Những yếu tố dẫn đến xu hướng tăng giá trên thị trường phân bón thế giới

03:43 CH @ Thứ Sáu - 09 Tháng Chín, 2022

Chu kỳ tăng giá phân bón trên thế giới hiện nay gợi nhớ lại thời kỳ Đại suy thoái kinh tế toàn cầu 2007-2009, khi giá tăng gần gấp đôi ở tất cả các nhóm phân bón chính. Vào thời gian đó, giá phân bón được thúc đẩy bởi nhu cầu tăng mạnh ở nhiều thị trường mới nổi, nhu cầu sử dụng ngô và các loại ngũ cốc khác cho sản xuất nhiên liệu sinh học tại Mỹ, Braxin và châu âu, xu hướng tăng mạnh của giá năng lượng, thuế xuất khẩu phân bón của Trung Quốc. Tuy nhiên, những đợt tăng giá phân bón thời kỳ Đại suy thoái kinh tế chỉ diễn ra trong những thời gian ngắn và dừng lại sau khi nhu cầu phân bón giảm do sự suy giảm của thương mại nông nghiệp toàn cầu kết hợp với sự tăng trưởng chậm lại của các nền kinh tế, kéo theo giá hàng hóa giảm.

Những yếu tố cung cầu

Hiện nay, một yếu tố tương tự như trong thời kỳ Đại suy thoái kinh tế đã khiến cho giá phân bón tăng mạnh, đó là nhu cầu phân bón toàn cầu vẫn duy trì ở mức cao. Tuy từ năm 2007 một số quốc gia đã giảm lượng sử dụng phân bón trong nông nghiệp, nhưng tiêu thụ các chất dinh dưỡng cây trồng ở nhiều quốc gia khác vẫn tiếp tục tăng. Kể từ năm 2007, thị phần của Mỹ trong nhu cầu phân bón thế giới giảm từ 20% xuống 10%, nhưng thị phần này ở nhiều thị trường mới nổi đã không ngừng tăng.

Trong khi đó, nguồn cung phân bón toàn cầu trở nên suy yếu do ảnh hưởng của nhiều yếu tố: Sự tăng giá của các nguồn nguyên nhiên liệu đầu vào trong sản xuất phân bón, sự đứt gãy của chuỗi cung ứng, các hạn chế về xuất khẩu phân bón do những yếu tố như chiến tranh Nga-Ucraina và cuộc khủng hoảng thiếu điện ở Trung Quốc,... 

Xu hướng tăng mạnh giá khí thiên nhiên từ giữa năm 2021, đặc biệt là tại châu âu, đã dẫn đến việc giảm sản lượng amoniăc - nguyên liệu đầu vào quan trọng cho sản xuất phân bón. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất tại Trung Quốc được khôi phục sau dịch COVID-19 khiến cho nhu cầu điện tăng đột biến, nhưng hạn hán và giá than tăng mạnh đã dẫn đến tình trạng thiếu điện lan rộng trên toàn quốc, đặc biệt là ở một số trung tâm sản xuất và xuất khẩu chính. Các cơ sở công nghiệp khổng lồ của Trung Quốc đã phải vật lộn với tình trạng giá điện tăng mạnh và phải hạn chế sử dụng điện, một số nhà máy sản xuất phân bón phải ngừng hoạt động. Đứng trước tình hình đó, Trung Quốc đã buộc phải áp thuế xuất khẩu phân bón cho đến tháng 6-2022, đặc biệt là phân lân, để đảm bảo nguồn cung cho nông nghiệp trong nước và đảm bảo an ninh lương thực. Khi Trung Quốc ngừng xuất khẩu phân bón, nguồn cung trên toàn cầu đã giảm đáng kể.

Từ đầu năm 2022, những căng thẳng địa chính trị trên thế giới đã làm cho sự đứt gãy của chuỗi cung ứng do dịch COVID-19 càng trở nên trầm trọng hơn. Đặc biệt, các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Belarut và Nga cùng với quyết định hạn chế xuất khẩu của Nga đã ảnh hưởng nặng nề đến thị trường phân bón. 

Nga và đồng minh Belarut của mình là hai quốc gia cung ứng phân bón quan trọng trên thị trường toàn cầu. Mới đây, nhiều quốc gia phương Tây đã áp đặt các biện pháp hạn chế lên phân bón nhập khẩu từ Nga. Đáp lại, Nga cũng quyết định hạn chế xuất khẩu phân đạm và phân đạm phức hợp cho đến tháng 6/2022. Từ tháng 5/2022 chính phủ Nga đã nới lỏng lệnh cấm, tăng quota xuất khẩu đối với một số loại phân bón. Vì vậy, xuất khẩu phân đạm của nước này đã tăng 231.000 tấn, đạt 5,7 triệu tấn, xuất khẩu phân đạm phức hợp tăng 466.000 tấn, đạt 5,6 triệu tấn. Nhưng một sắc lệnh của chính phủ Nga ngày 1/6/2022 đã xác nhận ý định duy trì quota xuất khẩu phân bón cho đến cuối năm 2022. 

