Nhật Bản phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu đối với tất cả các loại phân bón sử dụng trong nước. Năm 2022, sau khi Nga mở “chiến dịch đặc biệt” tấn công Ucraina giá phân bón trên thị trường nội địa Nhật Bản đã tăng mạnh 40% trong bối cảnh những lo ngại về nguồn cung toàn cầu và sự suy yếu của đồng yên.
Nhật Bản nhập khẩu 90% phân lân từ Trung Quốc - một trong những nước sản xuất phân lân hàng đầu trên thế giới. Nhưng từ tháng 10/2021 chính phủ Trung Quốc đã hạn chế xuất khẩu phân bón để bảo đảm nguồn cung cho thị trường trong nước. Do nguồn cung phân lân trên thế giới phân bố không đồng đều, Nhật Bản rất khó tìm được các nguồn cung thay thế.
Trong bối cảnh đó, chính phủ Nhật Bản đang có kế hoạch trợ cấp cho các địa phương để xây dựng một số nhà máy chiết xuất phân lân từ bùn nước thải. Tuy sản xuất phân lân quy mô lớn từ nguồn nguyên liệu như vậy rất khó khăn nhưng chính phủ Nhật Bản đang xem xét nghiêm túc phương án này.
Theo Bộ Nông nghiệp Nhật Bản, hiện nay chỉ 10% trong khoảng 2,3 triệu tấn bùn nước thải hàng năm ở Nhật Bản được sử dụng làm phân bón sau khi đã tách nước và lên men.
Tại thị trường Nhật Bản, phân bón sản xuất từ bùn nước thải có giá bán khá hấp dẫn. Ví dụ, thành phố Saga xử lý toàn bộ bùn nước thải của mình thành phân bón và bán cho nông dân với giá 2 yên/kg. Trung tâm xử lý nước thải của thành phố có thể xử lý 20 triệu tấn nước thải mỗi năm. Tại đây, bùn được tách khỏi nước thải, loại bỏ bớt nước, sau đó cho lên men ở 90oC hoặc cao hơn. Quá trình này tiêu diệt vi khuẩn và mầm cỏ dại, do đó khử mùi hôi. Mỗi năm, trung tâm chế biến 8.000 tấn bùn thành 1.400 tấn phân bón.
Nhưng xu hướng sử dụng loại phân bón này ở người nông dân đã giảm một phần do những lo ngại về hàm lượng kim loại nặng như cadmi và thủy ngân trong nước thải.
Tiêu thụ phân lân trên thị trường nội địa của Nhật Bản hiện ở mức khoảng 300.000 tấn/năm. Theo tính toán, bùn nước thải có thể cung cấp phân lân đáp ứng 20% nhu cầu hàng năm. Nhưng một thách thức lớn là chi phí, vì chi phí xây dựng một nhà máy thu gom bùn nước thải sẽ lên đến khoảng 1 tỉ yên.
Chính phủ Nhật Bản cũng dự định sẽ hỗ trợ việc sử dụng phân bón sản xuất từ bùn nước thải. Bằng cách xây dựng cơ sở dữ liệu để cung cấp thông tin về các chất độc hại trong bùn nước thải, chính phủ hy vọng sẽ tạo ra sự minh bạch và cho những người sử dụng thấy những loại phân bón nào có thể được sử dụng mà không có tác động bất lợi. Bộ Nông nghiệp Nhật Bản dự kiến sẽ lập ra một trang web vào cuối tháng 3/2023, ở đó những người nông dân, các nhà sản xuất phân bón và các công ty xử lý nước thải có thể tìm kiếm thông tin đáp ứng nhu cầu của mình.
Bộ Nông nghiệp Nhật Bản đang có kế hoạch giải ngân 10 tỉ yên để tăng cường hỗ trợ hoạt động nghiên cứu triển khai cũng như tăng vốn đầu tư cho sản xuất phân bón từ nước thải.
Trong 3 năm tới, Nhật Bản sẽ phân phối tổng cộng 10 tỉ yên (77,8 triệu USD) cho các địa phương đang dự định xây dựng những nhà máy sản xuất phân lân như trên. Chính phủ đặt mục tiêu tăng gấp đôi lượng phân lân tái chế từ bùn nước thải, từ 27.000 tấn năm 2021 lên 55.000 tấn vào năm 2030.