Phân đạm sắp vào “cuộc chiến”

02:00 CH @ Thứ Sáu - 25 Tháng Hai, 2011

Sản phẩm Đạm Phú Mỹ sẽ không còn ở vị trí chủ đạo thị trường, khi cuối năm 2011, sẽ có thêm nhiều nhà máy phân đạm khác chính thức đi vào hoạt động.

Ông Chu Văn Tuấn, Phó tổng giám đốc Vinachem, kiêm Trưởng Ban quản lý Dự án Đạm Ninh Bình cho biết, theo kế hoạch, tháng 11/2011, sản phẩm phân đạm của Nhà máy Đạm Ninh Bình thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) sẽ được bàn giao cho chủ đầu tư. Với sản lượng 560.000 tấn/năm, Nhà máy Đạm Ninh Bình sẽ bổ sung nguồn cung đáng kể từ nội địa cho thị trường phân đạm trong nước, hiện đang phải nhập khẩu tới 60%.

Không chỉ có đạm Ninh Bình, Dự án Đạm Cà Mau công suất 800.000 tấn/năm do Tập đoàn Dầu khí (PVN) làm chủ đầu tư cũng đang dốc hết tốc lực để về đích đúng hẹn (cuối năm 2011, đầu năm 2012). Tới hết năm 2010, dự án này đã hoàn thành 74,4% tổng khối lượng công việc. Các công việc đào tạo nhân lực cho Dự án cũng đã được triển khai.

Với sự có mặt của hai nhà máy sản xuất phân đạm mới vào cuối năm nay, năng lực sản xuất phân đạm của các doanh nghiệp trong nước sẽ được nâng từ hơn 900.000 tấn/năm (bao gồm 740.000 tấn của Nhà máy Đạm Phú Mỹ và 180.000 tấn của Nhà máy Đạm Hà Bắc) lên trên 2,2 triệu tấn/năm.

Nhưng sẽ không chỉ dừng lại đó, với Dự án mở rộng đầu tư Nhà máy Đạm Hà Bắc từ 180.000 tấn/năm lên 500.000 tấn/năm đã được khởi công tháng 11/2010, hay sự góp mặt của Dự án đạm thuộc Công Thanh Group tại Khu kinh tế Nghi Sơn với công suất khoảng 560.000 tấn/năm (được thông báo trên website chính thức của doanh nghiệp này là đang triển khai), công suất của các nhà máy đạm trong nước có thể vượt 3 triệu tấn/năm trong tương lai không xa.

Như vậy, việc xuất khẩu phân đạm sẽ là điều rất gần, nếu các nhà máy sản xuất phân đạm đã và đang chuẩn bị đi vào hoạt động phát huy hết công suất.

Một báo cáo mới nhất của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) - chủ của Nhà máy Đạm Phú Mỹ cho hay, mỗi năm, nhu cầu tiêu thụ phân đạm của cả nước là 1,7-2 triệu tấn. Trong 6 năm gần đây, kể từ sau khi Nhà máy Đạm Phú Mỹ đi vào hoạt động bên cạnh Nhà máy Đạm Hà Bắc hiện có, lượng phân đạm nhập khẩu hàng năm dao động 720.000 - 950.000 tấn (trừ năm 2009, lên tới 1,3 triệu tấn).

Ông Phùng Hà, Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công thương) cho hay, khi hai nhà máy mới đi vào hoạt động, Việt Nam sẽ chuyển từ vị trí một nước chuyên nhập khẩu phân đạm với số lượng lớn sang xuất khẩu phân đạm khi năng lực của các nhà sản xuất trong nước lớn hơn cầu của thị trường nội địa.

Thực tế này dự báo sẽ có những cuộc cạnh tranh khốc liệt để giành thị phần giữa các doanh nghiệp sản xuất trong nước, thậm chí là với cả các doanh nghiệp nhập khẩu, nếu không có các hàng rào hạn chế.

Dĩ nhiên, trong “cuộc chơi” này, các nhà máy đạm đang sản xuất sẽ có những lợi thế nhất định. Đơn cử, sản phẩm đạm Phú Mỹ, với lợi thế giá khí rẻ trong nhiều năm qua, giá bán sản phẩm đạm của PVFCCo đã có những ưu thế nhất định. Giai đoạn 2004-2006, giá bán khí đầu vào cho Đạm Phú Mỹ chỉ có 1,3 USD/triệu BTU; giai đoạn 2009-2011, giá khí đầu vào là 2,2 USD/triệu BTU, ưu đãi hơn rất nhiều các doanh nghiệp khác cùng nguồn khí phải chịu (3-3,3 USD/triệu BTU). Ngay cả mức giá 2,98 USD/triệu BTU từ ngày1/4/2010 cũng vẫn thấp hơn giá khí cho các hộ khác cùng một nguồn.

Từ năm 2011, đạm Phú Mỹ phải chịu giá khí theo thị trường, có thể hiểu là ngang bằng với các hộ tiêu thụ khí khác, mà ở đây là điện với mức giá cỡ 3,6 USD/triệu BTU, nhưng nhà máy này vẫn có lợi thế lớn khi đã hết khấu hao vốn đầu tư 370 triệu USD.

Với các nhà máy mới hoạt động thì không dễ dàng như vậy. Ngoài nguồn than đầu vào phải chấp nhận theo giá thị trường, giá bán của Đạm Ninh Bình sẽ còn phải chịu thêm khấu hao lớn trong những năm đầu đi vào sản xuất.

Tại Nhà máy Đạm Cà Mau, do nguồn khí đầu vào không thể rẻ như bán cho Đạm Phú Mỹ, thậm chí có thể cao như giá khí bán cho hai nhà máy điện Cà Mau 1&2 hiện nay (có những thời điểm lên tới 7-8 UScent/triệu BTU), chắc chắn, việc cạnh tranh cũng có những khó khăn nhất định. Ngay cả việc được PVFCCo trợ giúp vận hành và tham gia bao tiêu sản phẩm của Đạm Cà Mau như tuyên bố của lãnh đạo PVN, thì thị trường phân đạm cũng hứa hẹn nhiều cuộc đua gay cấn.

Nguồn: