Trong phần lớn thời gian của thập niên qua, thị trường phân kali thế giới đã luôn phải vất vả chống chọi với tình trạng dư thừa công suất và giá bán thấp. Nhưng các biện pháp trừng phạt của các nước phương Tây đối với Nga đã bóp ngẹt nguồn cung phân bón từ Nga cũng như Belarut - hai quốc gia xuất khẩu phân kali hàng đầu thế giới, khiến cho những người mua phải tranh nhau đặt trước hàng và ngày càng có nhiều cảnh báo về cuộc khủng hoảng lương thực sắp tới trên toàn cầu.
Phân kali là đầu vào quan trọng cho sản xuất các cây lương thực thiết yếu như ngô, đậu nành, lúa gạo và lúa mì. Sự sụt giảm đột ngột của nguồn cung loại phân bón này đang đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản lượng cây trồng trên thế giới.
Xu hướng tăng giá trên thị trường
Từ đầu năm 2020, giá phân bón trên thị trường thế giới đã không ngừng đi lên do các đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu cùng với lệnh cấm xuất khẩu của Trung Quốc và các cuộc bãi công của công nhân đường sắt Canađa. Tiếp theo đó, chiến tranh Nga - Ucraina đầu năm 2022 càng làm cho tình trạng thiếu nguồn cung phân bón trở nên căng thẳng, đẩy giá nhiều loại phân bón tăng lên những mức cao kỷ lục.
Nga và Ucraina là những quốc gia quan trọng hàng đầu trong sản xuất vật tư nông nghiệp trên thế giới, trong khi xuất khẩu lương thực và phân bón toàn cầu chỉ tập trung ở một số ít quốc gia.
Theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), năm 2021 Nga là một trong những quốc gia xuất khẩu phân đạm đứng đầu thế giới và đứng thứ hai về cung ứng phân kali cũng như phân lân.
Hiện nay, thương mại giữa Nga và các nước khác trên thế giới tuy không dừng lại nhưng đã đứt gãy nghiêm trọng. Trong những năm trước, Nga chiếm 14% xuất khẩu phân bón toàn cầu, nhưng nay đã tạm dừng hoạt động xuất khẩu. Hơn nữa, giá khí thiên nhiên - nguyên liệu đầu vào quan trọng cho sản xuất phân bón - đã tăng mạnh sau khi Nga ngừng xuất khẩu sang một số nước châu âu, buộc nhiều nhà máy phân bón ở khu vực này phải cắt giảm sản xuất, làm căng thẳng thêm nguồn cung đã thắt chặt trên thị trường.
Đồng thời, các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU đối với đồng minh của Nga là Belarut đã tác động đáng kể đến thị trường phân kali, do Nga và Belarut chiếm tổng cộng 40% khối lượng thương mại phân kali hàng năm trên toàn cầu.
Giá phân kali gần đây tăng mạnh chủ yếu là do Belarut không thể tiếp cận thị trường quốc tế, đồng thời lại đang bị nước láng giềng Litva phong tỏa đường tiếp cận đến mạng lưới vận tải đường sắt cũng như cảng biển.
Từ đầu năm 2020 đến tháng 3/2022, giá phân đạm tại châu âu đã tăng gấp 4 lần, giá phân lân và phân kali tăng hơn 3 lần.
Tại cường quốc nông nghiệp Braxin, giá phân kali tháng 3-2022 đã tăng 185% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức kỷ lục 1.100 USD/tấn. Tại châu âu, giá phân kali tăng 240% trong vòng 1 năm qua, hiện đạt 875 EUR/tấn.
Cơ hội mở rộng sản xuất
Một số nhà sản xuất phân bón đang tìm cách tận dụng cơ hội từ sự tăng giá phân kali và những căng thẳng địa chính trị - những yếu tố đã làm đảo lộn các dòng thương mại truyền thống.
Công ty BHP tại Ôxtrâylia - công ty khai khoáng lớn nhất thế giới - đang xúc tiến hoạt động tại dự án Jansen ở Saskatchewan, Canađa, để đưa vào vận hành năm 2026, sớm hơn 1 năm so với kế hoạch. Đây là một trong những mỏ khai thác quặng kali lớn nhất thế giới với vốn đầu tư 7,5 tỉ USD. BHP cũng đã bắt đầu khảo sát khả năng mở rộng giai đoạn 1 của dự án, qua đó sẽ tăng gấp đôi sản lượng phân kali lên 8 triệu tấn/năm.
Theo giám đốc BHP, những sự kiện bi kịch vài tháng qua cho thấy tiềm năng thị trường phân kali cao khác thường khi nguồn cung đứt gãy. Điều đó đã thúc đẩy Công ty quyết định mở rộng công suất và tăng cường sản xuất phân kali.
Bên cạnh BHP, Công ty Nutrien (Canađa) - nhà sản xuất phân kali lớn nhất và sản xuất phân đạm lớn thứ ba trên thế giới - đã quyết định nâng công suất phân kali lên 15 triệu tấn trong năm 2022, tức là tăng gần 1 triệu tấn so với kế hoạch. Phần lớn công suất bổ sung sẽ được đưa vào vận hành trong nửa sau năm 2022.
Sản lượng phân kali năm 2022 của Nutrien dự kiến sẽ tăng gần 20% so với năm 2020, chiếm hơn 70% sản lượng tăng thêm của toàn thế giới trong cùng thời kỳ. Công ty dự định sẽ tăng vốn đầu tư và thuê thêm nhân công cho toàn bộ mạng lưới các mỏ kali của mình ở Saskatchewa.
Giám đốc Công ty Nutrien cho biết, Công ty đang phản ứng trước những bất ổn chưa từng thấy trên thị trường hiện nay bằng cách mở rộng sản xuất phân kali để cung cấp cho ngành nông nghiệp. Những tác động của chiến tranh Nga-Ucraina đã vượt ra ngoài biên giới Đông Âu, sự đứt gãy nguồn cung nông sản và phân bón đang mang đến nhiều hệ lụy cho an ninh lương thực toàn cầu.
Trong khi đó, các công ty khai khoáng nhỏ hơn cũng đang chuẩn bị khởi động hoặc hoàn thiện các dự án mới ở các khu vực ổn định chính trị. Công ty Highfield Resources tại Ôxtrâylia đã ký hợp đồng vay 329 triệu Euro từ các ngân hàng châu âu để phát triển dự án Muga tại Tây Ban Nha trong năm nay. Dự án Muga dự kiến sẽ có công suất 500.000 tấn phân kali/năm trong giai đoạn đầu. Giai đoạn hai, công suất sẽ được nâng lên 1 triệu tấn/năm. Sau các sự kiện mới đây tại Nga và Belarut, giá trị chiến lược của dự án Muga đã tăng mạnh.
Ở bên kia Đại Tây Dương, Công ty Western Potash đã ký hợp đồng vay 85 triệu đôla Canađa để phát triển dự án Milestone tại Saskatchewan, Canađa.
Công ty Verde Agritech tại Braxin cũng đã công bố sẽ tăng sản lượng phân kali. Chiến tranh Nga-Ucraina đã làm nổi bật tầm quan trọng của việc tự chủ nguồn cung phân bón đối với Braxin - quốc gia mua nhiều phân bón nhất thế giới và đang phải dựa vào nhập khẩu để đáp ứng 85% nhu cầu. Trước sự kinh hoàng cho những người hoạt động trong phong trào bảo vệ môi trường, tổng thống Braxin Jair Bolsonaro đã kêu gọi Quốc hội cho phép mở các mỏ khai thác quặng kali trên các vùng lãnh địa sinh sống của người thổ dân.
Triển vọng và rủi ro thị trường
Mặc dù thị trường phân kali có lịch sử lên xuống thất thường từ thập niên 1960 đến nay, nhưng các chuyên gia trong ngành cho rằng giá vẫn sẽ duy trì trên mức trung bình nhiều năm ngay cả khi thị trường đã hạ nhiệt.
Trong báo cáo năm 2021, Công ty BHP dự báo sản lượng phân kali toàn cầu có thể đạt 86 triệu tấn vào năm 2030, tăng 10 triệu tấn so với năm 2020. Nhưng nay các nhà phân tích cho rằng sản lượng dự báo trên sẽ khó có thể đạt được, vì báo cáo của BHP dự kiến phần lớn nguồn cung mới sẽ đến từ Nga và Belarut. Sau khi chiến tranh xảy ra, nếu các dự án đó bị trì hoãn hoặc thậm chí bị hủy bỏ do các vấn đề về tiếp cận nguồn vốn thì tình hình cung cầu chắc chắn sẽ căng thẳng hơn nhiều trong thời gian dài.
Do những khó khăn về vay vốn, Tập đoàn Slavkality của Belarut đã bắt buộc phải tạm ngừng phát triển mỏ Nezhinsky với công suất dự kiến 2 triệu tấn/năm. Vì vậy, các nhà phân tích cũng đặt dấu hỏi về khả năng cấp vốn cho dự án Talitsky do Công ty Acron của Nga phát triển.
Cuộc khủng hoảng hiện nay làm cho người ta hiểu vì sao Công ty BHP đã tỏ ra lạc quan về triển vọng của dự án Jansen với tiềm năng sản xuất mỗi năm 16-17 triệu tấn phân kali sau 4 giai đoạn phát triển.
Tuy nhiên, trong những năm tới thị trường phân kali cũng sẽ phải đối mặt với không ít rủi ro. Rủi ro chính là Nga và Belarut sẽ không đứng ngoài thị trường mãi mãi, tình hình có thể sẽ thay đổi nhanh chóng.
Hiện nay Belarut chỉ bán được khoảng 5% sản lượng của mình, chủ yếu là cho Trung Quốc, tuy có khả năng quốc gia này sẽ tìm được cách tiếp cận các cảng Baltic của Nga. Nếu quay trở lại thị trường, nguồn cung từ Belarut sẽ giúp hạ nhiệt thị trường và giá phân kali có thể sẽ giảm.
Mặc dù vậy, nguồn cung từ Nga và Belarut sẽ khó có thể được thay thế trong ngắn hạn, đặc biệt là khi hầu hết tất cả các mỏ quặng kali có giá trị hấp dẫn trên thế giới đều đã được phát triển trong thời kỳ bùng nổ giá hàng hóa dưới ảnh hưởng sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc đầu thập niên 2000