Nhu cầu của Trung Quốc giúp giảm dư thừa Polyme trên thị trường thế giới

03:12 CH @ Thứ Tư - 14 Tháng Tư, 2021

Mặc dù nhu cầu yếu trong nửa sau năm 2020, giá nguyên liệu thấp đã khuyến khích các nhà sản xuất polyme tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tăng tối đa sản lượng. Trong khi đó, các chương trình tạm ngừng vận hành để bảo dưỡng nhà máy và sự hồi phục nhu cầu tại Trung Quốc đã cho phép các nhà sản xuất ở những khu vực khác cân đối sự sụt giảm nhu cầu bằng cách xuất khẩu sang Trung Quốc.

Thời gian đóng cửa nhà máy và việc trì hoãn đưa vào vận hành các nhà máy mới đã dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung và tăng giá polyme cuối quý 2/2020. Nhưng sau đó nhu cầu yếu ở một số lĩnh vực then chốt như sản xuất xe ôtô và thiết bị gia dụng cũng như việc đưa vào vận hành các nhà máy mới đã gây ra lo ngại về cung vượt cầu trong nửa sau năm 2020.

Giá polyme tại Đông Nam Á đã giảm sâu vào giữa tháng 3/2020, khi các biện pháp phong tỏa vì dịch COVID-19 làm giảm nhu cầu chất dẻo. Nhưng sự sụt giảm mạnh của giá dầu mỏ và nguyên liệu toàn cầu cũng như cơ hội gia tăng xuất khẩu sang Trung Quốc đã khuyến khích các nhà sản xuất Đông Nam Á vận hành các nhà máy polyme ở công suất gần công suất danh định trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 6/2020. Đồng thời, nhu cầu naphta cho sản xuất xăng ở vùng tây bắc châu âu sụt giảm mạnh đã dẫn đến xu hướng gia tăng xuất khẩu sang khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là khi mức chênh lệch giá naphta tại châu Âu và châu Á lại bắt đầu tăng vào giữa tháng 3. Đầu tháng 4/2020, giá naphta tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã giảm xuống mức thấp lịch sử là 165,75 $/tấn (CFR Nhật Bản).

Sản xuất polyme tăng nhờ nhu cầu khẩu trang

Cuối tháng 3/2020, nhu cầu khẩu trang phẫu thuật trên toàn cầu tăng mạnh do dịch COVID-19 đã dẫn đến sự gia tăng bất ngờ nhu cầu polypropylen (PP) bậc chất lượng sợi - nguyên liệu chính cho sản xuất khẩu trang. Tình hình đó đã khuyến khích các nhà sản xuất Trung Quốc tăng sản lượng PP sợi, dịch chuyển một phần từ sản xuất PP raffia. Giữa tháng 4, khoảng 40% các nhà máy PP tại Trung Quốc đã chuyển sang sản xuất PP sợi, tăng mạnh so với 3% vào cuối tháng 3. Nguồn cung PP raffia giảm khiến cho giá hồi phục mạnh vào giữa tháng 4. Nhu cầu PP cuối dòng mạnh cũng thúc đẩy sự tăng giá nguyên liệu propylen và propan. Tổng công suất vận hành của ngành sản xuất PP sợi tại Trung Quốc đã ổn định trở lại ở mức 10% vào tháng 6, khi nhu cầu khẩu trang phẫu thuật giảm bớt.

Tại Trung Quốc, việc hủy bỏ dần các biện pháp phong tỏa từ tháng 3/2020 và những chương trình bảo dưỡng dài ngày trong quý II/2020 đã dẫn đến sự hồi phục nhu cầu polyme trong nước cũng như nhu cầu nhập khẩu. Sau 76 ngày phong tỏa, điểm nóng của dịch COVID-19 là thành phố Vũ Hán đã mở cửa trở lại vào đầu tháng 4, đồng thời các dịch vụ vận chuyển công cộng cũng được khởi động lại.

Do khối lượng giao dịch thấp và chi phí vận chuyển cao hơn nên nguồn cung polyme cho Trung Quốc thường thấp hơn nguồn cung cho các nước Đông Nam Á và Ấn Độ. Nhưng từ giữa tháng 4 lượng giao dịch polyme tại Trung Quốc đã cao hơn so với các thị trường khác khi nhu cầu tăng cao. Nhu cầu cao của Trung Quốc đã tạo thành kênh đầu ra, giúp các nhà sản xuất ở Mỹ, Trung Đông, Ấn Độ và Đông Nam Á loại bỏ sản lượng dư thừa, đặc biệt là khi các giai đoạn phong tỏa ban đầu trong dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến nhu cầu nội địa cũng như trong khu vực.

Giá polyetylen tăng cao

Sự suy giảm nhu cầu PE tại Mỹ do các biện pháp phong tỏa vì dịch COVID-19 vào tháng 4 đã khuyến khích xuất khẩu sang Trung Quốc. Xu hướng xuất khẩu này cũng được hỗ trợ sau khi Trung Quốc giảm mức thuế đã áp vào LLDPE và HDPE nhập từ Mỹ trong thời gian chiến tranh thương mại. Sau khi được giảm thuế, LLDPE và HDPE của Mỹ chỉ phải chịu mức thuế nhập khẩu 6,5%, nhờ đó đã lấy lại sức cạnh tranh so với sản phẩm của Trung Đông. Đồng thời, các nhà cung ứng Mỹ đã xuất khẩu ít PE hơn sang các nước Đông Nam Á do nhu cầu yếu. Sự hồi phục nhanh của giá etylen tại Mỹ vào tháng 4 cũng làm giảm biên lợi nhuận của sản xuất PE, khiến cho Trung Quốc trở thành đầu ra xuất khẩu hấp dẫn để gia tăng lợi nhuận.

Các nhà sản xuất PE đã bắt đầu tăng giá từ cuối tháng 5 do giá nguyên liệu tăng và nhu cầu khu vực Châu Á-Thái Bình Dương được dự kiến sẽ hồi phục. Tại Đông Nam Á, nguồn cung PE thắt chặt khi nhà máy của các nhà cung ứng chính đóng cửa để bảo dưỡng. Mặt khác, nguồn cung PP đến Đông Nam Á cũng hạn chế do nhu cầu mạnh của Trung Quốc.

Tại Ấn Độ, lượng PE và PP tồn kho của các nhà sản xuất nội địa đã giảm dần sau khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng đầu tháng 5. Thời gian ngừng sản xuất vào tháng 4, sản lượng hạn chế trong tháng 5 và cam kết xuất khẩu sang Trung Quốc khiến cho nguồn cung trên thị trường nội địa thắt chặt. Giá polyme nội địa tăng cũng khuyến khích các nhà kinh doanh và các công ty gia công chất dẻo cân nhắc phương án nhập khẩu từ nước ngoài.