Nhu cầu phân đạm trên thế giới tiếp tục tăng

04:06 CH @ Thứ Ba - 17 Tháng Năm, 2022

Mặc dù giá các loại phân bón đã tăng đáng kể trong năm 2021, nhu cầu phân đạm trên thế giới được dự báo sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong năm 2022.

Nhu cầu phân bón 

Theo báo cáo tháng 8-2021 của Hiệp hội phân bón quốc tế IFA về triển vọng phân bón trung hạn 2021-2025, lượng phân bón N, P, K được sử dụng trên toàn cầu trong niên vụ 2020-2021 ước đạt 198,2 triệu tấn, tăng 10 triệu tấn (5,2%) so với niên vụ 2019-2020, đây là mức tăng lớn nhất kể từ niên vụ 2020-2011. IFA dự báo, nhu cầu phân bón niên vụ 2021-2022 sẽ đạt 199,9 triệu tấn, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, nhu cầu phân bón toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục tăng với tốc độ tăng trưởng 1%/năm trong thời kỳ 2021-2026. 

Nhu cầu phân đạm trong niên vụ 2020-2021 đã tăng 4,1 %, đạt 110 triệu tấn. 

Sản lượng amoniăc trên thế giới trong năm 2020 đã tăng 2,9 triệu tấn, đạt tổng cộng 185 triệu tấn. Trong thời kỳ 2015-2020, công suất NH­3­ toàn cầu đã tăng tổng cộng 6 triệu tấn.

Theo dự báo của Công ty tư vấn CRU tại Anh, nhu cầu urê trên thế giới trong năm 2022 sẽ tăng 3%, đạt khoảng 170 triệu tấn. 

Trên thực tế, hiện nay chỉ ít có dấu hiệu cho thấy nhu cầu phân đạm sẽ giảm khi giá tăng cao, vì phân đạm là nguồn cung ứng chất dinh dưỡng quan trọng nhất cho cây trồng. 

Ảnh hưởng của giá khí thiên nhiên 

Một trong những lý do khiến cho giá phân đạm tăng cao trên thị trường thế giới năm 2021 là xu hướng tăng giá khí thiên nhiên, đặc biệt là tại châu Âu. 

Trong năm 2021, giá khí thiên nhiên đã tăng trên toàn cầu khi các quốc gia tái mở cửa nền kinh tế và gỡ bỏ dần các biện pháp hạn chế để phòng ngừa dịch COVID-19, khiến cho nhu cầu khí thiên nhiên tăng trở lại.

Giá khí thiên nhiên cao đã buộc một số nhà sản xuất phân bón tại châu âu phải cắt giảm sản lượng. Tháng 9/2021, Công ty CF Industries đã phải tạm ngừng sản xuất tại hai nhà máy ở Anh do giá khí thiên nhiên tăng cao chóng mặt. Các nhà máy này sau đó đã hoạt động trở lại khi nhận được hỗ trợ của chính phủ.

Mặc dù một số nhà quan sát thị trường cho rằng các công ty sản xuất phân bón có thể hạn chế sản xuất để tăng giá sản phẩm, nhưng trên thực tế các công ty sản xuất phân đạm ở nhiều trên thế giới vẫn tiếp tục vận hành với công suất cao nhất có thể. Nhiều công ty còn trì hoãn hoạt động bảo dưỡng để tiếp tục sản xuất trong bối cảnh nhu cầu thị trường duy trì ở mức cao.

Nhu cầu phân đạm tại Mỹ

Những gì đang diễn ra tại Bắc Mỹ, đặc biệt là Mỹ, đang có ảnh hưởng lớn đến thị trường phân đạm toàn cầu. 

Theo Cục Khảo sát địa chất Mỹ, Mỹ là một trong những quốc gia sản xuất và tiêu thụ amoniăc hàng đầu trên thế giới. Khoảng 88% lượng tiêu thụ amoniăc tại đây được sử dụng làm phân bón.
Ước tính, Mỹ sản xuất 14 triệu tấn NH­3­ và tiêu thụ 16 triệu tấn trong năm 2020, trong đó 2 triệu tấn được nhập từ Trinidad và Tobago (65%) cũng như Canađa (30%).

Một nhà phân tích thị trường nông nghiệp tại Ngân hàng Rabobank cho biết, một yếu tố quan trọng khác đối với triển vọng phân đạm năm 2022 là diện tích trồng ngô ở Mỹ. Trước đây, một số chuyên gia đã đặt ra khả năng là người nông dân Mỹ có thể chuyển đổi một phần diện tích trồng ngô sang trồng đậu nành do giá phân bón cao. Tuy nhiên kết quả thực tế vừa qua cho thấy, với những mức giá nông sản như hiện nay thì trồng ngô vẫn đạt lợi nhuận tốt hơn so với trồng đậu nành. 

Nhu cầu phân đạm trên thế giới đã đạt mức khá cao trong năm 2021 do giá nông sản cao thúc đẩy người nông dân tiếp tục bón phân nhiều hơn. Nhu cầu phân đạm trong năm 2022 có thể còn cao hơn, tuy nhiên thị trường sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn về nguồn cung như hiện nay. 

- Bản tin Công nghieepjj Hóa chất số 9(4/2022)-