Sau một thời gian có chiều hướng giảm, gần đây giá nhiều loại phân bón đã bật tăng trở lại. Nhiều chuyên gia dự báo, giá phân bón sẽ chịu áp lực tăng trở lại trong cuối năm 2022 và đầu năm 2023 do thiếu hụt nguồn cung.
Thiếu hụt nguồn cung
Qua khảo sát thị trường, giá đạm ure Cà Mau, Phú Mỹ, Hà Bắc và nhiều loại ure nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia đang được bán ra ở mức 780.000 - 840.000 đồng/bao 50kg. Trong khi đó, giá nhiều loại DAP, Kali, NPK tiếp tục duy trì ở mức cao. Phân bón NPK 20-20-15 Con Cò và nhiều loại DAP nhập khẩu từ Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc có giá 1.350.000 - 1.450.000 đồng/bao; Kali nhập khẩu từ Nga và Canada có giá bán lẻ tại nhiều nơi ở mức 990.000 - 1.100.000 đồng/bao.
Theo thống kê, hiện cả nước cần khoảng 11 triệu tấn/năm, bao gồm cả phân vô cơ và hữu cơ. Trong khi năng lực sản xuất của Việt Nam khoảng 7 triệu tấn, còn lại nhập khoảng 4 triệu tấn.
Theo Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam Phùng Hà, hiện giá phân bón trong nước và thế giới đang chịu nhiều áp lực tăng giá. Đầu tiên do Nga và Trung Quốc là những quốc gia có tỷ trọng xuất khẩu phân bón lớn nhất. Tuy vậy sản lượng xuất khẩu phân bón của Trung Quốc giảm mạnh từ tháng 9/2021 sau lệnh cấm xuất khẩu, và việc Nga áp dụng hạn ngạch xuất khẩu đã làm hạn chế nguồn cung phân bón trên toàn cầu.
Mặc dù lệnh cấm xuất khẩu của Trung Quốc đối với ure ban đầu được gỡ bỏ vào cuối tháng 6/2022, các hoạt động xuất khẩu vẫn rất hạn chế nhằm đảm bảo đủ nguồn cung cho tiêu thụ nội địa. Hiện tại, tồn kho ure của Trung Quốc tại cảng đang thấp hơn 60% so với mức trung bình 10 năm. Trong khi đó, Nga tiếp tục áp dụng hạn ngạch xuất khẩu đối với ure trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 12/2022, nhưng mức hạn ngạch đã được tăng lên 8,3 triệu tấn trong nửa cuối năm 2022 so với 5,9 triệu tấn trong giai đoạn từ tháng 12/2021 đến tháng 5/2022.
Ở một diễn biến khác, sau khi căng thẳng quân sự giữa Nga và Ukraine diễn ra, các lệnh trừng phạt giữa phương Tây và Nga gồm hoãn đường ống dẫn khí Nord Stream 2; bắt buộc thanh toán khí bằng đồng Ruble; hạ dần sản lượng khí nhập khẩu từ Nga trong các năm tiếp theo đã khiến cho việc duy trì đủ lượng khí đốt của EU trở nên khó khăn hơn. Việc thiếu hụt nguồn cung khí trong khi nhu cầu vẫn cao đã khiến giá khí tại châu Âu tăng vọt. Giá khí tự nhiên đã tăng 4,37 USD/MMBtu hay 117,19% từ đầu năm 2022 đến ngày 12/9/2022.
Giá phân bón có thể tiếp tục tăng mạnh khi giá khí duy trì ở mức cao. Với giá khí như hiện tại, nhiều nhà máy đã đóng các dây chuyền sản xuất Ammonia hoặc sản xuất phân ure vì giá bán không bù được chi phí. Ước tính khoảng gần 30% công suất sản xuất ure bị cắt giảm và gần 25% công suất sản xuất Ammonia bị cắt giảm.
