Những thách thức đối với công nghiệp hóa chất thế giới trong năm 2023

09:49 SA @ Thứ Sáu - 26 Tháng Năm, 2023

Công nghiệp hóa chất thế giới đã trải qua và vượt qua nhiều thách thức trong quá trình phát triển. Năm 2023 ngành công nghiệp này sẽ phải tiếp tục đứng trước một số trở ngại và thách thức không nhỏ, như tình trạng dư thừa công suất do hậu quả của dịch COVID-19, giá năng lượng và nguyên liệu tăng cao, chi phí hậu cần đường biển cao, xu hướng dịch chuyển sản xuất về nước, sự thoái trào của toàn cầu hóa.

Tình trạng dư thừa công suất

Sau khi tăng trưởng liên tục trong thập niên trước, cỗ máy kinh tế thế giới đã dừng lại và quay đầu giảm trong năm 2020. Do hậu quả của dịch COVID-19, kinh tế thế giới đã mất đi 3 năm tăng trưởng. 3 năm cũng là thời gian trung bình cần thiết để thực hiện thủ tục chấp thuận, xây dựng và đưa vào vận hành một nhà máy hóa chất. Những nhà máy hóa chất đã được khởi công xây dựng trong thời gian 2019-2020 thì nay đang đi vào vận hành, trong khi đó thị trường không tăng trưởng như dự kiến ban đầu vào lúc thiết kế và xây dựng nhà máy.

Những trường hợp như trên đã xảy ra chủ yếu ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc - động cơ tăng trưởng chính của thế giới trước khi xảy ra đại dịch. Hậu quả là tình trạng dư thừa công suất, được minh chứng bằng sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế thế giới trong thời gian gần đây. Tình hình này sẽ càng thêm trầm trọng hơn do sự ra đời của những nhà máy đã trở nên thực sự không cần thiết trong thời gian 3 năm tới, kể từ năm 2023.

Năm 2023 có thể chứng kiến sự gia tăng mạnh của nhu cầu hóa chất nhờ nhu cầu hàng tiêu dùng gia tăng, tuy nhiên sự hồi phục như vậy lại kéo theo tình trạng lợi nhuận thấp do dư thừa công suất, ít nhất là ở một số lĩnh vực hóa chất.

Giá năng lượng và nguyên liệu

Lo ngại chính hiện nay của công nghiệp hóa chất châu âu là giá năng lượng cao. Giá khí thiên nhiên đã đạt đỉnh 343 €/MWh vào tháng 8/2022, khi phần lớn nguồn cung từ Nga đến Tây Âu (chiếm 40% tổng nhu cầu) đã bị cắt đứt sau sự cố nổ vỡ đường ống dẫn NordStream 1. Nhưng sau đó giá khí thiên nhiên trên thị trường đã giảm nhờ nguồn cung khí thiên nhiên hóa lỏng từ Mỹ, Quatar và các nơi khác, cuối cùng đã giảm xuống 55 €/MWh, tương đương 17,4 $/mmBtu vào giữa tháng 1/2023. Một cảng tiếp nhận cũng như các kho dự trữ khí thiên nhiên hóa lỏng đã được xây dựng và đưa vào vận hành ở châu âu trong thời gian ngắn kỷ lục.    

Mặc dù vậy, ngay cả khi giá khí thiên nhiên giảm xuống mức như hiện nay công nghiệp hóa chất châu âu vẫn ở vị thế bất lợi so với Mỹ (nơi mà giá khí thiên nhiên chỉ bằng 1/3 mức giá trên thị trường châu âu) và đặc biệt là so với châu Á, nơi chi phí năng lượng thấp hơn rất nhiều do chủ yếu sử dụng than. Nhà máy hóa chất của Tập đoàn BASF tại Ludwigshafen (Đức) tiêu thụ nhiều khí thiên nhiên như toàn bộ Thụy Sĩ. Một số nhà máy hóa chất ở châu âu đã phải đóng cửa, ví dụ các nhà máy amoniăc. Một số nhà máy có thể sẽ phải đóng cửa mãi mãi.

Giá khí thiên nhiên cao tại châu âu đi đôi với xu hướng tăng giá dầu thô, naphta và các nguyên liệu cơ bản khác cũng như giá điện. Các công ty sản xuất hóa chất châu âu đang phải lo ngại sản phẩm cạnh tranh nhập khẩu từ châu Á hoặc các khu vực khác với chi phí nguyên liệu thấp hơn. Các công ty công nghiệp sử dụng sản phẩm của ngành hóa chất có thể chuyển sang tìm kiếm nguồn cung rẻ tiền hơn ở nước ngoài thay cho những nguồn cung được đảm bảo trong nước, các đại lý kinh doanh trung gian cũng sẽ bắt buộc phải mở rộng nguồn cung ứng hàng bằng hàng hóa từ Trung Quốc hoặc các nơi khác để tiết kiệm chi phí. Ví dụ, khi giá polyamit 6 trên thị trường châu âu đang ở mức khoảng 2.800 $/tấn thì các nhà kinh doanh khó có thể bỏ qua các đơn chào hàng từ Trung Quốc với giá 1.650 $/tấn, cho dù cộng cước phí có thể tăng đến 1.900 $/tấn. Tuy nhiên, các công ty có nhu cầu mua hàng cũng lo ngại những mức giá hấp dẫn như vậy sẽ biến mất sau khi nền kinh tế Trung Quốc hồi phục mạnh trở lại. 

Chi phí vận tải đường biển

Một trong những yếu tố bảo vệ công nghiệp hóa chất châu âu trước sự xâm nhập mạnh của hàng hóa nhập khẩu là chi phí vận chuyển từ châu Á. Chi phí vận chuyển một côngtenơ chứa khoảng 26 tấn nguyên liệu từ Đông Á đến châu âu nằm ở mức khoảng 13.000$ trong phần lớn thời gian năm 2021, khiến cho chi phí thực tế của nguyên liệu đội lên thêm 500 $/tấn.

Cước phí vận chuyển hàng chất lỏng bằng tàu thuyền chở hóa chất trong năm 2021 là khoảng 300 $/tấn. Tuy hiện nay mức giá này đã giảm nhiều, chỉ còn 4.000 $/côngtenơ, nhưng vẫn cao hơn giá trước đại dịch. Những chi phí như vậy cùng với thuế nhập khẩu đã bảo vệ châu âu trước sự tấn công của các nguồn hàng từ bên ngoài. Ngoài ra, các công ty bắt buộc phải nhận được chứng chỉ REACH trong trường hợp chất lỏng hoặc các chất dễ bay hơi. Một vấn đề khác khiến cho chi phí vận tải tăng cao là các công ty vận tải phải đưa tàu quay trở về với những côngtenơ rỗng vì sản phẩm hóa chất sản xuất ở châu âu không thể được xuất khẩu do giá cao.

Xu hướng dịch chuyển sản xuất về nước

Nhiều ngành công nghiệp trên thế giới đã dựa vào châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, như nguồn cung ứng chính đối với nguyên vật liệu và các thành phần. Trong thời gian đỉnh cao của dịch COVID-19, chuỗi cung ứng này đã đột ngột đứt đoạn. Tình trạng thiếu tàu thuyền vận chuyển cùng với chi phí vận tải tăng cao càng làm cho vấn đề trở nên trầm trọng hơn.

Khả năng cung ứng hàng đúng thời điểm đã định từ một nhà máy nằm cách xa nửa vòng Trái Đất chỉ có thể được duy trì nếu hệ thống hậu cần hoạt động hoàn hảo. Hệ thống sản xuất và chuỗi cung ứng trên thế giới đã hoạt động như vậy trong thập niên trước. Nhưng vài năm trong đại dịch vừa qua đã cho thấy tính dễ tổn thương của chuỗi cung ứng mong manh đó. Vì vậy, các nhà sản xuất ngày càng tìm cách dịch chuyển các nguồn cung ứng quan trọng về gần hơn nơi sản xuất.

Xu hướng dịch chuyển sản xuất về nước càng trở nên cấp bách đối với những sản phẩm công nghệ cao, nhất là những sản phẩm như hàng điện tử, vi mạch hoặc pin tính năng cao. Các chính phủ đang hỗ trợ tài chính cho các công ty để xây dựng nhà máy mới trong nước, mặc dù chi phí nhân công cao hơn. Một số chính phủ cũng đưa ra các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với các sản phẩm công nghệ tiên tiến.

Sự thoái trào của toàn cầu hóa để đổi lấy an toàn về cung ứng khiến cho hiệu quả sản xuất nhìn chung sẽ giảm. Nhưng công nghiệp hóa chất sẽ chỉ đi theo xu hướng này ở mức hạn chế, vì châu Á vẫn tiếp tục là địa điểm quan trọng của tăng trưởng công nghiệp trên thế giới, trong khi đó ngày nay các công nghệ sản xuất hóa chất đã được phổ biến rộng rãi. Tuy nhiên, một số hoạt động, ví dụ chiết xuất liti, có khả năng sẽ được dịch chuyển gần hơn về phía những nhà sản xuất cuối dòng ở Châu Âu và Mỹ.

Mặt khác, chính phủ ở nhiều nước đang khuyến khích tăng cường hệ thống sản xuất điện trong nước, nhất là các hệ thống sử dụng năng lượng tái tạo. Khi quá trình lắp đặt các thiết bị năng lượng tái tạo được đẩy nhanh, nhu cầu tiêu thụ một số sản phẩm hóa chất, ví dụ nhựa epoxy cho cánh quạt tuabin gió, cũng sẽ tăng theo.

Những thách thức nêu trên đối với công nghiệp hóa chất đang diễn ra trong năm mà nhiều nhà kinh tế dự báo sẽ trở thành năm suy thoái của kinh tế toàn cầu.

Trong khi đó, các nhà kinh tế tại Diễn đàn Kinh tế thế giới tháng 1/2023 (Davos, Thụy Sĩ) cho rằng thế giới đang nằm trong quá trình chuyển tiếp kéo dài nhiều năm. Tác động kết hợp của quá trình chuyển đổi năng lượng và định hình lại chuỗi cung ứng, sự suy giảm hiệu quả sản xuất do toàn cầu hóa thoái trào cùng với nhu cầu đầu tư cho quá trình phục hồi nhanh hơn sẽ khiến cho hoạt động kinh tế thế giới giảm ở mức tương đương 1-3% GDP toàn cầu. Nhưng chúng ta không nên nhìn nhận những vấn đề trên như một cuộc khủng hoảng trước mắt mà cần đánh giá chúng với tầm nhìn dài hạn .

Nguồn: