Tác động của chiến tranh Nga - Ucraina đối với thị trường phân bón toàn cầu

02:56 CH @ Thứ Ba - 14 Tháng Sáu, 2022

Chiến tranh Nga-Ucraina bùng nổ đã góp phần làm tăng thêm tình trạng thiếu nguồn cung phân bón trên thế giới, khiến cho giá phân bón càng tăng cao hơn. Nhưng giá phân bón cao và nguồn cung thiếu hụt không ảnh hưởng ngay lập tức đến sản xuất và giá lương thực thực phẩm trên toàn cầu. Hiện tại, thị trường phân bón ở khu vực Bắc Bán cầu vẫn tương đối yên tĩnh. Trên thực tế, các hoạt động vận chuyển phân bón xuyên đại dương cho vụ mùa xuân sắp tới ở các nước Bắc Bán cầu đã hoàn tất, hiện nay chỉ còn chủ yếu là các hoạt động vận chuyển ở cấp khu vực, từ cảng nhập khẩu hoặc nhà máy sản xuất trong nước đến các nông trại.

Những khu vực nông nghiệp đầu tiên trên thế giới sẽ gặp rủi ro về nguồn cung phân bón là Ấn Độ và châu Mỹ La tinh. Ấn Độ đã phần nào tránh được những rủi ro, nhưng châu Mỹ La tinh đang phụ thuộc khá nhiều vào nguồn phân bón nhập khẩu. Nguồn cung phân bón cho sản xuất đậu nành có thể bị ảnh hưởng vì Nga và Belarut chiếm 40% sản lượng và xuất khẩu phân kali trên thế giới. Vì vậy, vụ mùa đậu nành 2023 của Braxin có thể là vụ mùa đầu tiên phải hứng chịu tác động bất lợi trực tiếp từ cuộc chiến tranh Nga-Ucraina.

Mặt khác, thị trường châu Mỹ La tinh sẽ chưa cần phân bón cho ngành nông nghiệp cho đến tháng 9/2022, có nghĩa là phân bón có thể đến cảng Braxin vào quãng thời gian tháng 7 - tháng 8/2022. 

Tác động của chiến tranh đối với thị trường phân đạm và phân kali

Nga và Belarut là những khu vực khai thác và sản xuất phân kali hàng đầu thế giới, đồng thời Nga cũng là nguồn cung ứng phân đạm quan trọng. Ngoài vai trò là nhà sản xuất hàng đầu đối với hai loại phân bón đó, Nga cũng là quốc gia cung ứng quan trọng một loại nguyên liệu chủ yếu cho phân đạm, đó là khí thiên nhiên. Điều này đặc biệt có ý nghĩa lớn đối với EU và Ấn Độ, vì sản xuất phân đạm nội địa của các quốc gia này phụ thuộc nhiều vào khí thiên nhiên nhập khẩu.

Cuộc chiến tranh Nga-Ucraina và các biện pháp trừng phạt tiếp theo đã cắt thị trường phân bón toàn cầu khỏi nguồn cung phân đạm và phân kali của Nga. Tình hình này có thể dẫn đến mất cân bằng cung cầu, nguồn cung phân đạm và phân kali toàn cầu thắt chặt kéo theo áp lực tăng giá và những dao động mạnh về giá phân bón. Điều này đã được thấy rõ trên thị trường hiện nay. Sau khi giảm đáng kể trên thị trường toàn cầu trong 2 tháng đầu năm 2022, giá phân đạm đã tăng trở lại. Trái lại, giá phân kali đã không giảm từ đầu năm 2022, chủ yếu vì hai lý do: Trước tiên, thị trường phân kali được cung ứng chỉ bởi ba công ty khai khoáng chính mà hiện đang bán trực tiếp cho các nhà nhập khẩu, vì vậy ba công ty này đang nắm quyền kiểm soát tối đa đối với các dao động của giá phân kali. Thứ hai, tổng khối lượng xuất khẩu phân kali của Nga và Belarut chiếm 40% tổng khối lượng xuất khẩu toàn cầu, trong khi đó Belarut đã bị các quốc gia phương Tây trừng phạt từ năm 2021, khi chính phủ nước này bị tố cáo đàn áp các cuộc biểu tình. 

