Bất chấp dịch bệnh và căng thẳng chiến sự, phân bón từ Nga xuất sang Việt Nam 5 tháng đầu năm gần 87 triệu USD, tăng gần 60% so cùng kỳ năm ngoái.
Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 6 tháng đầu năm, Việt Nam nhập 1,8 triệu tấn phân bón, tương đương 856 triệu USD, giảm 22,5% về khối lượng nhưng tăng 32,3% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, phân bón nhập từ Nga có tốc độ tăng trưởng đột biến. 5 tháng đầu năm, nhập khẩu phân bón từ nước này đạt 86,8 triệu USD, tăng hơn 59% so với cùng kỳ 2021. Tiếp đến là thị trường Trung Quốc, giá trị nhập khẩu mặt hàng này tăng 27,7%. Hiện Nga và Trung Quốc là hai quốc gia chiếm tỷ trọng xuất khẩu phân bón lớn nhất sang Việt Nam, lần lượt chiếm 38,9% và 11,8%.
Ông Bùi Minh Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Swissfertz Việt Nam - doanh nghiệp tiên phong giới thiệu phân bón NPK của Nga vào Việt Nam - cho biết tốc độ tăng trưởng bình quân của phân bón Nga sang Việt Nam 10 năm qua ở mức 15-20%. So với Thái Lan, Việt Nam vẫn nhập khẩu ít hơn do khó khăn về vận chuyển.
Theo ông, sắp tới, nếu Việt Nam thuận lợi trong vận chuyển và lượng hàng nhập về khoảng 300.000-400.000 tấn một năm, giá sẽ hấp dẫn hơn và khi đó người dân được hưởng lợi.
Chia sẻ với VnExpress, Tổng lãnh sự Liên bang Nga - Timur Sadykov - cho rằng mức độ tăng trưởng giao thương hai chiều giữa Việt Nam và Nga khá tích cực. 6 tháng đầu năm, xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước tăng trưởng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng với ngành phân bón, hoạt động vận chuyển có bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến giữa Nga-Ukraine nhưng vẫn không cản trở được sự phát triển của ngành này.
"Hoạt động xuất khẩu từ tháng 7 sẽ thuận lợi khi các đường bay quốc tế hoạt động nhộn nhịp. Mới đây, Nga và Việt Nam vừa mở một cảng đường biển từ Vladivostok – Hải Phòng và đang đàm phán mở đường bộ bằng tàu vận chuyển ngang qua Trung Quốc", ông Timur Sadykov nói và cho rằng sắp tới doanh nghiệp và nhà nông sẽ được hưởng lợi khi mua được phân bón giá tốt và chất lượng của Nga.
Tại thị trường trong nước, giá phân bón đi xuống thời gian qua. Ure Hà Bắc và Ure Phú Mỹ tại Hà Nội giảm 20.000-25.000 đồng một bao, xuống 850.000 đồng một bao 50 kg. Ure đầu trâu tại Quảng Bình là 840.000 đồng một bao, giảm 10.000 đồng một bao. Ure Cà Mau tại An Giang là 795.000 đồng một bao 50 kg, giảm 40.000 đồng một bao...
Nguyên nhân được cho là do nhu cầu phân bón hiện ở mức thấp do các vùng trồng nông sản vừa đến vụ thu hoạch. Ngoài ra, tình hình giá thế giới giảm khiến giá Ure trong nước giảm theo.
Giá phân bón trên thị trường quốc tế đang hạ nhiệt, nhưng theo Fertilizer Pricing, đây chỉ là sự suy giảm tạm thời. Khả năng sẽ có các đợt tăng giá tiếp theo nhất là giai đoạn các nước bước vào mùa cao điểm sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, than và khí tự nhiên, hai nguyên liệu chính để sản xuất phân bón, sau một thời gian ngắn ổn định, gần đây đã có dấu hiệu tăng trở lại.