Nhìn chung, các vấn đề về nguồn cung có thể góp phần khiến cho giá phân bón tăng trong thời gian dài, khi chiến tranh giữa Nga và Ucraina còn tiếp tục.

Ảnh hưởng của chiến tranh Nga-Ucraina

Xung đột chiến tranh giữa Nga và Ucraina đang tác động mạnh mẽ lên nguồn cung phân bón và lương thực  toàn cầu. Quyết định hạn chế xuất khẩu phân bón của Nga đã loại bỏ gần 15% nguồn cung phân bón ra khỏi thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, tác động thực tế của quyết định này là không rõ ràng, vì hiện nay Nga đã ngừng công bố dữ liệu thương mại. Theo tổ chức Trade Data Monitor, từ tháng 1/2022 đã không có dữ liệu về xuất khẩu phân bón từ Nga. Trong khi đó, một số nước (kể cả Mỹ và Braxin) vẫn tiếp tục thông báo những đợt nhập khẩu phân bón từ Nga cho đến tháng 4/2022. Những thông tin không rõ ràng về nguồn cung phân bón của Nga có khả năng sẽ khiến cho giá phân bón trên thị trường duy trì ở mức cao cho đến khi chiến tranh Nga-Ucraina kết thúc, vì trung bình sẽ phải mất 3-5 năm để tăng sản lượng phân bón trong điều kiện đã sẵn có các nguồn nguyên liệu. Trong khi đó, tài nguyên quặng phốtphat và quặng kali chỉ hạn chế ở một số ít quốc gia.

Hiện nay, một số nước đã áp dụng các quy định hạn chế nhập khẩu trong khuôn khổ các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Ngày 8/4/2022, EU đã đặt ra quota nhập khẩu đối với một số loại phân bón như một phần trong gói trừng phạt. Những biện pháp trừng phạt như vậy có khả năng sẽ duy trì và làm tăng thêm áp lực lên thị trường phân bón toàn cầu. Mỹ cũng đã đặt ra các hạn chế đối với Nga, kể cả hạn chế tiếp cận các linh kiện sửa chữa đường ống và vật liệu đầu vào quan trọng khác cho quá trình sản xuất phân bón. Tuy nhiên, Mỹ không áp đặt các biện pháp trừng phạt trực tiếp lên phân bón của Nga, mặc dù EU và Mỹ đã áp đặt một số biện pháp trừng phạt lên phân bón của Belarut.

Cuộc chiến tranh của Nga ở Ucraina cũng đã làm ngừng hoạt động sản xuất phân bón của Ucraina. Mặc dù chỉ chiếm tỷ lệ sản lượng tương đối nhỏ trong ngành sản xuất phân bón toàn cầu, năm 2019 Ucraina đã sản xuất 1,58 triệu tấn phân bón, đáp ứng hơn 75% tiêu thụ phân đạm trong nước. Ngoài ra, 65% phân bón nhập khẩu của Ucraina đến từ Nga và Belarut. Với vị trí quốc gia sản xuất ngũ cốc và hạt cải dầu hàng đầu trên thế giới, tình trạng thiếu phân bón có thể khiến cho sản lượng nông nghiệp của Ucraina giảm tiếp, ảnh hưởng đến an ninh lương thực toàn cầu.

Tác động của sự mất cân đối nguồn cung 

Hiện nay, Trung Quốc, Nga, Mỹ, Ấn Độ và Canađa sản xuất tổng cộng hơn 60% lượng phân bón trên thế giới. Nga và Mỹ chiếm mỗi nước 10% nguồn cung phân bón toàn cầu, trong khi đó Trung Quốc chiếm khoảng 25%. Mức độ tập trung sản xuất đã tăng theo các thành phần riêng rẽ của phân NPK phức hợp. 10 quốc gia trên thế giới sản xuất 71%, 86% và 95% các loại phân N, P, K tương ứng.

Phân đạm thường được sản xuất theo quá trình Haber-Bosch và đòi hỏi sử dụng rất nhiều khí thiên nhiên. Tùy theo nguồn cung và giá khí thiên nhiên, nhiều nước bị hạn chế khả năng mở rộng sản xuất phân đạm.

Trung Quốc sản xuất hơn một phần ba sản lượng phân lân trên thế giới, tiếp theo là Mỹ, Ấn Độ, Marốc và Nga. Tổng cộng, 5 quốc gia này sản xuất hơn ba phần tư nguồn cung phân lân toàn cầu. 

Sản xuất phân kali là lĩnh vực sản xuất có mức độ tập trung cao nhất. Ba nước Canađa, Nga và Belarut chiếm hai phần ba trữ lượng phân kali trên thế giới.

Gần như mỗi quốc gia sản xuất nông nghiệp trên thế giới đều phải dựa vào nhập khẩu phân bón từ một số ít quốc gia có nguồn nguyên liệu và ngành sản xuất phân bón.

Nhưng sự tập trung của sản xuất phân bón khiến cho thị trường phân bón toàn cầu dễ bị tổn thương trước các biến cố địa chính trị ở một số khu vực, dẫn đến rủi ro thắt chặt nguồn cung và dao động mạnh về giá.

Nguồn: