Nga đình chỉ xuất khẩu phân bón

09:24 SA @ Thứ Sáu - 11 Tháng Ba, 2022

Theo Hãng thông tấn nhà nước Nga, TASS, Bộ Công Thương Nga đã khuyến nghị tạm ngừng xuất khẩu phân bón cho đến khi các dịch vụ vận chuyển trong và ngoài nước Nga được nối lại bình thường. Động thái này có thể khiến giá phân bón tăng trong thời gian tới. 

Nga có thể tạm ngừng xuất khẩu phân bón, giá phân bón tác động như thế nào?

Mới đây, Hãng thông tấn nhà nước Nga, TASS thông tin, ngày 4/3 Bộ Công Thương Nga đưa ra khuyến nghị Nga tạm ngừng xuất khẩu phân bón cho đến khi các dịch vụ vận chuyển trong và ngoài nước Nga được nối lại bình thường, điều này có thể khiến giá phân bón tăng.

Động thái này của Nga có thể khiến nguồn cung phân bón thế giới bị thiếu hụt một lượng lớn, từ đó đẩy giá phân bón có thể xác lập kỷ lục mới sau khi liên tiếp tăng trong thời gian qua do tác động của dịch Covid-19, kéo theo giá lương thực có thể tăng trên toàn cầu.

Trên thực tế, ngay sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, theo Bloomberg, giá phân bón tại Mỹ đã tăng 25%.

Cụ thể, giá phân bón urê giao tháng 4/2022 được giao dịch ở mức 795 USD/tấn tại New Orleans (Mỹ) vào ngày 4/3, tăng 22% so với mức giao dịch hồi đầu tuần. Trong khi đó, giá giấy ure cũng tăng lên 50 USD/tấn.

Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Tom Vilsack cũng đã cảnh báo các nhà cung cấp phân bón không lợi dụng những căng thẳng địa chính trị đang xảy ra để làm tăng giá phân bón lên vượt quá mức.

Hiện, Nga và Trung Quốc cung cấp khoảng 1/4 lượng urê và 1/2 lượng phốt phát xuất khẩu của thế giới. 

Giá phân bón trong nước có tăng nếu Nga tạm dừng xuất khẩu phân bón?

Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, xung đột Nga – Ukraine và kèm theo đó là các biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh mẽ của phương Tây cũng như phản ừng tứ phía Nga đã gây ra tác động toàn diện và sâu sắc đến kinh tế thế giới, như: ngắt hệ thống thanh toán quốc tế (SWIFT) các ngân hàng quốc tế lớn của Nga; phong tỏa tài sản của các ngân hàng, tập đoàn lớn; ngăn cản xuất nhập khẩu; ngừng cung cấp tín dụng, đứt gãy chuỗi cung ứng, phá giá đồng Rub, tăng lạm phát, bất ổn thị trường chứng khoán toàn cầu…

Bộ NNPTNT đánh giá, Việt Nam cũng không nằm ngoài các tác động xấu về kinh tế do ảnh hưởng của chiến sự Nga – Ukraine, đặc biệt là các rủi ro về thanh toán quốc tế, đứt gãy chuỗi cung ứng cho các hoạt động xuất nhập khẩu.

Ngoài ra, Việt Nam cũng nhập khẩu từ Nga và Ukraine nhiều nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp trong nước như lúa mỳ (trong điều kiện bình thường có thể đến 1 triệu tấn, chiếm khoảng 20% tổng nhập khẩu lúa mỳ), ngô (3% tổng nhập khẩu ngô) làm thức ăn chăn nuôi; phân bón (10% tổng nhập khẩu phân bón).