Thị trường phân bón toàn cầu được dự đoán sẽ phát triển ổn định với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 5,12%, có trị giá 268,44 tỷ USD.
Hãng nghiên cứu Bonafide Research cho biết, nhu cầu về phân bón được thúc đẩy bởi nhu cầu tăng năng suất nông nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu lương thực của dân số ngày càng tăng, đồng thời giải quyết những thách thức do thoái hóa đất và biến đổi khí hậu gây ra.
Theo đó, khi dân số thế giới tiếp tục tăng cùng kéo theo nhu cầu về lương thực, buộc nông dân cần sản xuất nhiều cây trồng hơn để đảm bảo an ninh lương thực thì phân bón giúp tăng năng suất cây trồng và cải thiện sản lượng. Mặt khác khi khu vực nông thôn phát triển, diện tích đất dành cho nông nghiệp ngày càng giảm, điều này dẫn đến nhu cầu về phân bón ngày một tăng lên…
Tuy nhiên, có một số yếu tố hạn chế sự phát triển của phân bón do nó có thể tác động xấu đến môi trường, bao gồm suy thoái đất, ô nhiễm nguồn nước và phát thải khí nhà kính, hoặc việc lạm dụng phân bón có thể dẫn đến những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Do đó, các chính phủ có thể sẽ áp đặt các quy định về sử dụng phân bón để giảm thiểu những tác động này. Ngoài ra, phân bón có thể đắt đỏ hơn, đặc biệt là đối với nông dân sản xuất quy mô nhỏ, trong khi ở một số nơi phân bón có thể không sẵn có do khả năng tiếp cận thị trường kém.
Theo các chuyên gia, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục thống trị thị trường phân bón và dự kiến sẽ đạt trị giá 120 tỷ USD vào năm 2027. Trong đó, phân đạm vẫn là loại phân bón được sử dụng phổ biến nhất do chi phí thấp và năng suất cao. Cụ thể hơn, các ngành hàng rau, trái cây và ngũ cốc chiếm gần 80% tổng lượng phân bón được sử dụng vì chúng rất quan trọng đối với an ninh lương thực và dinh dưỡng cho hàng tỷ người trên thế giới. Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ vẫn chiếm 40% thị trường phân bón toàn cầu.
Dự báo, phân bón dạng lỏng sẽ có nhu cầu cao trong thời gian tới do đặc tính dễ sử dụng, phun đều và tốc độ hấp thụ nhanh, cùng với sự gia tăng của các kỹ thuật canh tác thay thế như canh tác trong nhà, canh tác thẳng đứng, canh tác trong nhà kính… Phân bón dạng lỏng cũng thường được sử dụng trong các hệ thống canh tác thủy canh vì chúng có thể dễ dàng được phân phối thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt hoặc các thiết lập thủy canh khác, hoặc có thể được pha chế để cung cấp hỗn hợp chính xác các chất dinh dưỡng dựa theo từng nhu cầu cụ thể của cây trồng do chúng có thể được rễ cây hấp thụ nhanh chóng. Tuy nhiên, yếu tố hạn chế duy nhất là phân bón lỏng có thể đắt hơn phân bón khô và cần phải bón thường xuyên hơn.
Hiện phân đạm vẫn là loại phân bón được nông dân sử dụng nhiều nhất vì giá cả phải chăng, sẵn có và hiệu quả do được sản xuất dễ dàng và tiết kiệm chi phí hơn bằng các phương pháp như quy trình Haber-Bosch. Trong khi đó, phân lân có tỷ trọng giá trị cao hơn vì chúng có xu hướng đắt hơn phân đạm do việc sản xuất phân lân thường đòi hỏi các phương pháp chế biến và sản xuất phức tạp hơn so với phân đạm.
Ước tính, khu vực Châu Á- Thái Bình Dương đã sử dụng 246,31 triệu tấn phân bón các loại vào năm 2022, chiếm khoảng 43,54% thị trường phân bón toàn cầu. Tiếp đến là châu Âu với 92,96 triệu tấn. Xếp thứ ba là khu vực Bắc Mỹ với 82,23 triệu tấn, trong đó Mỹ là nhà sản xuất và tiêu thụ phân bón lớn nhất khu vực- chủ yếu được thúc đẩy bởi ngành nông nghiệp quy mô lớn, đòi hỏi khối lượng phân bón cao để duy trì năng suất cây trồng. Thứ tư là khu vực Mỹ Latinh với nhu cầu sử dụng 64,39 triệu tấn phân bón vào năm 2022, trong đó nhiều nhất là Brazil và Argentina. Thứ năm là khu vực Trung Đông & Châu Phi với việc tiêu thụ 55,89 triệu tấn phân bón trong năm 2022. Các quốc gia khác trong khu vực như Nigeria, Nam Phi và Kenya cũng là những thị trường mới nổi về phân bón, do nhu cầu lương thực ngày càng tăng và nhu cầu nâng cao năng suất nông nghiệp. |