Nhưng trước khi xảy ra xung đột Nga-Ucraina, việc Nga đe dọa cắt nguồn cung khí thiên nhiên cho châu âu vào mùa thu 2021 đã góp phần làm tăng giá phân bón và gây nhiều bất ổn trên thị trường. Giá phân bón đã tăng gấp ba trong nửa sau năm 2021. Vào thời gian đó, chuỗi cung ứng đã có thể chấp nhận sự tăng giá như vậy vì nó xảy ra trùng hợp với xu hướng tăng mạnh giá các loại nông sản.

Mặc dù giá phân bón có thể tăng để đáp ứng sự tăng giá lương thực, nhưng giá phân bón cao hiện nay và tình trạng thiếu nguồn cung không phải là nguyên nhân khiến cho giá lương thực thực phẩm tăng. Trên thực tế, giá phân bón cao sẽ là động lực để các nhà sản xuất tăng sản lượng. Các nhà kinh doanh phân bón toàn cầu sẽ điều chỉnh dòng thương mại để đưa nguồn cung đến các khu vực có nhu cầu cấp bách nhất, mà hiện nay chủ yếu là châu Mỹ La tinh.  

Tác động đối với thị trường phân bón Ấn Độ và Braxin 

Tác động trực tiếp của chiến tranh Nga-Ucraina sẽ được nhận thấy trước tiên trong các vụ mùa canh tác tại Ấn Độ và các nước bán cầu Nam. 

Hiện tại, nông dân Ấn Độ đang chuẩn bị gieo trồng một số loại cây quan trọng của quốc gia này là gạo, ngô và bông, vụ mùa này dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 6, khi mùa mưa bắt đầu. Ấn Độ phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu cả 3 loại chất dinh dưỡng cây trồng là N, P, K. Tháng 3 vừa qua, Ấn Độ đã ký hợp đồng mua những lượng lớn phân kali với các nhà cung ứng tại Canađa (đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Nga và Belarut). Ấn Độ cũng đã ký hợp đồng mua những lượng lớn phân đạm thông qua các đợt đấu thầu trong 3 tháng trước. Như vậy, nhu cầu trước mắt của Ấn Độ đã được đáp ứng, tuy nhiên ngành nông nghiệp nước này vẫn sẽ tiếp tục tìm mua phân bón trong những tháng sắp tới.

Braxin cũng đang chuẩn bị cho vụ mùa đậu nành chính vào tháng 9. Điều đó có nghĩa là quốc gia này sẽ tham gia thị trường trong những tháng tới để tìm mua phân bón. Loại phân bón quan trọng nhất đối với Braxin là phân kali - chất dinh dưỡng thiết yếu cho đậu nành. Nhập khẩu phân bón của Braxin sẽ tập trung chủ yếu vào phân kali, đây cũng là quốc gia nhập khẩu phân kali nhiều nhất trên thế giới. Braxin nhập khẩu 40% phân kali từ Nga và Belarut, chiếm 36% thị phần toàn cầu, nhưng các nhà sản xuất Bắc Mỹ (chiếm 50% thị phần toàn cầu) cũng đang mong muốn gia tăng nguồn cung phân kali cho Braxin. Chất dinh dưỡng quan trọng nhất đối với lúa mì và ngô tại khu vực Mỹ La tinh là phân đạm, nhưng nguồn cung phân đạm toàn cầu đa dạng và linh hoạt hơn, vì vậy có thể dễ dàng tìm được giải pháp trong 6 tháng tới.

Nhìn chung, Ấn Độ và châu Phi sẽ là các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của sự đứt gãy chuỗi cung ứng phân bón dưới tác động của chiến tranh Nga-Ucraina. Chính phủ Ấn Độ trợ cấp cho nông dân bằng cách cung cấp phân bón với giá thấp và áp mức trần lên giá ngũ cốc để kiểm soát lạm phát lương thực. Nhưng ngân sách của chính phủ dành cho trợ giá phân bón sẽ phải tăng đáng kể trong tình hình hiện nay. Trong khi đó, người nông dân châu Phi có thể sẽ không đủ khả năng tài chính để mua phân bón và phải chứng kiến sản lượng lương thực sụt giảm. 

