"/>"/>

Nông dân Tây Nguyên với nỗi lo phân bón tăng giá

08:42 SA @ Thứ Ba - 14 Tháng Tám, 2012

Đến hẹn lại lên, khi bước vào mùa mưa, nhu cầu sử dụng phân bón ở Tây Nguyên lại tăng mạnh. Lợi dụng tình hình này, các đại lý, doanh nghiệp đồng loạt đẩy giá các loại phân bón lên cao khiến nông dân không khỏi “đau đầu”.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Đắk Lắk, vụ hè thu năm nay, toàn tỉnh gieo trồng trên 55.000ha lúa, 138.000ha cây trồng các loại nên nhu cầu phân bón sẽ tăng cao. Tuy nhiên, hiện giá các loại phân bón không ngừng tăng, nhất là phân bón nhập khẩu, tăng từ 1- 1,2 triệu đồng/tấn, các loại phân bón sản xuất trong nước cũng có giá khá cao, hiện urê Phú Mỹ có giá 610.000 đồng/bao (loại 50 kg), NPK Đầu Trâu màu vàng 16-8-16, NPK Đầu Trâu màu xanh 16-16-13, NPK Việt- Nhật… giao động trong khoảng 600.000 – 715.000 đồng/bao, tăng 35.000 - 45.000 đồng/bao so với thời điểm cuối tháng 5.

Chị Lê Thị Lan Anh, chủ đại lý phân bón tại thị xã Buôn Hồ cho biết, trước đây, mỗi khi bước vào vụ sản xuất mới, giá phân bón có tăng nhưng không đáng kể, chỉ khoảng 5.000- 10.000 đồng/bao. Tuy nhiên, năm nay, mới vào đầu vụ hè thu mà giá phân bón đã tăng ngất ngưởng, trung bình 15- 25% so với cùng kỳ. Theo chị Trần Thị Minh, chủ đại lý phân bón ở xã Ea Toh (huyện Krông Năng), hơn một tháng nay, nhu cầu sử dụng phân bón cho càphê, lúa nước của bà con trên địa bàn tăng mạnh, có hôm đại lý không còn hàng để bán, nhất là phân urê, NPK, lân, SA… Nguyên nhân là do sức mua lớn, chi phí vận chuyển từ các cảng biển lên khu vực Tây Nguyên gặp nhiều khó khăn do giao thông cách trở, dẫn đến các doanh nghiệp phân phối, đơn vị bán lẻ trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng đều đồng loạt đẩy giá phân bón lên cao. Bên cạnh đó, không loại trừ trường hợp một số chủ đại lý, cửa hàng kinh doanh phân bón lợi dụng tăng giá trục lợi bất chính, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Chi phí đầu tư cho cây trồng hiện đang trở thành gánh nặng đè lên vai nông dân khi tất cả mọi thứ cấu thành giá đầu vào đều tăng. Đối với cây càphê, bình quân 1ha phải bón từ 1- 1,5 tấn phân vô cơ/đợt (mỗi năm 2- 3 đợt), tương đương 1,5- 2 triệu đồng. Trong khi đó, phần lớn bà con đã bán hết càphê nhân ngay sau khi thu hoạch (tháng 4), đến nay, nguồn vốn mua phân bón chủ yếu là vay nợ lãi. Gia đình ông Nguyễn Văn Quang ở xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn) vào thời điểm này năm trước đã mua 2tấn phân vô cơ, còn năm nay chỉ đủ tiền mua 1 tấn. Ông Quang lo lắng: “Mọi chi tiêu trong gia đình chỉ trông vào rẫy càphê, thu hoạch xong là bán hết để trả nợ, tôi đang tính phải vay lãi ngân hàng để mua phân bón chứ giá cả cao như thế này thì không biết xoay xở ra sao”.

Anh Nguyễn Đình Công ở xã Bình Hòa (huyện Krông Ana) phân trần: “Vụ hè thu những năm trước, gia đình tôi gieo cấy 2ha lúa, nhưng năm nay chỉ sản xuất khoảng 1ha. Với giá phân bón như hiện nay, 1ha phải chi 2,5- 3 triệu đồng tiền phân bón, nếu chăm sóc tốt, bình quân thu được 6- 6,5 tấn thóc, tương đương khoảng 3- 3,5 triệu đồng, đó là chưa kể tiền thuê máy móc cày xới đất, nhân công làm cỏ, thu hoạch cũng tăng cao nên người trồng lúa không có lãi, sắp tới chắc phải chuyển đổi cây trồng khác”. Bên cạnh nỗi lo giá tăng, thời gian gần đây, tình trạng kinh doanh, buôn bán phân bón giả, nhái xuất hiện khá nhiều trên thị trường cũng là vấn đề đang làm bà con nông dân lo lắng.

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT Đắk Lắk, để bảo đảm kế hoạch đề ra, giảm tối đa chi phí sản xuất cho người dân, Sở chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân tận dụng triệt để nguồn phân hữu cơ từ chất thải gia súc, lá cây bón cho đồng ruộng; triển khai có hiệu quả chương trình “ba giảm, ba tăng”; phối hợp với các cơ quan chuyên môn cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên bám đồng ruộng, hướng dẫn kỹ thuật để giảm tối đa chi phí sản xuất nhưng vẫn đảm bảo năng suất.

Nguồn: