Nga có thể tiếp tục hạn chế xuất khẩu phân bón tháng 5/2023 cho đến tháng 11/2023 và kịch bản nào cho thị trường phân bón 2023?
Xuất khẩu phân bón 2 tháng đầu năm 2023 giảm 46,6% kim ngạch
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2023 cả nước xuất khẩu gần 278.274 tấn phân bón các loại, tương đương 128,97 triệu USD, giá trung bình 463,5 USD/tấn, giảm 21% về khối lượng, giảm 46,6% về kim ngạch và giảm 32,4% về giá so với 2 tháng đầu năm 2022.
Riêng tháng 2/2023 xuất khẩu 151.045 tấn phân bón các loại, đạt 65,04 triệu USD, giá 430,6 USD/tấn, tăng 18,7% về khối lượng, tăng 1,8% kim ngạch nhưng giảm 14,3% về giá so với tháng 1/2023; So với tháng 2/2022 cũng tăng 17,9% về lượng, nhưng giảm 8,8% kim ngạch và giảm 22,7% giá.
Phân bón của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Campuchia, riêng thị trường này đã chiếm 22% trong tổng khối lượng và chiếm 22,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước. Phân bón xuất sang Campuchia đạt 61.369 tấn, tương đương 29,58 triệu USD, giá trung bình 482 USD/tấn, tăng trên 15% cả về lượng và kim ngạch, giá cũng tăng nhẹ 0,2% về giá so với 2 tháng đầu năm 2022. Riêng tháng 2/2023 xuất khẩu sang thị trường này giảm 15,5% về khối lượng, giảm 20,1% về kim ngạch và giảm 5,5% về giá so với tháng 1/2023, đạt 28.111 tấn, tương đương 13,13 triệu USD.
Một trong những đơn vị xuất khẩu phân bón lớn sang Campuchia là Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền. Tuy nhiên, trong năm 2022, lượng xuất khẩu phân bón của Bình Điền cũng giảm mạnh (khoảng 30%) so với năm 2021. Còn từ đầu năm 2023 đến nay, lượng xuất khẩu phân bón cũng chậm do giá phân bón có xu hướng giảm. Người nông dân và các đại lý tại Campuchia cũng có tâm lý nhập hàng cầm chừng, chờ giá giảm tiếp mới nhập thêm. Đây cũng là tình trạng chung khiến một số đơn vị sản xuất phân bón bị tồn kho nhiều trong những tháng đầu năm.
Đứng sau thị trường chủ đạo Campuchia là các thị trường như: Hàn Quốc đạt 40.129 tấn, tương đương 15,4 triệu USD, giá trung bình 383,8 USD/tấn, tăng mạnh 91,2% về lượng, giảm 6,8% kim ngạch và giảm 51% về giá, chiếm 14,4% trong tổng khối lượng và chiếm 11,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước.
Xuất khẩu sang thị trường Malaysia đạt 19.885 tấn, tương đương 6,21 triệu USD, giá trung bình 312,3 USD/tấn, tăng 45% về lượng nhưng giảm 2,9% kim ngạch và giá giảm 33%, chiếm 7,2% trong tổng khối lượng và chiếm 4,8% trong tổng kim ngạch.
Nga có thể lại gia hạn việc hạn chế xuất khẩu phân bón - kịch bản nào cho thị trường phân bón 2023?
Ở một diễn biến khác, Nga có thể lại gia hạn việc hạn chế xuất khẩu phân bón. Hiện Nga đang cân nhắc việc đưa ra chính sách gia hạn việc hạn chế xuất khẩu phân bón trong 6 tháng, bắt đầu từ tháng 5/2023 cho đến tháng 11/2023 để giúp hỗ trợ cho thị trường trong nước.
Nga đang là một trong những nhà sản xuất kali, phốt phát và phân bón có chứa nitơ hàng đầu thế giới. Mới đây, Bộ trưởng Nông nghiệp Nga, Dmitry Patrushev cho biết, Nga có thể đưa ra chính sách gia hạn về việc hạn chế xuất khẩu phân bón trong 6 tháng, bắt đầu từ tháng 5/2023 cho đến tháng 11/2023 để giúp hỗ trợ cho thị trường trong nước.
Trước đó, vào thời điểm giá phân bón thế giới tăng cao, nguồn cung hạn chế, Nga đã đưa ra chính sách về hạn ngạch xuất khẩu tạm thời đối với một số mặt hàng phân bón vào cuối năm 2021 để đảm bảo nguồn cung trong nước. Nhưng Nga đã phải liên tục gia hạn các lệnh hạn chế kể từ đó đến nay. Các quy định hạn chế xuất khẩu hiện tại sẽ hết hạn vào cuối tháng 5 năm nay.
Bộ trưởng Patrushev cũng đã cho biết: “Cùng với Bộ thương mại và Cơ quan chống độc quyền liên bang Nga, chúng tôi đang nỗ lực gia hạn các biện pháp hiện có đối với các ngành phân bón thêm sáu tháng nữa, đến hết tháng 11/2023”.
Mục đích của việc giới hạn xuất khẩu mặt hàng này nhằm kìm hãm đà tăng giá của các loại nông sản trong nước khi giá phân bón tăng vọt.
