Ngành phân bón giá rẻ của Nga có nguy cơ khiến các nhà sản xuất châu Âu phá sản hoặc rời khỏi lục địa, gây rủi ro cho an ninh lương thực lâu dài, ngành dinh dưỡng cây trồng cảnh báo.
Dòng khí đốt tự nhiên của Nga vào EU đã chậm lại đáng kể và các nước châu Âu đã chuyển sang các nguồn cung cấp khác. Nhưng Nga vẫn tiếp tục sử dụng khí đốt của mình để sản xuất và xuất khẩu sang châu Âu loại phân bón gốc nitơ giá rẻ.
Đối với một số loại phân bón, chẳng hạn như urê, châu Âu thậm chí còn tăng đáng kể nhập khẩu. Phân bón giá rẻ đã giúp ích cho nông dân châu Âu, nhưng các nhà sản xuất phân bón của chính khu vực này lại đang phải vật lộn để cạnh tranh.
Petr Cingr, giám đốc điều hành của SKW Stickstoffwerke Piesteritz (Đức), cho biết: “Thị trường hiện đang tràn ngập phân bón từ Nga, có giá cạnh tranh hơn so với các sản phẩm của khối. Nga chiếm ưu thế hơn một phần nhờ sở hữu nguồn cung khí đốt dồi dào”.
Ông đồng thời cảnh báo: “Nếu các chính trị gia không hành động, năng lực sản xuất của châu Âu sẽ biến mất”.
Đồng quan điểm với giám đốc điều hành SKW Stickstoffwerke Piesteritz, ông Svein Tore Holsether, giám đốc điều hành của Yara International, một trong những nhà sản xuất phân khoáng gốc nitơ lớn nhất thế giới, người đã nói vào tháng 4 rằng châu Âu đang “mộng du” và phụ thuộc vào phân bón của Nga.
Theo dữ liệu của Eurostat, 1/3 lượng urê nhập khẩu của EU, dạng phân bón gốc nitơ rẻ nhất, đến từ Nga, với lượng nhập khẩu vào năm 2023 gần đạt mức kỷ lục. Theo dữ liệu hải quan, nhập khẩu urê Nga của Ba Lan đã tăng lên gần 120 triệu USD vào năm 2023, tăng từ mức hơn 84 triệu USD vào năm 2021.
Benjamin Lakatos, Giám đốc điều hành của MET Group, một công ty năng lượng có trụ sở tại Thụy Sĩ, cho biết: “Những năm khủng hoảng đang đến với ngành phân bón châu Âu”.
Ông cho biết, với 70 đến 80% chi phí hoạt động của một công ty phân bón đến từ khí đốt tự nhiên, ngành này sẽ bị ảnh hưởng nhanh hơn các lĩnh vực khác do chi phí khí đốt và năng lượng tăng cao.
BASF, tập đoàn hóa chất lớn nhất thế giới, đã thu hẹp hoạt động tại châu Âu trong vài năm qua, bao gồm cả hoạt động kinh doanh phân bón, thay vào đó tập trung đầu tư mới vào Mỹ và Trung Quốc, nơi có chi phí thấp hơn.
Ông Cingr cho biết thêm, do không có hoạt động sản xuất ở châu Âu, khối sẽ phụ thuộc vào hàng nhập khẩu từ các quốc gia khác, chủ yếu là phi dân chủ, như Nga và đồng minh Belarus.
Chris Lawson, người đứng đầu bộ phận phân bón tại công ty tư vấn CRU, cho biết Brussels khó có thể đáp lại lời kêu gọi trừng phạt đối với phân bón của Nga. Ông nói: “Ký ức về giá phân bón cao vào năm 2022 và các mối đe dọa đối với an ninh lương thực vẫn còn đọng lại trong ký ức của các nhà hoạch định chính sách”.