“Trong bối cảnh nguồn cung khí tại châu Âu đang vô cùng khan hiếm, hoạt động sản xuất phân bón bị cắt giảm, nguồn cung trên thế giới thiếu hụt, chúng tôi dự đoán giá phân bón sẽ chịu áp lực tăng trở lại trong cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Giá trị xuất khẩu phân bón của Việt Nam sẽ tăng cao” - ông Phùng Hà đưa ra dự báo.
Duy trì tối đa công suất, ổn định nguồn cung trong nước
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm 2022 cả nước xuất khẩu trên 1,11 triệu tấn phân bón các loại, tương đương 721,81 triệu USD. Giá trung bình 649,7 USD/tấn, tăng mạnh 41,5% về khối lượng, tăng 174,3% về kim ngạch và tăng 93,8% về giá so với 7 tháng đầu năm 2021. Giá phân bón tại thị trường Việt Nam dự báo tăng trở lại trong các tháng cuối năm. Mặc dù giá bán xuất khẩu vẫn duy trì ở mức cao, giá ure trong nước giảm hơn 20% trong quý 2 do nhu cầu giảm.
Mặc dù quý 3 vẫn là mùa thấp điểm của ngành trồng trọt, nhưng do nguồn cung phân đạm từ châu Âu bị cắt giảm nên giá các loại phân bón đã bắt đầu tăng trở lại. Dự báo giá phân đạm trong nước tiếp tục tăng trong quý 4 khi vụ Đông Xuân bắt đầu, và sẽ duy trì ở mức cao trong quý 1/2023.
Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao Vũ Xuân Hồng chia sẻ, thời gian qua, giá phân bón trên thị trường thế giới tăng đột biến, như Lưu huỳnh tăng gấp đôi, ure tăng 89%... đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
Là đơn vị sản xuất trong nước, với sự tăng cao của nguyên liệu như vậy, DN đứng trước thực tế là không đủ nguyên liệu cho sản xuất, dẫn đến sản xuất cầm chừng, tạo giá thành rất cao. Đặc biệt, với nguyên liệu đầu vào cao kéo theo giá thành cao, nên giá bán cũng phải đưa lên cao, làm giảm sức tiêu dùng của thị trường.
Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Huỳnh Tấn Đạt cho biết, để ổn định thị trường, các DN sản xuất phân bón cam kết tiếp tục duy trì tối đa công suất, hạn chế xuất khẩu, cung ứng kịp thời và ưu tiên tối đa thị trường trong nước. Đến nay các DN đều đang thực hiện tốt việc này, góp phần ổn định nguồn cung trong nước. Những giải pháp thay đổi quy trình sản xuất theo hướng tiết kiệm nguyên liệu vật tư, tăng cường tuần hoàn các phế phẩm nông nghiệp ở quy mô hộ, liên hộ, hợp tác xã cần được nhân rộng, phổ biến. Cùng với đó, để giảm giá phân bón, DN cần chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào, quy hoạch sản xuất, kinh doanh, thị trường để hài hòa lợi ích, minh bạch giá cả để giảm tối đa sản xuất.
Còn theo Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam Phùng Hà, cần tăng cường nguồn cung trong nước. DN sản xuất phân bón trong nước cần duy trì tối đa công suất sản xuất, cung ứng kịp thời, giảm các đại lý trung gian, ưu tiên cung ứng phân bón phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp trong nước. Các DN cần tập trung ưu tiên bảo đảm nguồn cung cho thị trường trong nước.
Theo phân tích của hãng Argus Media, sản lượng phân đạm của Liên minh châu Âu đang giảm khoảng 400.000 - 500.000 tấn mỗi tháng. Trong khi đó, thị trường phân bón Nitơ của châu Âu đang làm trầm trọng thêm tình trạng tăng giá ở Bắc Mỹ khi hàng loạt các nhà máy cắt giảm sản lượng vì thiếu hụt nguồn cung. |