp tục tăng

11:04 SA @ Thứ Ba - 02 Tháng Mười Một, 2010

Trao đổi với NNVN tối qua (1/11), Phó Chủ tịch kiêm TTK HH Phân bón Việt Nam, ông Nguyễn Hạc Thúy khẳng định như vậy, bởi lẽ, giá thế giới đang tăng và diễn biến hết sức phức tạp.

Ông có thể đánh giá chung về tình hình cung cầu phân bón trong nước và thế giới ở thời điểm hiện tại?

Tôi khẳng định ngay là trong nước không thiếu phân bón. Trên thị trường thế giới, giá phân bón đang tăng rất cao. Nguyên nhân là do Trung Quốc tăng thuế XK các mặt hàng này từ 10% đến 110%. Ngoài ra, Nga vừa trải qua đợt hạn hán, nên nhu cầu phân bón chuẩn bị cho vụ tới đối với nông nghiệp là rất lớn. Một nguyên nhân nữa là biến động của tỷ giá ngoại tệ, đặc biệt là diễn biến của đồng NDT và USD là khó lường.

Thêm nữa, công nghiệp sản xuất Niken trên thế giới đã và đang mở rộng nên tiêu thụ một lượng lớn nguyên liệu phân bón. Đây chính là những nguyên nhân, theo tôi đánh giá, ảnh hưởng đến giá phân bón trong nước.

Như vậy, giá phân bón trong nước đang “thuận” với giá thế giới, khi tăng đến 35-40%, thưa ông?

Đúng là như thế, vì chúng ta phải NK phần lớn phân bón. Riêng ure Việt Nam phải nhập 50%, DAP nhập đến 70-80%, còn kali thì nhập 100%. Theo khảo sát của HH Phân bón, giá ure trong nước cách đây không lâu chỉ trong khoảng 6.200 – 6.300 đồng/kg, nay đã tăng lên đến 7.900 đồng/kg, DAP tăng từ 10.000 đồng/kg lên 13.500 đồng/kg.

Tuy nhiên, giá phân bón trong nước hiện vẫn rẻ hơn giá thế giới bởi phần lớn các DN đã “đón” được “bão” giá phân bón trên thị trường quốc tế nên có phương án dự trữ mặt hàng này. Ngoài ra, các nhà máy đạm như Phú Mỹ, Hà Bắc… cũng cơ bản đáp ứng được1/2 nhu cầu trong nước nên chúng ta đã phần nào chủ động.

Nói thế có nghĩa là giá phân bón tăng như 2 tháng trở lại đây là không có yếu tố đầu cơ găm hàng chờ giá lên, thưa ông?

Tôi khẳng định là không có, vì đơn giản là là chúng ta đang thấp hơn giá thế giới.

Ông có thể nhận định tình hình diễn biến của giá cả mặt hàng này trong thời gian tới?

Đầu tháng 5/2011 là bắt đầu vào vụ sản xuất của một số nền nông nghiệp lớn trên thế giới như Nga, Mỹ, Trung Quốc, và họ có thể sẽ thu mua ngay từ tháng 1 hoặc tháng 2/2011. Lúc đó, giá sẽ còn tiếp tục tăng. Tất nhiên là không thể bằng năm tăng lịch sử 2008, khi mà phân bón nói chung tăng đến 60%, cao nhất trong vòng 30 năm trở lại đây.

Trước tình hình giá cả phân bón như vậy, HH có đề xuất gì với Chính phủ, thưa ông?

Trong cuộc họp chiều qua (1/11) do Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ NN-PTNT, Bộ Tài chính, KH-ĐT, Ngân hàng Nhà nước, bàn về các biện pháp bình ổn giá phân bón, chúng tôi đã đề xuất 4 giải pháp: Đề nghị Chính phủ yêu cầu các DN sản xuất phân bón phát huy hết công suất, đảm bảo lượng phân bón đủ đáp ứng nhu cầu trong nước. Tạm dừng XK các mặt hàng phân bón đến hết 31/12/2010, trừ supe lân, NPK và phân bón hữu cơ.

Từ nay đến thời gian trên, cần phải NK khoảng 500 nghìn tấn phân bón mới đủ đáp ứng nhu cầu trong nước, do đó các DN cần được ưu tiên nguồn ngoại tệ và tỷ giá phù hợp. Ngoài ra, cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, buôn bán phân bón giả.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: