Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt - mối đe dọa lớn đối với công nghiệp hóa chất Đức

02:44 CH @ Thứ Năm - 15 Tháng Chín, 2022

Từ nhiều năm nay, Tập đoàn BASF - một trong những tập đoàn sản xuất hóa chất lớn nhất thế giới - đã xây dựng mô hình kinh doanh của mình dựa trên nguồn cung khí đốt phong phú và rẻ tiền từ Nga. Khí  đốt được sử dụng để phát điện, làm nguyên liệu sản xuất hóa chất phục vụ nhiều ngành sản xuất khác nhau như xe ôtô, dược phẩm, các sản phẩm tiêu dùng như thuốc đánh răng,...

Nhưng ngày nay nguồn cung khí đốt từ Nga giảm mạnh đang là mối đe dọa lớn đối với hoạt động sản xuất hóa chất quy mô lớn của BASF với tổng số khoảng 200 nhà máy trên toàn cầu.

Đầu tháng 6/2022, Nga đã bắt đầu siết vòi cung khí đốt đến Đức và các nước châu âu khác. Đáp lại, Tập đoàn BASF đang buộc phải làm những gì mà họ khó hình dung chỉ mới cách đây vài tháng, đó là xem xét khả năng đóng cửa các nhà máy nếu nguồn cung khí đốt tiếp tục giảm.

Trong một thông báo giữa tháng 7/2022, Hiệp hội Công nghiệp hóa chất Đức (VCI) cảnh báo rằng phương án duy nhất còn lại đối với gần 1900 công ty hiện nay trong ngành là cùng cắt giảm sản lượng hoặc tạm ngừng sản xuất.

VCI cho biết, các công ty trong ngành đã làm tất cả những gì có thể để xem xét những giải pháp cuối cùng về tiết kiệm khí đốt, tuy nhiên họ đã không còn nhiều khả năng cắt giảm tiêu thụ khí đốt, vì nâng cao hiệu quả sử dụng nhiên liệu đã trở thành động lực quan trọng, thường xuyên được yêu cầu đối với công nghiệp hóa chất trong những năm qua. 

Hiện nay, Đức và châu âu đang ngày càng lo ngại khả năng đường ống dẫn khí đốt Nord Stream - tuyến vận chuyển chính đối với khí đốt từ Nga đến châu âu qua Đức - sẽ không nối lại hoạt động sau khi kết thúc thời gian bảo dưỡng trong tháng 7.

Đây không chỉ là mối đe dọa đối với BASF và 39.000 người lao động của Tập đoàn này tại Đức. Vì BASF và các công ty hóa chất khác đứng ở những vị trí đầu tiên trong phần lớn các chuỗi cung ứng công nghiệp, sự đứt gãy hoạt động của họ sẽ có tác động vượt xa ra ngoài ngành hóa chất, đe dọa gây ảnh hưởng xấu đến toàn bộ nền kinh tế châu âu vào đúng thời điểm lạm phát đang tăng cao và tăng trưởng kinh tế chậm lại.


Các nhà kinh tế cũng cho rằng, khả năng BASF cắt giảm sản lượng amoniăc - một trong những thành phần chính của phân bón - sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay trên thế giới.

Theo chuyên gia kinh tế trưởng của BASF, phải ngừng sản xuất vào thời điểm hiện tại là một việc hết sức khó khăn. Tập đoàn chưa bao giờ đứng trước tình hình như hiện nay, đó là điều mà họ khó có thể hình dung.

Sự phụ thuộc của Đức vào nguồn cung khí đốt từ Nga đã tăng lên sau khi các nhiệm kỳ chính phủ nối tiếp nhau của nước này luôn hướng đến mục tiêu đóng cửa nốt các nhà máy điện hạt nhân cuối cùng còn lại trong nước và loại bỏ dần việc sử dụng than, khiến cho khí đốt và năng lượng tái tạo trở thành những nguồn năng lượng duy nhất để lựa chọn.

Nhiều hộ gia đình ở Đức sử dụng khí đốt để sưởi, trong khi đó Đức cũng là nơi có ngành sản xuất lớn nhất châu âu với nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu rất lớn.

Hiện nay, khoảng 35% lượng khí đốt nhập khẩu của Đức là đến từ Nga, giảm mạnh so với mức 55% trước khi xảy ra chiến tranh Nga-Ucraina.

Các công ty hóa chất như BASF dễ bị tổn thương hơn các công ty công nghiệp khác vì khí đốt là đầu vào quan trọng cho hầu hết các quá trình sản xuất của họ.

Khoảng 60% lượng khí đốt mà BASF tiêu thụ ở châu âu được sử dụng để phát điện và sản xuất hơi nước. 40% còn lại được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm của Tập đoàn.

Các nhà máy của BASF tại thành phố Ludwigshafen chiếm gần 4% lượng tiêu thụ khí đốt của cả nước Đức. Giám đốc điều hành của BASF cho rằng, về ngắn hạn không có giải pháp nào có thể thay thế khí đốt từ Nga. Nếu nguồn cung khí đốt vẫn giữ ở mức trên 50% nhu cầu tối đa của Tổ hợp hóa chất Ludwigshafen, các nhà máy có thể tiếp tục vận hành bằng cách giảm công suất và sử dụng nhiên liệu thay thế. Nhưng nếu nguồn cung khí đốt giảm đáng kể dưới mức đó trong thời gian dài, các nhà máy sẽ phải ngừng vận hành.

Tuy hàng năm các nhà máy hóa chất vẫn ngừng sản xuất theo lịch để tiến hành bảo dưỡng, việc ngừng ngay lập tức hoạt động của toàn bộ tổ hợp hóa chất có thể dẫn đến những thiệt hại rất lớn cho các nhà máy và gây ra rủi ro an toàn lớn, vì vậy các công ty cần có thời gian để có thể ngừng hoạt động các nhà máy một cách an toàn.  

Theo các chuyên gia kinh tế Đức, việc Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt có thể dẫn đến sự sụp đổ trên diện rộng đối với toàn bộ sản xuất công nghiệp của nước này. Những ngành có thể gặp rủi ro sụp đổ lâu dài do thiếu khí đốt là sản xuất nhôm, sản xuất thủy tinh, công nghiệp hóa chất.

Đứng trước khả năng nguồn cung khí đốt sẽ trở nên căng thẳng vào mùa đông năm nay, EU đã yêu cầu các quốc gia thành viên giảm 15% tiêu thụ khí đốt của mình cho đến tháng 4/2023. Nhưng việc đó có thể vẫn chưa đủ để bảo vệ công nghiệp hóa chất Đức. Nếu đường ống Nord Stream giữ tỷ lệ cấp khí đốt ở mức 40%, ngành công nghiệp này sẽ phải cắt giảm khoảng 25% sản lượng. Nếu đường ống Nord Stream giảm tiếp 20% tỷ lệ cấp khí đốt thì công nghiệp hóa chất toàn nước Đức sẽ phải cắt giảm 50% sản lượng. 

Cùng với những khó khăn khác ở châu âu, Tập đoàn BASF đang tìm cách chuyển dịch sản xuất ngày càng nhiều sang Trung Quốc. Hiện nay, Tập đoàn đã xây dựng cơ sở sản xuất trị giá 10 tỉ USD tại Trạm Giang, phía nam Trung Quốc. Theo BASF, Trung Quốc là thị trường hóa chất lớn nhất và phát triển nhanh nhất trên thế giới, vì vậy sẽ chiếm vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển của Tập đoàn.

Nguồn: