Báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2022 mới công bố cho thấy nhiều công ty hóa chất lớn trên thế giới đã khởi đầu năm 2022 thuận lợi với những kết quả khá tốt, doanh thu và lợi nhuận tăng cao. Tuy nhiên, một số trở ngại lớn cho những quý tiếp theo đã xuất hiện, đó là tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại do chính sách chống dịch chặt chẽ, lạm phát trên toàn cầu tăng cao và càng trở nên trầm trọng hơn sau khi chiến tranh Nga-Ucraina bùng phát.
Kết quả hoạt động khả quan đầu năm 2022
Tại BASF, tập đoàn hóa chất lớn nhất thế giới, doanh thu quý I/2022 đã tăng 19% so với năm trước, trong khi đó lợi nhuận tăng mạnh 35%. Giá sản phẩm cao hơn, chủ yếu trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu, đã giúp BASF đạt những kết quả cao như vậy.
Trong các công ty hóa chất Mỹ, Công ty Celanese với trụ sở tại Texas đã đạt lợi nhuận cao kỷ lục, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước. Các sản phẩm hóa chất axetyl đã trở thành lĩnh vực mang lại lợi nhuận rất lớn cho Công ty.
Tập đoàn Dow Chemical tuy đạt kết quả nhìn chung tốt hơn năm trước, nhưng biên lợi nhuận của một trong những lĩnh vực cốt lõi là sản phẩm bao bì chất dẻo đã giảm nhẹ vì giá nguyên liệu tăng mạnh. Tương tự, doanh thu của các công ty Eastman Chemical và DuPont tăng nhưng lợi nhuận giảm nhẹ.
Nhu cầu thị trường cao đã giúp doanh thu quý I của Công ty Lanxess tăng 44%, trong khi đó lợi nhuận tăng 32%.
Tại Nhật Bản, các công ty hóa chất lớn đã tăng doanh thu và lợi nhuận khá tốt trong năm tài chính 2021/2022, kết thúc vào tháng 3/2022. Công nghiệp hóa chất Nhật Bản đang hồi phục dần từ các tác động của dịch COVID-19. Ba công ty hóa chất JSR, Mitsubishi Chemical và Teijin đã chuyển từ lỗ sang lãi trong năm tài chính vừa qua.
Lợi nhuận của Công ty Asahi Kasei tăng hơn gấp đôi, trong khi đó doanh thu tăng 17%. Động lực chính cho kết quả này chủ yếu là do bộ phận kinh doanh vật liệu cốt lõi của Công ty đã được hưởng lợi do doanh thu chất dẻo kỹ thuật tăng mạnh nhờ ngành sản xuất xe ôtô hồi phục.
Lợi nhuận của Công ty Sumitomo Chemical cũng tăng đột biến 252% khi doanh thu tăng 21%. Đây là kết quả dựa trên nhiều yếu tố: nhu cầu cao và giá bán tăng trong các lĩnh vực sản phẩm sợi, nhựa và hóa chất công nghiệp của Công ty.
Sự hồi phục của ngành sản xuất vật liệu xe ôtô và máy bay tại Nhật Bản đã giúp Công ty Teijin chuyển từ lỗ sang lãi với doanh thu tăng 11%.
Công ty Mitsubishi, nhà sản xuất hóa chất lớn nhất Nhật Bản, đã đạt doanh thu tăng 22% sau khi thoát khỏi những tác động của dịch COVID-19.
Những thách thức trước mắt
Thách thức lớn đối với các công ty hóa chất hiện nay, đặc biệt là các công ty đang hoạt động tại châu Âu, là chi phí ngày càng tăng. Chiến tranh Nga-Ucraina đã khiến cho giá năng lượng và nhiều nguyên liệu ở châu âu tăng mạnh khác thường, đồng thời tạo ra những bất ổn lớn về nguồn cung nguyên nhiên liệu trong tương lai. Năm 2021, chi phí cho các hoạt động của Tập đoàn BASF tại châu âu đã tăng thêm hơn 900 triệu USD. Trong bối cảnh mới, nhu cầu giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga là nguyên nhân chính khiến cho Tập đoàn Dow Chemical quyết định xây dựng cảng nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng tại thành phố Stade, Đức.