Việc giới hạn xuất khẩu phân bón này của Nga khiến nhiều người lo ngại sẽ khiến toàn cầu rơi vào tình trạng thiếu trầm trọng nguồn cung phân bón, đặc biệt là các dòng phân đạm trên thị trường toàn cầu và kích hoạt một làn sóng tăng giá phân bón mới.
Mặc dù ba loại phân bón chính của Nga là kali, phốt phát và nitơ không phải chịu các lệnh trừng phạt, tuy nhiên việc xuất khẩu các mặt hàng này vẫn bị ảnh hưởng bởi do sự đứt gãy từ chuỗi cung ứng, cảng biển, vận tải, ngân hàng và bảo hiểm.
Vào thời điểm giữa năm 2022, tình trạng khan hiếm nguồn cung phân bón trên toàn cầu dẫn tới giá phân bón tăng cao. Nga và Trung Quốc – hai cường quốc sản xuất và Các nước giàu có đang thi nhau mua tích trữ phân bón, trong khi nguồn cung tại các khu vực nghèo khó trở nên rất hạn chế.
Tình hình thiếu hụt phân bón đã trở nên tồi tệ hơn bởi những lệnh trừng phạt lên Belarus, nhà sản xuất phân kali hàng đầu thế giới. Trước đó, kể từ tháng 8/2020, EU đã áp đặt một số vòng trừng phạt nhằm vào Tổng thống Belarus cùng 194 chính khách khác. Những người này không được phép nhập cảnh các nước thành viên EU, mọi tài sản của họ trên lãnh thổ EU đều bị phong tỏa. Đầu tháng này, Hội đồng châu Âu, cơ quan đại diện cho 27 quốc gia thành viên EU cho biết, các biện pháp trừng phạt này đã được gia hạn đến ngày 28/2/2024.
Tháng 10/2021, Trung Quốc cũng đã cắt giảm xuất khẩu phân bón bằng cách đưa ra những yêu cầu mới về giấy chứng nhận kiểm tra xuất khẩu phân bón và các nguyên liệu liên quan. Động thái này đã góp phần khiến cho nguồn cung phân bón toàn cầu càng trở nên eo hẹp. Trung Quốc là nước xuất khẩu phân lân lớn nhất thế giới. Năm 2021, quốc gia này đã xuất khẩu 10 triệu tấn phân lân, chiếm khoảng 30% tổng khối lượng thương mại toàn cầu.
Trong thời kỳ bất ổn của thị trường, một số quốc gia sản xuất phân bón đã thực hiện các biện pháp hạn chế xuất khẩu nhằm tăng nguồn cung cho thị trường trong nước. Trung Quốc đã đưa ra các biện pháp kiểm soát xuất khẩu trong năm 2022. Xuất khẩu DAP của Trung Quốc - trước đây chiếm 30% thương mại DAP toàn cầu - đã giảm gần 50% trong 10 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu urê cũng giảm 60% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, xuất khẩu phân bón của Trung Quốc trong năm 2022 được dự báo chỉ đạt 50% mức bình thường.
Các chuyên gia thị trường cho rằng, các biện pháp hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc sẽ không được hủy bỏ sớm nhất cho đến giữa năm 2023.
Chính sách hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc trong lĩnh vực phân bón đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nguồn cung trên thị trường toàn cầu, góp phần khiến cho giá phân bón trên thị trường quốc tế tăng cao.
Nga đang là một trong những nhà sản xuất kali, phốt phát và phân bón có chứa nitơ hàng đầu thế giới. Mới đây, Bộ trưởng Nông nghiệp Nga, Dmitry Patrushev cho biết, Nga có thể đưa ra chính sách gia hạn về việc hạn chế xuất khẩu phân bón trong 6 tháng, bắt đầu từ tháng 5/2023 cho đến tháng 11/2023 để giúp hỗ trợ cho thị trường trong nước.
3 tháng đầu năm, giá phân bón thế giới và trong nước đang duy trì ở mức thấp, nhất là so với cùng kỳ của năm 2022. Tuy nhiên, trước động thái hạn chế xuất khẩu phân bón của Nga, có thể thị trường phân bón lại có biến động. Trao đổi với Báo Công Thương về vấn đề này, Tiến sĩ Phùng Hà – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, đây có thể là một trong những yếu tố tác động đến giá phân bón trong thời gian tới. Bởi giá phân bón còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nhu cầu mùa vụ thực tế. Như thời điểm hiện tại, mặt hàng phân bón tiêu thụ chậm, xuất khẩu chậm do chưa vào cao điểm mùa vụ. Bên cạnh đó, giá phân bón còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu như giá khí, giá gas, xăng dầu… Diễn biến giá cả của những loại nguyên liệu này trong năm 2023 cũng có thể có những bất thường. Chính vì thế, mặc dù hiện giá phân bón đang ở thời kỳ thấp điểm so với năm 2022, tuy nhiên có thể có những biến động trong thời gian tới khi vào cao điểm mùa vụ, đồng thời chính sách hạn chế xuất khẩu từ phía Nga có thể tác động thêm tới thị trường phân bón 2023.