Ngày 23/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Moscow sẵn sàng mở rộng các hoạt động xuất khẩu phân bón và hợp tác với mọi đối tác trong lĩnh vực này.
Phát biểu tại cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban sản xuất và kinh doanh phân khoáng thuộc Hiệp hội các nhà công nghiệp và doanh nhân Nga (RSPP) kiêm Chủ tịch Tập đoàn phân bón Uralchem - ông Dmitry Mazepin, Tổng thống Putin đã phản đối việc một số nước có động thái chặn nguồn cung phân bón, coi đây là những rào cản tác động tiêu cực đến thị trường thế giới. Tuy nhiên, nhà ông Putin cũng khẳng định, bất chấp những yếu tố trên, Nga vẫn đang xúc tiến hoạt động xuất khẩu, sẵn sàng mở rộng cung ứng cho tất cả các đối tác mà không có ngoại lệ.
Nhân cuộc gặp gỡ với Tổng thống Nga, ông Mazepin chỉ ra rằng, hiện có hơn 400.000 tấn phân bón đang bị “đóng băng” tại các cảng của châu Âu do lệnh trừng phạt. Cũng theo Chủ tịch RSPP, các công ty Nga đã thiết lập quan hệ đối tác với 26 quốc gia châu Phi nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển phân bón.
"Tình thế đang thực sự khó khăn. Tất cả các công ty đang phải đối mặt với vấn đề này. Chúng tôi đã cố gắng giải quyết vấn đề theo những cách khác nhau để có thể duy trì việc phân phối phân bón, đặc biệt tới các thị trường đang phát triển, bao gồm cả các nước châu Phi" – ông Mazepin nói.
Liên quan tới vấn đề này, ông Putin khẳng định, giới chức Nga đang liên hệ với Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và lãnh đạo một số nước châu Phi nhằm tìm kiếm giải pháp tháo gỡ những yếu tố rào cản. Ông Putin đồng thời cũng ủng hộ đề xuất của Uralchem về việc yêu cầu trợ giúp từ Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi (AU) nhằm giải phóng hàng trăm nghìn tấn phân bón đang bị chặn ở các cảng châu Âu.
“Các nhà lãnh đạo của một số nước châu Phi đã liên hệ trực tiếp với tôi. Trên thực tế, họ không hiểu chuyện gì đang xảy ra do nhu cầu hỗ trợ cho các nước nghèo nhất luôn được thảo luận, trong khi việc giao hàng (thậm chí là miễn phí), đang bị cản trở vì những lý do hoàn toàn không liên quan đến an ninh lương thực. Đây là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được, song vẫn đang diễn ra” – ông Putin nói.
Từ những lý do nêu trên, người đứng đầu Nhà nước Nga khẳng định cần thực hiện mọi biện pháp có thể không chỉ để đảm bảo lợi ích của các nhà sản xuất nông nghiệp trong việc hỗ trợ khách hàng truyền thống, người tiêu dùng, mà còn vì lợi ích của các nước đang phát triển, gồm cả ở khu vực châu Phi.
Cuối tháng 7/2022, Nga và Ukraine đã ký riêng với Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ thỏa thuận Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen nhằm nối lại việc xuất khẩu lương thực của Ukraine cũng như phân bón của Nga ra thị trường quốc tế - vốn đang chịu nhiều hệ lụy từ tình hình chiến sự Ukraine. Thời hạn ban đầu của Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, cho phép xuất khẩu ngũ cốc Ukraine và các sản phẩm nông nghiệp khác từ các cảng Biển Đen trong vòng 120 ngày, dự kiến hết hạn vào ngày 19 /11.
Tuy nhiên, ngày 29/10, Nga thông báo đình chỉ tham gia sáng kiến trên do nước này không thể "đảm bảo an toàn cho các tàu dân sự" sau khi Hạm đội Biển Đen bị tấn công. Sau những nỗ lực ngoại giao mạnh mẽ cùng bảo đảm bằng văn bản từ Ukraine, ngày 17/11, các bên liên quan nhất trí gia hạn thỏa thuận Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen thêm 4 tháng theo các điều khoản hiện hành./.