Theo giám đốc Công ty Easstmann, lạm phát trong quý II/2022 sẽ tiếp tục tăng cao. Tháng 4/2022, Eastmann đã phải tăng giá sản phẩm để bù đắp chi phí cao hơn đối với năng lượng và nguyên liệu. Những khách hàng lớn của Công ty sẽ buộc phải chuyển tiếp những chi phí cao hơn này đến những người tiêu dùng cuối dòng.
Các công ty hóa chất trên thế giới hiện cũng đang lo ngại về những đợt phong tỏa chặt chẽ chống dịch theo chính sách zero-COVID tại Trung Quốc, chủ yếu là những tác động đối với Thượng Hải - thành phố cảng lớn đang đóng vai trò quan trọng trong thương mại quốc tế. Các nhà sản xuất hóa dầu tại Trung Quốc đã phải cắt giảm sản xuất, trong đó có nhiều nhà máy thuộc các liên doanh với các công ty hóa chất lớn của phương Tây.
Giám đốc Công ty hóa chất Solvay (Bỉ) cho biết, một nhà máy của Công ty tại Trung Quốc chỉ vận hành với 50% công suất do thiếu công nhân, cảng Thượng Hải tuy vẫn hoạt động nhưng trong tình trạng thường xuyên bị tắc nghẽn. Công ty Celanese hiện vẫn có thể vận hành một số cơ sở sản xuất ở Nam Kinh (Trung Quốc), nhưng việc vận chuyển nguyên vật liệu rất khó khăn và ít có triển vọng cải thiện trong thời gian tới. Theo giám đốc Công ty, hoạt động hậu cần đường biển đang ngày càng trở thành thách thức lớn do thiếu côngtenơ và tàu thuyền vận tải, đồng thời tình trạng tắc nghẽn ở các cảng tại Trung Quốc và Mỹ có khả năng sẽ càng trở nên xấu hơn.
Mặc dù đạt kết quả tốt trong năm tài chính vừa qua, các công ty hóa chất Nhật Bản cũng cảnh báo về những trở ngại sẽ cản trở sự phát triển trong thời gian tới, đó là giá năng lượng, nguyên liệu tăng cao và đồng yên Nhật suy yếu.
Trong báo cáo năm tài chính 2021/2022, Công ty Teijin cho biết hoạt động của chuỗi cung ứng ở các ngành công nghiệp khác nhau tại Nhật Bản vẫn rất yếu ớt, trong khi đó những yếu tố như tình trạng thiếu chất bán dẫn, giá năng lượng và nguyên nhiên liệu cao, chi phí hậu cần tăng đã có nhiều ảnh hưởng bất lợi đến hiệu quả hoạt động của Công ty.
Công ty Mitsubishi đã cảnh báo về triển vọng không sáng sủa trong thời gian tới do cuộc chiến tranh của Nga ở Ucraina. Theo cảnh báo này, các doanh nghiệp hóa chất Nhật Bản cần đặc biệt chú ý đến khả năng suy thoái của nền kinh tế trong nước và các nền kinh tế nước ngoài trong bối cảnh các rủi ro địa chính trị, giá nguyên nhiên liệu tăng cao và những đứt gãy của chuỗi cung ứng.
Theo Cục Thông tin năng lượng Mỹ, giá dầu mỏ tháng 3/2022 đã lên đến 117$/ thùng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ucraina bắt đầu từ tháng 2/2022.
Trong báo cáo hoạt động của mình, Công ty Kaneka với trụ sở tại Osaka (Nhật Bản) cũng nói lên những lo ngại về việc lạm phát giá năng lượng và giá tiêu dùng có thể đảo ngược xu hướng phục hồi kinh tế mong manh hiện nay. Những tác động của các biện pháp trừng phạt đối với Nga vẫn còn chưa rõ ràng, nhưng giá cả tăng cao có thể gây những xáo trộn bất lợi cho các nền kinh tế đang hồi phục.
Các công ty hóa chất Nhật Bản đang theo dõi sát xu hướng giảm giá của đồng yên Nhật. Hiện nay đồng tiền này đã giảm xuống mức thấp nhất so với đồng USD do các chính sách tiền tệ khác nhau của hai nước. Đồng yên suy yếu có thể giúp tăng xuất khẩu hóa chất của Nhật Bản khi các sản phẩm hóa chất trở nên rẻ hơn, nhưng mặt khác cũng khiến cho nhập khẩu năng lượng đắt đỏ hơn đối với các nhà sản xuất hóa chất trong nước.