Giá phân bón tại các địa phương vẫn đang ở mức cao. Do ảnh hưởng từ giá phân bón trên thị trường thế giới vẫn đang ở mức khá cao; nhập khẩu từ Trung Quốc (quốc gia chiếm khoảng 50% lượng nhập khẩu phân bón của Việt Nam) gặp khó khăn do Trung Quốc đang thực hiện mùa thuế xuất khẩu phân bón cao (110%).
Ngoài ra, áp lực của tỷ giá, xăng dầu tăng đã khiến chi phí mua vào và vận chuyển đẩy giá lên cao hơn. Trong khi đó, nhu cầu phân bón tại thị trường trong nước đang khá cao. Đó là nhu cầu phân bón cho vụ Đông Xuân đang diễn ra tại các tỉnh phía Bắc và chuẩn bị dự trữ cho vụ Hè Thu tại các tỉnh phía Nam. Đây chính là những nguyên nhân cơ bản đẩy giá phân bón nội địa tiếp tục tăng vào những ngày đầu tháng 3/2011.
Giá ure tăng tại nhiều địa phương
Tại thị trường miền Bắc và miền Trung, nhu cầu phân bón khá mạnh và có thể kéo dài tới hết tháng 3/2011 do đang vào chính vụ Đông Xuân, do đó giá phân bón trong tuần này đã tiếp đà tăng của tuần trước.
Tại thị trường Hà Nội, giá ure tuần này tăng nhẹ, tăng thêm 100 đồng/kg, lên mức 8.600 đồng/kg. Tại Đà Nẵng, giá ure đã tăng thêm 200 đồng/kg (tương đương tăng 2,5%) so với giá tuần trước, đạt 8.200 đồng/kg.
Tại các thị trường miền Nam, nhiều địa phương đã bắt đầu thu hoạch lúa Đông Xuân. Do giá lúa khá cao và ổn định, nên nông dân đã tích cực chăm sóc và thu hoạch, đồng thời nhu cầu mở rộng diện tích và xuống giống sớm vụ Hè Thu khiến lượng cầu phân bón tại các tỉnh miền Nam tăng, đẩy giá phân bón tiếp tục tăng cao.
Tại khu vực ĐBSCL, giá phân ure tuần này tăng trung bình từ 300-500 đồng/kg so với tuần trước. Hiện giá ure tại thị trường An Giang và Bạc Liêu đang ở mức khá cao, lần lượt đạt 9.600 đồng/kg và 9.200 đồng/kg. Tại thị trường Cần Thơ, giá ure tuần này ghi nhận tại mức 8.500 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg so với giá tuần trước.
Tương tự, tại các địa phương thuộc Đông Nam Bộ, giá ure tuần này cũng đã tăng khá mạnh. Tại Đồng Nai, giá ure đã tăng 400 đồng/kg (tương đương tăng 4,9%) so với giá trung bình tuần trước, lên mức 8.600 đồng/kg. Trong khi đó, giá ure tại TPHCM chững lại tại mức giá 8.600 đồng/kg ở tuần trước.
Giá DAP tiếp tục tăng trong tuần này
Diễn biến tương tự như giá ure, tuần này giá DAP đã tiếp đà tăng trong tuần trước tại hầu hết các địa phương.
Giá DAP tại thị trường Miền Bắc tuần này tăng thêm 100 đồng/kg (tương đương tăng 0,65%) so với giá tuần trước, lên mức 15.600 đồng/kg. Tương tự, tại thị trường miền Trung, giá DAP tuần này cũng đã tăng thêm 200 đồng/kg, đạt 15.200 đồng/kg.
Tại các tỉnh ĐBSCL giá phân DAP tuần này cũng với mức tăng tương đương, phổ biến tăng từ 200-300 đồng/kg so với tuần trước. Hiện giá DAP tại thị trường Cần Thơ và An Giang đạt lần lượt 15.500 đồng/kg và 14.800 đồng/kg. Đặc biệt, tại thị trường Bạc Liêu, giá phân DAP tuần này tăng khá mạnh, đã tăng 1.400 đồng/kg (tương đương tăng 9,5%) so với giá tuần trước, lên mức khá cao 16.200 đồng/kg.
Các địa phương thuộc Đông Nam Bộ cũng không nằm ngoài xu hướng tăng giá trong tuần này. Tại thị trường Đồng Nai và TPHCM, giá DAP tuần này đã tăng lần lượt 200 đồng/kg; 100 đồng/kg, lên các mức giá 14.700 đồng/kg và 15.600 đồng/kg.
Giá phân lân tuần này tại các thị trường đều tăng nhẹ, trung bình tăng khoảng 100 đồng/kg so với tuần trước.
Tại thị trường miền Bắc và miền Trung, giá phân lân hiện đang ở mức 2.400 đồng/kg. Trong khi đó, tại các tỉnh miền Nam, giá phân lân phổ biến ở mức giá từ 2.200 đồng/kg – 2.500 đồng/kg.
Theo thông từ các đại lý cấp I thuộc mạng lưới thông tin thị trường của Agromonitor, giá phân bón tại thị trường Trà Vinh tuần này tăng khá mạnh tại hầu hết các chủng loại. Cụ thể:
Ure Trung Quốc và Ure Phú Mỹ đã đều tăng thêm 45.000 đồng/bao, lên lần lượt các mức giá 495.000 đ/bao và 500.000 đ/bao. Giá phân DAP tăng khá mạnh, tăng 60.000 đồng/kg, đạt 810.000 đồng/kg. NPK tăng nhẹ hơn, tăng 20.000 đồng/kg, ghi nhận tại mức 615.000 đồng/kg.
Theo thông tin từ báo chí, giá phân ure Trung Quốc nhập qua cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn) ngày 23/2/2011 đạt 280 USD/tấn, tăng 15 USD/tấn so với cách đó một tuần. Giá phân DAP nhập khẩu tại Bát Xát (Lào Cai) đạt 3.400 NDT/tấn, tăng 150 NDT/tấn so với tuần trước đó.