Thị trường phân bón vốn đã bị siết chặt từ trước khi xung đột quân sự tại Đông Âu nổ ra. Giờ đây, thị trường có nguy cơ rơi vào hỗn loạn khi nguồn cung từ Nga gặp trục trặc.
Nga dọa cắt nguồn cung phân bón
Nga là nước xuất khẩu dầu thô và khí đốt hàng đầu thế giới, điều này ai cũng biết. Song, xứ sở Bạch Dương còn là nhà xuất khẩu phân bón hàng đầu, chiếm gần 20% tổng lượng xuất khẩu toàn cầu năm 2021.
Nếu tính theo giá trị phân bón xuất khẩu năm 2020, Nga đứng đầu với khoảng 7 tỷ USD, xếp sau là Trung Quốc (6,57 tỷ USD), Canada (5,16 tỷ USD), Mỹ (3,56 tỷ USD) và các nước khác.
Trong khi thế giới tiếp tục theo dõi diễn biến chiến sự giữa Nga và Ukraine, giá phân bón vẫn tiếp tục tăng chóng mặt và thậm chí có thể dẫn đến cú sốc giá lương thực, nguy cơ gây ra nạn đói trên toàn cầu.
Thực chất, đợt phi mã của thị trường phân bón đã bắt đầu từ trong đại dịch COVID-19 khi chuỗi cung ứng đứt gãy và nguyên liệu thô trở nên khan hiếm. Tuy nhiên, vấn đề có thể chuyển biến xấu hơn, nếu như nguồn cung phân bón giá rẻ từ Nga biến mất khỏi thị trường.
Gần đây, các quan chức chính phủ Nga đã phát tín hiệu sẽ tạm ngừng xuất khẩu phân bón. Dù không đề cập đến các lệnh cấm vận mà phương Tây giáng xuống đầu Nga sau khi nước này tấn công Ukraine, Moscow vẫn được cho là đang muốn đáp trả Mỹ và các đồng minh.
Hôm 4/3, Bộ Thương mại và Công nghiệp Nga đã thúc giục các nhà sản xuất phân bón trong nước hạn chế đưa hàng ra nước ngoài. Đây là một tín hiệu cho thấy Nga có thể cắt đứt dòng chảy phân bón để trả đũa phương Tây.
Hiện không rõ nếu được ban hành, lệnh cấm xuất khẩu phân bón của Nga sẽ áp dụng trên phạm vi toàn cầu hay chỉ nhắm tới một số quốc gia nhất định. Tuy nhiên, thiệt hại tiềm tàng cho ngành nông nghiệp thế giới là rất khủng khiếp.
Bà Alexis Maxwell, nhà phân tích của Bloomberg Green Markets, nhận định: "Mất Nga và lượng phân bón xuất khẩu lớn của nước này sẽ là một cú sốc nghiêm trọng cho nguồn cung". Giá phân bón có nguy cơ bị đẩy lên cao hơn nữa nếu Nga thực sự hành động.
Bình luận trên tờ Yahoo Finance, nhà phân tích Peter Zeihan dự báo rằng nếu Nga cắt đứt nguồn cung phân bón để đáp trả phương Tây, một cuộc khủng hoảng sẽ xảy ra. Khi đó, Brazil, châu Phi, Trung Đông và Nam Á sẽ chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Ngoài ra, cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine còn gây áp lực lên thị trường năng lượng. Nga cung ứng hơn 30% khí đốt tự nhiên cho châu Âu mà ước tính khí đốt chiếm khoảng 80% chi phí sản xuất phân bón nitơ của châu Âu.
Nông dân sống trong lo sợ
Ông Mark Scott đã trồng ngô và đậu nành trên mảnh đất của gia đình ở Wentzville (bang Missouri, Mỹ) hơn 30 năm qua nhưng chưa bao giờ ông thấy giá phân bón tăng chóng mặt như lúc này.
Scott nói: "Giá đã tăng gấp đôi so với năm ngoái. Chúng tôi có thể lỗ nặng trong năm nay do giá nguyên liệu đầu vào quá đắt.
Ngay cả trước khi có lệnh trừng phạt của phương Tây giáng xuống Nga, giá phân bón đã ở mức cao do các vấn đề về chuỗi cung ứng… Hiện giờ, mọi thứ chỉ tệ hại thêm".
Đồng cảnh ngộ với lão nông Scott ở Mỹ, nông dân tại châu Âu và Brazil - nước nhập khẩu phân bón lớn nhất thế giới, cũng đang điêu đứng.
Tính riêng năm ngoái, nông dân tại Liên minh châu Âu (EU) đã chứng kiến giá khí đốt tự nhiên tăng gần 550% và giá phân nitơ (đạm) tăng 263%. Không có gì ngạc nhiên khi giờ đây, nhiều nông dân phải trì hoãn việc mua phân bón vì giá quá cao.
Rất nhiều người khác băn khoăn về các đợt bón phân sắp tới và đã cảnh báo rằng sản lượng nông sản, đặc biệt là ngũ cốc, của châu Âu có thể sụt giảm mạnh do cây trồng thiếu chất dinh dưỡng.
Brazil là nước dẫn đầu về xuất khẩu đậu nành, cà phê và mía đường trên thế giới. Do đó, khả năng thiếu hụt nguồn cung phân bón và chi phí đầu vào cao hơn có thể gây hại cho cây trồng.
Một khi sản lượng nông sản của quốc gia Nam Mỹ này đi xuống, lạm phát lương thực toàn cầu có thể phình to hơn nữa, vì nguồn cung ngũ cốc của Brazil có thể trở nên khan hiếm và kéo giá ngày một cao hơn.
Giám đốc Điều hành Ricardo Tortorella của Hiệp hội Phân bón Quốc gia Brazil (ANDA) cho hay: "Chúng tôi hy vọng sẽ có một mùa bội thu kỷ lục… Cuộc tấn công của Nga vào Ukraine có thể làm thay đổi mọi kịch bản".
Hiện tại, mối quan tâm lớn nhất của ông Tortorella là kali, loại phân bón gần như được nhập khẩu hoàn toàn tại Brazil. Theo ANDA, Brazil nhập khẩu khoảng 2 triệu tấn phân bón kali từ Nga mỗi năm.
Nhấn mạnh về những rủi ro trong tương lai, bà Maxwell của Green Markets cho hay: "Trong kịch bản lạc quan nhất, việc thay thế phân bón Nga sẽ mất gần nửa thập kỷ. Trong một số trường hợp khác, kế hoạch này là gần như không thể vì Nga là một nguồn cung khoáng sản lớn mà không nhiều nước có thể thế chỗ".