Theo người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ, Washington đã đưa lương thực và phân bón khỏi các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.
Ngày 21/3, hãng tin Reuters dẫn lời người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ nước này ủng hộ các nỗ lực của Liên hợp quốc (LHQ) nhằm đưa các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine và Nga ra thị trường thế giới, nhấn mạnh Washington đã đưa lương thực và phân bón khỏi các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.
Do đó, Washington bác yêu cầu của Moskva rằng phương Tây phải nới lỏng các biện pháp trừng phạt trước khi Nga chấp thuận gia hạn Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen.
Trước đó, theo hãng tin TASS ngày 20/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen chỉ được thực hiện toàn diện nếu như các lập trường của phía Nga được cân nhắc.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết nước này sẽ ngừng tham gia Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen nếu không đạt được tiến triển trong bản ghi nhớ giữa Nga và LHQ. Bản ghi nhớ này có nội dung về việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga với thời hạn 3 năm.
Văn kiện này cũng bao gồm việc đảm bảo kết nối Ngân hàng Nông nghiệp Nga với SWIFT (Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu), duy trì chuyển giao máy móc nông nghiệp, phụ tùng và bảo trì dịch vụ, hủy bỏ các hạn chế về bảo hiểm và tái bảo hiểm, dỡ bỏ lệnh cấm tiếp cận cảng, nối lại hoạt động của đường ống dẫn khí amoniac Togliatti-Odessa, cũng như dỡ bỏ phong tỏa đối với tài sản và tài khoản ở nước ngoài của các công ty Nga liên quan đến sản xuất và vận chuyển thực phẩm và phân bón.
Hồi tháng 7/2022, tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Ukraine đã ký riêng rẽ các thỏa thuận với LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ về xuất khẩu ngũ cốc của Nga và Ukraine, được gọi là Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen. Thỏa thuận được gia hạn thêm 120 ngày hồi tháng 11/2022 và theo kế hoạch hết hạn vào ngày 18/3. Mới đây, phía Nga đã nhất trí gia hạn trong thời gian 60 ngày, thay vì 120 ngày như thông báo của phía Ukraine, do vẫn còn khúc mắc liên quan tính toàn diện của thỏa thuận này./.