Thị trường phân đạm chống chịu tốt hơn tác động của chiến tranh

Cấu trúc phân mảnh nhiều hơn của ngành sản xuất phân đạm toàn cầu và thị phần tương đối nhỏ của Nga cũng như Ucraina trong sản xuất (7%) và xuất khẩu (17%) urê toàn cầu đã tạo cho thị trường phân đạm cơ hội giảm thiểu tác động của việc mất nguồn cung từ Nga và Ucraina. Trung Quốc cũng có công suất urê lớn, có thể cung cấp ra thị trường, nhưng cho đến nay urê của Trung Quốc vẫn bị loại khỏi thị trường xuất khẩu do chính phủ nước này hạn chế mạnh quota xuất khẩu phân đạm nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước. Sản phẩm của Trung Quốc sẽ không thể được cung cấp cho thị trường Ấn Độ vào thời gian tới, nhưng có thể giúp lấp chỗ trống do thiếu nguồn cung từ Nga trong vụ mùa 2023 tại Bắc Bán cầu. Các quốc gia Trung Đông và Bắc Phi có thể giúp bảo đảm nguồn cung phân đạm cho Ấn Độ trong những tháng tới, tuy nhiên với giá khá cao và sẽ ảnh hưởng đến ngân sách của quốc gia này. Khác với các khu vực sản xuất nông nghiệp lớn khác, Ấn Độ không xuất khẩu nhiều nông sản mà chủ yếu sản xuất cho tiêu thụ nội địa, trong khi đó giá trần được chính phủ quy định.

Đối với Braxin, những thách thức về đảm bảo nguồn cung phân kali sẽ lớn hơn. Việc Nga và Belarut cấm xuất khẩu phân kali có thể gây áp lực làm giảm sản lượng đậu nành của Braxin. 

Tác động đối với nguồn cung phân bón trong vụ mùa 2023 

Nhìn xa hơn, chiến tranh Nga-Ucraina có thể làm đứt gãy nguồn cung phân bón, dẫn đến những tác động bất lợi cho sản xuất vụ mùa năm 2023 tại các nước Bắc Bán cầu. Hiện nay, ngoại trừ các nước Liên Xô cũ, thương mại phân bón ở các khu vực Bắc Bán cầu không còn phụ thuộc nhiều vào Nga hoặc Ucraina. Tuy nhiên, các nước EU đang phải dựa rất nhiều vào một loại phân đạm “đặc biệt”, đó là CAN. Nga và Ucraina chiếm gần 50% thị phần trên thị trường xuất khẩu CAN toàn cầu. Hơn nữa, sản xuất CAN nội địa của EU cũng phải dựa vào nguồn cung khí thiên nhiên từ Nga.   

Triển vọng thời gian tới

Nguồn cung phân đạm toàn cầu nhìn chung linh hoạt và phân mảnh hơn các loại phân bón khác, trong khi đó Nga, Belarut và Ucraina chỉ chiếm thị phần nhỏ trên thị trường. Trong thời gian tới, có khả năng các hoạt động mở rộng sản xuất và tăng cường giao dịch phân đạm sẽ diễn ra ở các nơi khác trên thế giới, ngoài Nga và Ucraina. Trung Quốc, một trong những quốc gia xuất khẩu với tiềm năng lớn nhất, có thể hủy bỏ lệnh cấm xuất khẩu trong quý II/2022 khi những lý do của lệnh cấm này không còn nữa. Tình trạng thiếu điện diễn ra tại Trung Quốc vào mùa thu và mùa đông 2021/2022 đã được giải quyết. Hơn nữa, sản xuất dầu mỏ tại Trung Đông có thể tăng, nhờ đó sản xuất khí thiên nhiên - sản phẩm phụ của các mỏ khai thác dầu - cũng có thể tăng. 

Giá phân đạm cao hiện nay có thể đủ hấp dẫn để các công ty sản xuất phân bón gia tăng sản lượng phân đạm. Trong khi đó, ngành sản xuất khí đá phiến tại Mỹ đang thực hiện những hoạt động chuẩn bị để sắp tới sẽ tăng sản lượng. Những yếu tố như vậy có thể giúp tăng sản lượng và nguồn cung phân đạm cho xuất khẩu. Công ty CF Industries, nhà sản xuất phân đạm lớn nhất toàn cầu, đã xây dựng nhà máy phân đạm lớn nhất thế giới tại Louisiana (Mỹ) bên bờ biển Vùng Vịnh Mêhicô để hưởng lợi trên thị trường xuất khẩu phân đạm nhờ lợi thế khí đá phiến của Mỹ.

Nguồn: